Dòng sự kiện:
Trần lãi suất
06/11/2018 08:00:00
Thống đốc nhận định: Việc áp dụng trần lãi suất là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi hệ thống TCTD hoạt động tốt hơn, an toàn lành mạnh hơn NHNN sẽ xem xét dỡ bỏ biện pháp hành chính không cần thiết.

Sự kiện nổi bật nhất tuần qua là phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV kéo dài ba ngày (từ ngày 30/10 đến 1/11/2018). Phiên chất vấn lần này được đánh giá là thẳng thắn, cởi mở, đầy trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành. Đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 82 lượt tranh luận; 19 Bộ trưởng, hai phó Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước trực tiếp trả lời chất vấn.

Ảnh minh họa

Với vai trò xương sống của nền kinh tế, ngành Ngân hàng tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri về các vấn đề: phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, lãi suất và quản lý thị trường ngoại hối. Nội dung trả lời đi thẳng vào vấn đề, dẫn chứng bằng những con số cụ thể, từ hoạt động thực tiễn… của “Tư lệnh” ngành Ngân hàng đã hoàn toàn thuyết phục được nghị trường.

Đáng chú ý, nội dung trả lời của Thống đốc về việc áp trần lãi suất huy động không chỉ được các cử tri quan tâm mà chính các NHTM - những người trong cuộc, cũng có được định hướng trong hoạt động kinh doanh tới đây. Vì sao NHNN tiếp tục duy trì chính sách trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng từ năm 2011 đến nay?

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, việc áp dụng trần lãi suất có cơ sở thực tiễn. Hiện hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế nên việc sử dụng một cách có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp những biện pháp hành chính vẫn còn cần thiết để đảm bảo an toàn thị trường tiền tệ.

Bối cảnh thực tế hiện nay cho thấy, tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang có những diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến  mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, kiên định với mục tiêu đề ra của NHNN với sự đồng thuận, nghiêm túc trong thực thi các chính sách của TCTD đã góp phần quan trọng trong thành tựu chung về kinh tế mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua. Để đạt được thành tựu chung đó, các TCTD phải có những hy sinh nhất định, đơn cử như về lãi suất.

Ngành Ngân hàng đang thực hiện đồng thời đa mục tiêu: kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đồng thời phải tái cơ cấu, tiếp tục củng cố “sức khỏe” hệ thống để có thể vừa đối phó với biến động môi trường kinh doanh, vừa tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và khu vực. Việc lãi suất huy động thời gian qua tăng có tác động từ chính quá trình thực hiện các mục tiêu trên.

Đơn cử, sức ép lạm phát tăng cộng với việc NHNN bán ngoại tệ can thiệp thị trường - một lượng tiền đồng không nhỏ được thu về đã khiến thanh khoản của các TCTD không còn xông xênh như trước. Thêm vào đó các TCTD còn phải cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh của NHNN (tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về 40% từ tháng 1/2019). Để thu hút vốn các NHTM phải từng bước nâng lãi suất huy động, nhưng lãi suất cho vay thì vẫn được giữ ổn định. Chính sách trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (hiện là 5,5%/năm) của NHNN đang phát huy tác dụng, tạo chốt chặn an toàn cho thị trường. Vì thực tế “sức khỏe” của các TCTD khác nhau, song cho dù có khó khăn do phải thực hiện đa mục tiêu TCTD vẫn tuân thủ quy định, nhờ đó thị trường lãi suất ổn định, giữ được sự ổn định chung của thị trường tiền tệ.

Theo thống kê của NHNN, thời điểm cuối tháng 10/2018, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3% - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,3%/năm. Lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Thống đốc nhận định: Việc áp dụng trần lãi suất là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi hệ thống TCTD hoạt động tốt hơn, an toàn lành mạnh hơn NHNN sẽ xem xét dỡ bỏ biện pháp hành chính không cần thiết.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến