Dòng sự kiện:
Trả lương theo vị trí việc làm: Không 'cào bằng' nhưng 'định chuẩn' rất khó
16/03/2024 11:30:08
ĐBQH Khóa XIII Bùi Thị An cho rằng trả lương theo vị trí việc làm sẽ tạo công bằng xã hội tuy nhiên có những vị trí để đưa ra “tiêu chuẩn” lại vô cùng khó!

Việc thực hiện chế độ tiền lương theo vị trí việc làm từ 1/7/2024 đang thu thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Trong nhiều năm trở lại đây, lương của cán bộ, công chức, viên chức đều được tính theo một công thức chung là hệ số lương x mức lương cơ sở. Có nhiều bậc lương khác nhau, công tác càng lâu, lương sẽ càng tăng (cứ sau 3 năm lại được nâng bậc lương). Đồng thời, việc xếp lương cũng được tính theo bằng cấp (cứ tốt nghiệp đại học sẽ luôn có hệ số lương khởi điểm là 2,34).

ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng cách thức trả lương hiện nay được cho là có tính chất “cào bằng”, không đánh giá được đúng năng lực (Ảnh minh họa).

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng cách thức trả lương hiện nay được cho là có tính chất “cào bằng”, không đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; không tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như không khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Bà Bùi Thị An, trả lương theo vị trí việc làm là bước đột phá, nếu chúng ta xác định được vị trí việc làm một cách chuẩn xác sẽ tạo được công bằng xã hội. “Theo tôi hiểu, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng. Như vậy, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc. Tuy nhiên, có những vị trí việc làm sao để định nghĩa đúng “tiêu chuẩn” là vô cùng khó, làm sao cho chuẩn xác được?”, bà Bùi Thị An băn khoăn.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, cải cách tiền lương giúp khắc phục những tồn tại hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương đang áp dụng hiện nay.

Trên thực tế, chính sách tiền lương còn phức tạp, mang nặng tính bình quân; thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; không bảo đảm được cuộc sống và chưa phát huy được nhân tài; chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

“Theo tôi, cải cách tiền lương làm sao để tiền lương phải là thu nhập chính đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình họ. Cải cách tiền lương nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Đồng thời thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Quảng nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, trả lương theo vị trí việc làm là việc căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức trong công chức, viên chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng. Trả lương theo vị trí việc làm cũng là một trong những bước cải cách lớn liên quan đến tiền lương của công chức, viên chức.

“Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đã nêu rõ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Trả lương theo vị trí việc làm có nghĩa là người dù mới được tuyển dụng, bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Riêng những người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ. Như vậy, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.

Trả lương theo vị trí việc làm sẽ giúp đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”, ông Quảng nhấn mạnh.

Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đưa ra lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất ở khu vực doanh nghiệp.

Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ một trong các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Tác giả: Ngân Giang

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến