Dòng sự kiện:
Tranh cãi việc bỏ quy định xét nghiệm với người nhập cảnh
07/05/2022 12:16:02
Trong khi nhiều người nhập cảnh vào Việt Nam cảm thấy mệt mỏi với yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính, chuyên gia cho rằng việc này cần thiết trong bối cảnh dịch vẫn tồn tại.

“Hơn một tháng trước tôi đặt vé đi du lịch Singapore, khi ấy họ vẫn yêu cầu phải có test Covid-19 trước khi lên máy bay và nhập cảnh, nhưng đến khi tôi sang, quy định này đã được bãi bỏ”, anh Trương Trung Kiên (quê Tuyên Quang) chia sẻ.

Khi vào quốc gia này, anh cho biết thậm chí không cần khai báo y tế, được thoải mái vui chơi tại các khu công cộng và nhà hàng. Nhưng đến khi quay trở lại Việt Nam, do yêu cầu từ trong nước, đoàn của anh Kiên gồm 13 người phải rất khó khăn mới thực hiện được test Covid-19 cho đủ thủ tục nhập cảnh Việt Nam.

Hiện, quy định có giấy xét nghiệm âm tính đối với người nhập cảnh đang gây tranh cãi, nhất là khi Việt Nam đang trong giai đoạn bình thường mới và số ca mắc Covid-19 đã giảm sâu.

Người dân mệt mỏi

9h55 ngày 3/5 bay từ Singapore về Nội Bài, anh Kiên cùng 12 thành viên trong đoàn phải đặt lịch hẹn từ hôm trước, đến Bệnh viện Raphael tại Singapoe để test Covid-19 với giá 27 USD/người.

“Vừa tốn tiền test, chúng tôi vừa phải xếp hàng đợi 3 giờ ở bệnh viện để chờ lấy mẫu, rồi chờ kết quả. Thực sự rất phiền toái và mệt mỏi”, anh Kiên bày tỏ.

Hành khách xếp hàng dài ở sân bay chờ test Covid-19 để có đủ thủ tục nhập cảnh Việt Nam. Ảnh: Liên Trinh.

Cũng đến Singapore du lịch vào dịp lễ 30/4-1/5, song chị Liên Trịnh (giảng viên một trường đại học tư ở Hà Nội) lại không thể về Việt Nam theo đúng kế hoạch vào 2/5. Chị bị lỡ chuyến bay chỉ vì không kịp lấy kết quả test Covid-19.

“Vì vào dịp nghỉ lễ nên các phòng khám có thể test Covid-19 ở Singapore đều nghỉ, hoặc có mở cũng rất khó đặt lịch, tôi đặt rất nhiều nơi đều kín hết nên chỉ còn lựa chọn duy nhất là tới điểm test ở sân bay”, theo lời chị Liên Trịnh.

Dù đã tới sớm hơn 3 giờ nhưng nữ du khách phải đợi hơn 2 giờ mới đến lượt vì dòng người xếp hàng test quá dài. Sau khi được lấy mẫu, chị phải chờ hơn 30 phút để lấy kết quả, nhưng lúc này, quầy check-in đã đóng cửa, chị không thể làm thủ tục lên máy bay.

Chị cho biết không chỉ riêng mình mà rất nhiều hành khách khi đó cũng chung cảnh ngộ này. Họ buộc phải đổi vé máy bay sang ngày hôm sau và trả thêm gần 100 USD phí đổi vé. Đó là chưa kể chi phí tốn kém khi ở lại phải thuê khách sạn, ăn uống bên ngoài.

“Chỉ vì việc này, tôi phải lang thang thêm ở Singapore mất 3 ngày 2 đêm, tiền khách sạn hơn 200 USD và tiếp tục mướt mải đi tìm phòng khám để làm dịch vụ xét nghiệm với mức phí 40 USD cho một lần test nhanh”, chị Liên Trịnh kể lại trải nghiệm của mình.

Theo nữ du khách, trong khi các nước chị đi như Singapore, Malaysia đều không yêu cầu test Covid-19 khi nhập cảnh, quy định của Việt Nam đang làm khó nhiều người, gây tốn kém, mất thời gian và ảnh hưởng lớn đến công việc.

Cần thời gian để điều chỉnh

Chia sẻ quan điểm với Zing về quy định trên, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng (Đại học Y Dược TP.HCM), cho rằng việc yêu cầu kết quả xét nghiệm với hành khách nhập cảnh vẫn cần thiết, nhất là khi nhiều nước trên thế giới chưa bỏ quy định này.

Theo ông Dũng, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay khiến những hành khách trên cùng chuyến bay yên tâm hơn. Do đó, nếu bỏ hoàn toàn quy định này, nhiều khách nước ngoài có thể sẵn sàng đến Việt Nam nhưng cùng lúc bỏ qua những khách khác vẫn còn lo ngại về dịch bệnh.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết việc bỏ quy định xét nghiệm khi nhập cảnh có thể trở nên vô nghĩa khi người dân quá cảnh qua những quốc gia vẫn bắt buộc có kết quả âm tính mới cho lên máy bay.

"Trước mắt khi dịch bệnh vẫn tồn tại, chúng ta cần chờ thêm để quyết định phù hợp. Không thể tránh trường hợp hôm nay quyết định bỏ yêu cầu xét nghiệm, đến hôm sau xuất hiện thêm biến chủng mới lại bắt xét nghiệm, như vậy có thể gây lộn xộn", ông Dũng nói.

Người dân từng mất nhiều thời gian để khai báo y tế trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Ảnh: Đức Anh.

Trong khi đó, PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, nhận định số quốc gia đòi hỏi xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh là rất ít, bởi dịch đã thuyên giảm trên toàn cầu và số quốc gia áp dụng chính sách “Zero Covid” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Về mặt khoa học, giá trị của test Covid-19 cũng hạn chế và hoàn toàn chỉ để tham khảo.

“Quy định vẫn cần phải test trước khi nhập cảnh vào Việt Nam đã làm khó cho người dân và khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài việc mất thời gian đi làm xét nghiệm, lượng lớn ngoại tệ đã chảy ra ngoài”, ông Hiếu cho rằng cần bỏ quy định này càng sớm càng tốt để thực sự trở về cuộc sống bình thường.

Bỏ quy định không còn phù hợp

Nói về quyết định mới đây của Bộ Y tế về việc bỏ quy định khai báo khi di chuyển nội địa, PGS Đỗ Văn Dũng bày tỏ sự đồng tình và cho biết việc yêu cầu người dân quét mã QR Code khi đến các địa điểm vui chơi, ăn uống là không còn cần thiết.

"Tôi cho rằng hiện nay, việc áp dụng quét QR Code chỉ còn mang tính hình thức chứ phần mềm này không thể phát huy hiệu quả trong quản lý dữ liệu. Do đó, việc bỏ quy định này là cần thiết để tránh lãng phí thời gian của người dân", ông Dũng nêu quan điểm.

Riêng với quy định 5K, vị phó giáo sư cho rằng các biện pháp này chỉ nên được khuyến cáo người dân áp dụng, thay vì quy định cứng bắt buộc.

Theo ông Dũng, 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) bao gồm những biện pháp vệ sinh hàng ngày và người dân vẫn nên áp dụng ngay cả khi tình hình dịch bệnh không còn đáng lo ngại, nhất là việc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên.

Tuy nhiên, các quy định trên chỉ nên đưa ở dạng khuyến cáo, giáo dục sức khỏe để người dân tự nguyện làm theo, tương tự như khuyến cáo người dân không hút thuốc lá vì có hại cho sức khỏe.

"Kể cả khi từ 5K rút xuống thành 2K thì cũng chỉ nên khuyến cáo người dân làm theo, thay vì giám sát và theo dõi để phạt những người không chấp hành. Tình hình dịch bệnh trong nước đã giảm hẳn, nguy cơ bùng dịch trở lại cũng rất thấp nên các quy định cần được nới phù hợp", ông Dũng cho biết.

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) cho biết khi cả nước đã mở cửa, quy định về việc không tập trung, giữ khoảng cách và yêu cầu khai báo y tế không còn phù hợp. Đồng thời, việc đeo khẩu trang cũng chỉ nên được khuyến cáo chứ không bắt buộc.

Tại cuộc họp báo Chính phủ vào ngày 29/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng 5K là biện pháp khuyến cáo không cứng nhắc mà cần thực hiện linh hoạt đảm bảo hiệu quả. Trong đó, ông nhấn mạnh đeo khẩu trang và rửa tay là 2 biện pháp cần thường xuyên thường xuyên thực hiện. Những biện pháp còn lại được thực hiện linh hoạt.

"Từng hoạt động cụ thể, đặc thù sẽ áp dụng phù hợp trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Về câu hỏi rằng Việt Nam đã coi là bệnh lưu hành, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới công nhận Covid-19 là bệnh lưu hành.

Theo đánh giá của WHO, thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch, vẫn có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới. Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá Việt Nam vẫn đang trong pha giữa. Bộ đang xây dựng phương pháp ứng phó, điều chỉnh linh hoạt đối với F0 và F1, đặc biệt là việc tạm dừng không khai báo y tế tại các cửa khẩu đã được thực hiện.

Dịch đã được kiểm soát tốt, song độ mở cửa của nước ta rất lớn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi người dân không được chủ quan.

Tác giả: Mỹ Hà - Hoài Thu

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến