Dự án Thủ Thiêm Green House đã giải ngân 170 tỷ đồng từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh: Thu Thiem Group.
Thông tin từ ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho vay nhà ở xã hội đã trở thành chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Theo đó, tổng dư nợ cho vay tại TP.HCM đạt gần 109 tỷ đồng cho 290 khách hàng.
Ông nhấn mạnh rằng kết quả này mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, bởi các đối tượng vay mua nhà ở xã hội đều là người thu nhập thấp, thuộc diện chính sách, được vay với lãi suất ưu đãi và khả năng trả nợ phù hợp với hoàn cảnh.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, ông Lệnh cho biết các ngân hàng thương mại đã chủ động cung cấp các gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội, hoặc triển khai các giải pháp tín dụng với lãi suất và thời hạn vay ưu đãi. Hiện nay, trong số 6 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện tại TP.HCM, có 3 dự án đã và đang vay vốn tín dụng ngân hàng.
"Riêng dự án nhà ở cho công nhân thuê tại Thủ Đức do CTCP Thủ Thiêm Group thực hiện đang vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã giải ngân 170 tỷ đồng", ông nói.
Theo tìm hiểu, đây là dự án Thủ Thiêm Green House, thuộc cụm công nghiệp tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) có quy mô 1.040 căn. Dự án đã được khởi công vào cuối năm 2022, dự kiến bàn giao trong năm nay.
Cũng theo ông Lệnh, thời gian qua, TP đã và đang triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM cung cấp các khoản vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, cũng như xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở theo quy định. Lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ.
"Đây là một trong những chính sách quan trọng, góp phần hỗ trợ vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho đối tượng là người thu nhập thấp, đối tượng chính sách theo các quy định của Chính phủ", ông Lệnh nói.
Các ngân hàng thương mại, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cũng đã tích cực thực hiện cho vay ưu đãi cho nhà ở xã hội theo Nghị định 100 và Nghị định 49. Theo đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia chương trình gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV. Việc cho vay được thực hiện theo nguồn vốn tái cấp vốn và lãi suất quy định.
Ngoài ra, các ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội. Hiện tại, lãi suất cho người mua nhà là 6,5%/năm và 7%/năm cho chủ đầu tư, giảm mạnh so với mức ban đầu là 8,2%/năm và 8,7%/năm.
Nhằm tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở xã hội, ông Lệnh cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục các chính sách tín dụng ưu đãi, trong đó đảm bảo đáp ứng được yêu cầu ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và thu nhập của đối tượng chính sách, của người thu nhập thấp.
Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý của dự án. Dự án có đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện vay vốn hoàn toàn tiếp cận thuận lợi vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng trong gói 120.000 tỷ đồng nói riêng. Tổ chức triển khai thực hiện những điểm mới từ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và những điểm mới từ Luật các tổ chức tín dụng...
Tác giả: Liên Phạm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy