Dòng sự kiện:
TP.HCM sẵn sàng đón vốn từ Nhật Bản
09/08/2015 16:30:13
Danh mục cụ thể các dự án trong 3 lĩnh vực ưu tiên gồm đường sắt đô thị, xử lý nước thải và thương mại đã được TP.HCM gửi tới 30 doanh nghiệp thành Liên đoàn kinh tế Keidanren – Nhật Bản tham dự Diễn đàn “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Nhật Bản 2015” mới được tổ chức.

Tin liên quan

Trong lĩnh vực đường sắt đô thị, tuyến monorail số 2 và tuyến monorail số 6 đã có tên trong danh mục dự án kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản. Đây là 2 trong số 10 tuyến đường sắt theo Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Tuyến monorail số 2 có chiều dài 27,2 km, có tổng mức đầu tư khoảng 715 triệu USD. Hình thức kêu gọi đầu tư là hình thức hợp tác công – tư (PPP). Tuyến monorail số 6 có chiều dài 6,365 km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,33 tỷ USD.

Đối với lĩnh vực xử lý nước thải, Dự án Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn thuộc lưu vực số 2 được đưa ra để mời gọi. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là 49,54 triệu USD cho dự án nhà máy xử lý nước thải và 270,5 triệu USD cho dự án hệ thống thu gom.

Các dự án này đều trong danh mục dự án đầu tư theo hình thức PPP của TP.HCM.

Trong nhóm dự án theo hình thức PPP, trong lĩnh vực thương mại có Dự án Khu thương mại ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành. Tổng mức đầu tư của Dự án này khoảng 312,05 triệu USD, hình thức kêu gọi đầu tư là PPP…

Riêng với dự án này, nhiều khả năng nhà đầu tư Toshin Development (Nhật Bản) sẽ tham gia đầu tư, vì trước đó, nhà đầu tư này đã đề xuất với TP.HCM việc xây dựng một trung tâm thương mại ngầm tại khu vực chợ Bến Thành. Theo đề xuất này, Toshin Development sẽ đầu tư khu trung tâm thương mại tại Dự án này.

Cùng với danh mục các dự án ưu tiên dành cho nhà đầu tư Nhật Bản, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, hệ thống hạ tầng khu công nghiệp cũng đang được tiếp tục hoàn thiện và mở rộng.

Trong kế hoạch, ngoài 17 khu chế xuất và khu công nghiệp với diện tích trên 4.000 ha hiện có, TP.HCM sẽ lập thêm 7 khu công nghiệp mới với diện tích hơn 2.000 ha. “Bên cạnh khu đô thị mới Nam thành phố khoảng 7.000 ha, Thành phố đang tiếp tục phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị mới Tây Bắc – Củ Chi, khu đô thị cảng Hiệp Phước…”, bà Mai nói và cho biết, TP.HCM còn có nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội đang mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư.

Đặc biệt, gần đây, TP.HCM đã có nhiều động thái tích cực để khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Có thể kể tới các phần việc như xây dựng Khu kỹ nghệ Việt Nhật có diện tích 13 ha, tổng vốn đầu tư 31 triệu USD, chuyên thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hình thành phân khu công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2) và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 với tổng diện tích hơn 200 ha, nhằm mục tiêu xây dựng khu chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ; thí điểm mô hình nhà xưởng cao tầng cho doanh nghiệp thuê tại Khu công nghệ cao và tại các khu chế xuất Linh Trung, Tân Thuận, các khu công nghiệp Hiệp Phước, Đông Nam…

Cũng phải nói thêm, 30 doanh nghiệp của Nhật Bản có mặt tại Diễn đàn này phần lớn đều có quy mô lớn, có mạng lưới đầu tư, kinh doanh ở nhiều quốc gia. Mối quan tâm của họ, theo như ông  Mukuta Satochi, Giám đốc điều hành cấp cao của Liên đoàn kinh tế

Keidanren cho biết, là 5 lĩnh vực gồm công nghiệp (năng lượng, hóa chất, điện - điện tử, cơ khí, ô tô, nhựa, dệt may, sắt thép, khoáng sản, máy móc công nghiệp, tái chế…); nông nghiệp - công nghiệp chế biến thực phẩm; giao nhận, vận tải; xây dựng, bất động sản, môi trường; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, nhân sự.

Theo baodautu

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến