Tranh chấp triệu đô và niềm tin ngây thơ vào sự nổi tiếng
22/08/2016 08:26:17
ANTT.VN – Liên quan đến tranh chấp về khoản thanh toán gần 20 tỉ đồng giữa Cty Gia Hân và Cty Global Home (do chồng ca sĩ Thu Minh làm giám đốc điều hành), luật sư cho rằng nguyên cớ là do bản hợp đồng có nhiều sơ hở đã làm khó Cty Gia Hân dẫn đến việc khó thu hồi khoản nợ 20 tỉ nói trên.

Tin liên quan

Vợ chồng ca sĩ Thu Minh (ảnh minh họa)

Tranh chấp triệu đô

Vụ kiện về tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại giữa 5 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ của Việt Nam với đối tác Global Home hiện đang là tâm điểm truyền thông khi có liên quan tới ông Otto de Jager - nguyên CEO của Global Home và là chồng của ca sĩ Thu Minh.

Vụ việc bắt đầu từ chỗ tài khoản FB có tên Anh Hào lên mạng xã hội FB “tố” chồng ca sĩ Thu Minh lợi dụng sự nổi tiếng của vợ để “lừa đảo” và “trốn nợ”.

Cụ thể, theo cáo buộc của Công ty TNHH Gia Hân ở Đồng Nai, tính tới hết đơn hàng tháng 7/2015, Global Home chây ì thanh toán khoản nợ hơn 490 ngàn USD (khoảng hơn 11 tỉ đồng).

Ngoài ra, giữa hai bên còn xảy ra tranh chấp liên quan đến một lượng hàng lớn trị giá 280 ngàn USD. Theo Cty Gia Hân, lô hàng đã được nhân viên quản lý và đồng ý cho xuất khẩu của Global Home kiểm tra, đóng dấu nhưng không nhận hàng và cho đến giờ vẫn còn để trong kho của Gia Hân, và đương nhiên Global Home chưa thanh toán cho số hàng hóa này.

Tổng cộng số tiền Global Home chưa thanh toán cho Gia Hân lên tới hơn 770 ngàn USD (gần 20 tỷ đồng).

Vụ việc đã kéo dài hơn 1 năm qua, sau nhiều lần thương thảo bất thành, Cty Gia Hân đã làm đơn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46 - Bộ Công an.

Sau đó C46 và Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai đã triệu tập hai bên đến làm việc nhiều lần nhưng chưa thu được kết quả. Lý do là phía Global Home cho rằng sản phẩm của Gia Hân không đạt tiêu chuẩn cam kết và hai bên chưa thống nhất được mức đền bù hợp đồng.

Mặc dù được cơ quan công an triệu tập nhưng nhiều lần ông Otto không đến, có lần do Thu Minh đến thay, có lần luật sư của Otto đến. Và đây chính là lý do khiến Cty Gia Hân tố cáo công ty này chây ì thanh toán và “trốn chui trốn lủi”.

Được biết, cho đến nay đã có ít nhất 5 DN sản xuất gỗ ở miền Nam và miền Trung có đơn tố cáo Cty Global Home liên quan đến việc chậm thanh toán này.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Ngọc – đại diện Cty Gia Hân thừa nhận rằng Gia Hân đã sơ hở khi ký bản hợp đồng với nhiều điều khoản bất lợi cho chính mình, nguyên nhân là do quá tin tưởng vào uy tín và sự nổi tiếng của đối tác, hơn nữa việc làm ăn kinh doanh khó khăn nên không dễ gì kiếm được khách hàng lớn và hợp đồng giá trị lớn như vậy.

Bản hợp đồng kỳ lạ

Theo đại diện công ty luật của Gia Hân thì đã có dấu hiệu của sự gian dối ngay từ đầu. DN Việt Nam chịu thiệt ngay từ khi ký hợp đồng với những điều khoản bất cập, một chiều, có lợi cho phía đối tác.

Bản hợp đồng gây nhiều tranh cãi giữa Cty Gia Hân và Cty Global Home

Điều bất cập thứ nhất liên quan đến thời hạn thanh toán. Thông thường, trong hợp đồng, theo điều khoản FOB, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ được thực hiện ở mạn tàu, ở đây được hiểu chính là cổng của kho ngoại quan. Khi hàng đã vào kho ngoại quan không còn của Việt Nam nữa mà là hàng xuất đi. Việc thanh toán được thực hiện ngay sau quá trình xuất và nhận hàng này.

Tuy nhiên, trong hợp đồng ký 1 lần duy nhất giữa Gia Hân và Global Home năm 2012 thì điều khoản lại là: trả chậm trong vòng 30-37 ngày. Như vậy, sơ hở ở chỗ, chính DN Việt đã tạo ra một khoảng thời gian để đối tác chậm thanh toán mà vẫn được đặt tiếp đơn hàng mới, trong khi lẽ ra phải thanh toán luôn, hoặc phải có bảo lãnh theo nguyên tắc quốc tế.

Điều khoản bất lợi thứ hai liên quan đến trách nhiệm giao nhận hàng hóa. Hiện tại với lô hàng đang nằm trong kho của Gia Hân trị giá khoảng 9 tỉ đồng, Gia Hân cho rằng đại diện đối tác đã đóng dấu kiểm định xác nhận hàng hóa đạt yêu cầu, trong khi đó Global Home cho rằng lô hàng đó không đạt chất lượng và Gia Hân đã làm giả con dấu kiểm định của họ.

Cũng theo luật sư của Gia Hân, bất cập thứ ba liên quan đến điều khoản giải quyết tranh chấp. Theo đó, DN sản xuất ở Việt Nam, đối tác nhập hàng ở Séc nhưng tranh chấp xảy ra được giải quyết tại Tòa trọng tài ở Hong Kong và vận dụng pháp luật của Anh quốc. Đây chính là một khó khăn rất lớ cho DN Việt khi muốn theo kiện hợp đồng.

Trả lời ANTT.VN, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ nhiệm Công ty Luật Basico, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng: “Tranh chấp hợp đồng xảy ra thường liên quan đến 3 điều khoản về giao nhận, thanh toán và giải quyết tranh chấp thì hợp đồng kể trên giữa Cty Gia Hân và Cty Global Home “dính” cả ba, và đều là những điều khoản gây bất lợi cho DN Việt”.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, nói bản hợp đồng này là sơ hở cũng đúng mà nói là DN chấp nhận cuộc chơi cũng đúng. Sở dĩ như vậy là vì, DN Việt thừa biết buôn bán quốc tế mà không thanh toán qua LC hay TTL thì đương nhiên là chấp nhận rủi ro. Ngoài ra khi lập hợp đồng chỉ có một bản tiếng Anh, hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài mà không có sự tham vấn của luật sư cũng thể hiện sự tin tưởng rất lớn của DN Việt đối với đối tác. Nhiều DN ký hợp đồng thì cứ ký chứ ít tính đến tình huống xảy ra tranh chấp.

Nói về điều khoản giải quyết tranh chấp được coi là “lằng nhằng” của hợp đồng nói trên, luật sư Đức cho rằng tuy nhìn có vẻ rắc rối, lòng vòng nhưng thực tế là được pháp luật cho phép. Thậm chí kể cả là 2 DN Việt Nam nhưng ký hợp đồng áp dụng pháp luật của Anh và thỏa thuận theo phán quyết của trọng tài Singapore cũng được. Dĩ nhiên khi ký như vậy, DN Việt Nam phải nắm vững các quy định của pháp luật các nước nói trên, nhưng trên thực tế số người như vậy không nhiều.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng đây chỉ là tranh chấp dân sự, chưa có dấu hiệu gian dối do đó chưa thể kết luận là lừa đảo.

Theo luật sư của Gia Hân, việc giải quyết tranh chấp nói trên là khó khăn vì nó liên quan đến câu chuyện thực thi phán quyết của trọng tài, phụ thuộc vào việc các bên ký tương trợ tư pháp hay chưa, rồi còn phải tuân theo nguyên tắc quy chế ngoại giao có đi có lại... Tuy nhiên, vị luật sư khá có tiếng này khẳng định: “Khó nhưng không phải là không thể thực hiện được”.

Được biết, trong tuần này sẽ diễn ra buổi làm việc giữa luật sư và đại diện gần 20 doanh nghiệp sản xuất gỗ trong cả nước liên quan đến ccáo buộc của các DN này đối với quá trình chậm thanh toán của Cty Global Home. Ngoài ra, lịch làm việc giữa cơ quan công an với đại diện Gia Hân, giữa luật sư của Gia Hân với Global Home cũng đã được ấn định, để nhanh chóng giải quyết vụ việc đang gây tốn giấy mực của truyền thông này.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin...

Minh Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến