Dòng sự kiện:
Trăm năm giữ lửa, làng nghề đúc đồng Trà Đông hối hả vào vụ Tết
19/01/2022 10:21:49
Với tinh thần khám phá chiếm lĩnh kĩ thuật chế tác đồng thau của người xưa, những hậu duệ của làng Trà Đông vẫn đang tiếp nối mạch nguồn sáng tạo của cha ông đưa kĩ thuật đúc đồng đạt đến đỉnh cao mới.

Xứ Thanh vùng đất có nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, gắn với nghề chế tác đồ đồng đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 12km về phía tây có làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa là một vùng đất giàu truyền thống với nghề đúc đồng nổi tiếng.

Những ngày giáp Tết, làng đúc đồng Trà Đông bận rộn, tất bật hơn bao giờ hết, những lò đúc luôn đỏ lửa suốt đêm ngày. Đây cũng là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất của Thanh Hóa, cung cấp cho thị trường những sản phẩm mang đậm tính văn hóa như trống đồng, tượng đồng, đồ thờ tự...

Trống đồng được đúc bởi những nghệ nhân làng Trà Đông

Dân làng không rõ nghề đúc đồng có từ thời điểm nào cụ thể. Theo truyền thống, vào cuối thời Tiền Lê, đầu thời Lý, vị Thái sư Không Lộ, tự Minh Không sau khi từ Trung Quốc về, ngài cùng hai đồ đệ họ Vũ đi khắp nơi tìm đất làm khuôn đúc đồng. Khi đến Trà Sơn Trang, (Trà Đông) ngài mới tìm được đất tốt, đem về vùng Lâm Trúc Sơn (Hà Nội) để đúc bộ tứ khí gồm: Tháp Bảo Thiên, vạc Minh Đỉnh, tượng Quỳnh Lâm, chuông Phả Lại. Sau đó ngài cho 2 đồ đệ về Trà Sơn Trang mở lò truyền nghề đúc cho dân. Do đó, dân làng có câu ca: “Đất họ Lê - nghề họ Vũ”, có ý nói rằng vùng đất do họ Lê khai phá, nghề do họ Vũ truyền lại.

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Bảy cho biết, nghề đúc đồng đã có từ rất lâu và hiện nay các nghệ nhân của làng đang cố gắng để duy trì được như các cụ ngày xưa. Mọi sản phẩm được làm thủ công, phải giữ được cái hồn như ngày xưa từ chất liệu cho đến kiểu dáng. Công việc đúc đồng có rất nhiều công đoạn nhưng mà cái quan trọng nhất là họa tiết hoa văn và khuôn đất.

Cồng chiêng cũng là sản phẩm nổi bật của làng Trà Đông

Với những người thợ, đúc đồng là điều tâm linh cho nên trước khi đúc, họ thường bỏ vào kim loại quý, và đặc biệt là thắp hương xin các vị thánh, tổ nghề để sản phẩm được thành công.

Nghề đúc đồng ở Trà Đông không khai thác nguyên liệu ở các mỏ quặng đồng, mà chủ yếu tận dụng phế phẩm từ các nơi mua về. Từ các vật liệu thô sơ đơn giản, qua bàn tay của những người thợ mà trở thành những sản phẩm mang giá trị văn hóa lịch sử. Đúc đồng là cả một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều công đoạn khác nhau không chỉ đòi hỏi trình độ cao mà còn thử thách sự kiên trì bền bỉ của những người thử thợ. Bởi vậy mà người dân làng Đông vẫn luôn nhắc con cháu câu nói về tính bí truyền của nghề đúc đồng: “Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”.

Những kiểu dáng hoa văn họa tiết của trống đồng Ngọc Lũ một thời đã sống dậy qua những chiếc trống đồng của làng Trà Đông. Những chiếc trống đồng quý đạt đến độ chuẩn mực của kiểu dáng và âm thanh. Để mỗi chiếc trống khi đánh lên có độ vang hào hùng, rộn rã nghệ nhân cần phải có nghệ thuật thẩm âm tài tình.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bảo Châu chính là người đầu tiên ở làng Trà Đông đúc thành công một chiếc trống đồng. Gần 40 năm làm nghề ông được xem như người giữ hồn trống đồng của làng.

“ Trong quy trình làm trống để có âm vang gồm nhiều yếu tố, người thợ phải biết phân chia những cái khoảng cách, độ dày, độ mỏng của mặt trống. Quan trọng nữa là kỹ thuật pha chế chất đồng sao cho vừa già và cứng. Bên cạnh đó, phải làm sao cho mặt trống có lực đàn hồi, lúc mình gõ vào mặt trống thì nó sẽ tạo thành độ rung”, nghệ nhân Châu chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu tỉ mỉ thiết kế bản vẽ trống đồng

Nhờ sự đam mê, tâm huyết của các nghệ nhân mà trải qua bao thăng trầm, nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông vẫn phát triển cho đến hôm nay. Những chiếc trống đồng, cồng chiêng, tượng đồng , đồ thờ tự ...hội tụ bao nét đẹp văn hóa nghệ thuật và tinh hoa của nghề đúc đồng cổ truyền.

Với tinh thần khám phá chiếm lĩnh kĩ thuật chế tác đồng thau của người xưa, những hậu duệ của làng Trà Đông vẫn đang tiếp nối mạch nguồn sáng tạo của cha ông đưa kĩ thuật đúc đồng đạt đến đỉnh cao mới. Nơi đây những nghệ nhân tài hoa và tâm huyết đã làm nên linh hồn cho một mảnh đất giàu truyền thống, khẳng định sức sống của một làng nghề nổi tiếng xứ Thanh.

Đúc đồng cần nhiều kỹ thuật phức tạp

Hiện nay, làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông đang duy trì 25 lò đúc lớn, mang lại phần lớn doanh thu ngân sách của xã. Làng có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước công nhận là nghệ nhân ưu tú gồm: Nghệ nhân Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu, Lê Văn Dương và Đặng Ích Hoàn. Các nghệ nhân này đã góp công phục dựng, làm sống lại và phát triển làng nghề đúc đồng cổ truyền.

Những sản phẩm đúc đồng nổi bật do những nghệ nhân làng Trà Đông tạo ra có thể kể đến chiếc trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000; chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007; đến chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013...

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến