Nhiều chính phủ, giống như Trung Quốc, đang cấm tiền số nhưng không nhất thiết đều muốn công nghệ này phải lụi tàn. Theo nhận định của tờ Bloomberg, đó là do họ muốn quản lý phép thử nghiệm có khả năng trị giá hàng nghìn tỷ USD này.
Với động thái mới nhất, Trung Quốc đã gia nhập danh sách những quốc gia cấm tiền số, ngược lại với El Salvador, nơi gần đây chấp nhận Bitcoin như một tiền tệ hợp pháp trong năm nay. Ở Mỹ, người dân được phép giao dịch bằng tiền số song giới chức quản lý đang xem xét kỹ lưỡng vấn đề này.
Các kỹ sư điều chỉnh các giàn khai thác tiền số tại CryptoUniverse ở Nadvoitsy, Nga, hồi tháng 3/2021. Ảnh: Getty Images
Hiểu được những khía cạnh của cuộc chiến đa chiều nhằm kiểm soát thị trường màu mỡ này sẽ là chìa khóa cho hàng triệu nhà đầu tư hy vọng kiếm tiền từ cơn sốt tiền số. Cuộc chiến được thiết lập để tác động xuyên suốt hệ thống tài chính toàn cầu, nơi mỗi ngày đều đầy ắp tin tức về các sản phẩm như quỹ hoán đổi Bitcoin, các đồng tiền số được đặt tên kỳ lạ và tài sản số NFT. Giới siêu giàu cũng tham gia phát triển loại tài sản số này.
Nói rộng hơn, cuộc chiến giành kiểm soát tiền số cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi chủ đề văn hóa - xã hội khác, từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng, và thương mại đến tiền giấy. Cách thức hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc giám sát thị trường này thế nào sẽ có thể mang đến tác động sâu rộng nhất.
Ông Matt Hougan, Giám đốc đầu tư tại Bitwise Asset Management, nhận xét: “Tiền số đã trở nên quá to tát để có thể bỏ qua. 5 năm trước, ít nhất là trong suy nghĩ của các nhà quản lý, đó chỉ là loại giao dịch giữa các game thủ. Ngày nay, đó là một ngành công nghiệp trị giá 2.000 tỷ USD và mọi ngân hàng lớn ở Phố Wall đang giúp các nhà đầu tư tiếp cận với nó. Và bây giờ họ phải đối phó với nó”.
Quy định về tiền số
Trung Quốc đã làm xáo trộn thị trường tài chính tuần này sau khi thông báo rằng tất cả các giao dịch liên quan đến tiền số sẽ bị coi là bất hợp pháp. Tuyên bố này nhấn mạnh hơn những quy tắc tồn tại từ năm 2013 và phá vỡ các dịch vụ tiền số sơ khai như tặng, trao đổi tiền số và “đào tiền số”.
Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu phát hành tiền số riêng. Bắc Kinh là một trong 81 quốc gia đang khám phá các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ. Danh sách này mở đầu bằng những đất nước sớm chấp nhận tiền số như Venezuela và Estonia và hiện bao gồm cả các quốc gia lớn hơn, trong đó có Mỹ. Nền dân số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc có thể sẽ mang lại lợi thế khi họ bắt đầu triển khai đồng tiền số Nhân dân tệ trên quy mô toàn cầu tại Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh năm 2022. Viễn cảnh này có thể khiến một số chính trị gia Mỹ muốn cấm vận động viên nước này sử dụng đồng tiền số khi đến Bắc Kinh.
Một "mỏ" đào Bitcoin ở Trung Quốc. Ảnh: Caixin
Ông Nicolas Christin, Phó Giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết: “Đối với Trung Quốc, tôi nghĩ rõ ràng là họ muốn quảng bá đồng Nhân dân tệ số và đơn giản là quan tâm đến sự cạnh tranh”.
Trung Quốc cho biết 10 cơ quan quản lý, trong đó có Ngân hàng Trung ương, sẽ phối hợp cùng nhau để theo dõi hoạt động liên quan đến tiền số. Lệnh cấm do Bắc Kinh công bố ngày 24/9 thậm chí còn quy định những sàn giao dịch ở nước ngoài không được phép cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư ở Đại lục.
Ông Randall Kroszner, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago (Mỹ) và là cựu thống đốc của Hệ thống Dự trữ Liên bang, cho biết những động thái của Trung Quốc trong vài năm qua đã có tác động siết chặt khối lượng giao dịch ở địa phương.
Chuyên gia Hougan tại Bitwise phân tích rằng các chính phủ trấn áp đồng tiền số vì hai lý do. Họ muốn hạn chế khai thác tiền số do phải tiêu tốn năng lượng vào quá trình tạo lập và xác minh giao dịch. Và thứ hai, có lẽ nghiêm trọng hơn, họ muốn giám sát các giao dịch tiền tệ, đồng thời vô hiệu hoá bất kỳ thách thức nào đối với đồng tiền số “cây nhà lá vườn” của họ.
Cách tiếp cận của Gary Gensler
Ví dụ, các thị trường tài chính từ trước đến nay luôn giữ rào cản đối với một số loại giao dịch nhất định, nhưng lại không có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nào để áp dụng cho các giao dịch tiền số. Điều đó mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm để sử dụng các vị thế có đòn bẩy tài chính cao, có thể dẫn đến tổn thất tài chính nghiêm trọng.
Ông Christin lý giải hiện nay chắc chắn tồn tại luồng suy nghĩ rằng mọi người có thể tự do giao dịch vì đó là tiền của họ.Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những người ở cấp độ bán lẻ tham gia vào các thị trường này có thực sự được trang bị để đánh giá rủi ro một cách hợp lý, thay vì tham gia vào các hành vi giống như cờ bạc hay không.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) Mỹ Gary Gensler - người đã gọi tiền số là “Miền Tây hoang dã” của hệ thống tài chính Mỹ - đang báo hiệu về một chế độ giám sát mạnh mẽ đối với ngành này. Chương trình cho vay theo kế hoạch của Coinbase Global Inc - cho phép người dùng kiếm được 4% bằng cách cho vay tiền số của họ - là một điểm nổi bật dẫn đến gia tăng căng thẳng giữa cơ quan quản lý và ngành công nghiệp này.
Giám đốc điều hành công ty tiền số BlockFi Zac Prince mới đây cho biết SEC cùng các cơ quan quản lý khác cần phải cung cấp cho ngành tiền số của ông bộ quy định rõ ràng về những gì được phép thực hiện. Chủ tịch Gensler trên thực tế đã quan tâm đến thế giới tiền số trong nhiều năm nay và đã từng giảng dạy một lớp học tại Trường Quản lý MIT’s Sloan mang tên “Blockchain và Tiền”. Ông ấy thậm chí còn đánh tiếng về một lộ trình để SEC chấp thuận một quỹ hoán đổi (ETF) để theo dõi Bitcoin.
Sự thận trọng của các cơ quan quản lý là điều dễ hiểu. Những kẻ lừa đảo đã khoắng sạch hàng tỷ USD bằng cách “bơm thổi giá” tiền số, sử dụng vô số chiến thuật để thu hút các nhà đầu tư không nghi ngờ.
James Seyffart, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết: “Chính phủ đang lo lắng về cách bảo vệ người tiêu dùng. Mỹ thường không cấm công nghệ mới, họ thường đón nhận sự đổi mới. Họ cần chỉ dẫn cho người dân”.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nói rằng thay vì chống lại quy định, ngành công nghiệp tiền số nên chấp nhận vì lợi ích của chính mình. Việc ngành công nghiệp này mong đợi hoạt động trong bí mật mà không có sự giám sát của chính phủ là phi thực tế.
Tác giả: Hoàng Trang (Theo Bloomberg)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy