Dòng sự kiện:
Trật tự xếp hạng ngân hàng Việt sắp có thay đổi rất lớn
11/12/2021 11:56:09
VietinBank đang là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống với 48.058 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngôi vị này chuẩn bị rơi vào tay một ngân hàng khác. Xếp hạng các ngân hàng đứng sau cũng có nhiều xáo trộn.

Cuộc đua tăng vốn tiếp tục nóng trở lại trong những tháng cuối cùng của năm 2021 khi hàng loạt ngân hàng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Đầu năm nay, BIDV là ngân hàng dẫn đầu thị trường về vốn điều lệ với hơn 40.220 tỷ đồng. Đứng sau là VietinBank, Vietcombank, Techcombank và VPBank chỉ đứng ở vị trí thứ sáu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BIDV đã rơi xuống vị trí thứ ba; trong khi VietinBank và VPBank vươn lên dẫn đầu và thứ hai với vốn điều lệ lần lượt 48.058 tỷ và 44.455 tỷ.

Sự thay đổi diễn ra sau khi VPBank và VietinBank phát hành lần lượt 1,97 tỷ cổ phiếu và 1,08 tỷ cổ phiếu trả cổ tức.

Tương tự, MB cũng vượt qua Vietcombank và Techcombank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ tư hệ thống sau khi phát hành hơn 979,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 35% vào tháng 7 vừa qua.

Ở nhóm ngân hàng tầm trung, hồi đầu năm, các ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ lần lượt là ACB, STB, SHB, HDBank. Song đến thời điểm này, STB đã rơi xuống vị trí cuối cùng của nhóm sau khi ACB, SHB và HDBank liên tục tăng vốn.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng của các ngân hàng về vốn điều lệ nói trên sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi.

Theo phương án vừa được cổ đông và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, BIDV chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,77% để tăng vốn thêm trên 10.300 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ mới hơn 50.500 tỷ đồng, BIDV sẽ quay lại vị trí quán quân.

Vietcombank cũng vừa chốt ngày trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Thông qua điều này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ hơn 37.000 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ và lấy lại vị trí thứ ba về vốn điều lệ từ VPBank.

Trong nhóm ngân hàng tầm trung, SHB đã chốt danh sách cổ đông chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 100:28 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được quyền mua 28 cổ phiếu mới). Nếu thành công, vốn điều lệ SHB sẽ tăng lên mức 26.674 tỷ đồng, tiến sát ACB và bỏ xa HDBank, Sacombank.

TPBank cũng đã chốt ngày để phát hành 410 triệu cổ phiếu trả thưởng cho cho cổ đông hiện hữu. Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của TPBank dự kiến tăng từ 11.716 tỷ đồng lên 15.817 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ này, TPBank vượt qua một loạt nhà băng khác như LienVietPostBank, Eximbank, SeABank, OCB, MSB và VIB.

Trong nhóm ngân hàng nhỏ, ABBank vừa kết thúc thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn. ABBank cũng đã hoàn tất hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán để thực hiện phát hành hơn 11,426 triệu cổ phần cho nhân viên theo chương trình ESOP. Ngoài ra, ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBank tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35%.

Sau khi kết thúc đợt chia cổ phiếu thưởng, tổng vốn điều lệ của ABBank sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng, cao gấp đôi, gấp ba các nhà băng top cuối như PGBank, Saigonbank, Kienlongbank.

Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp

Bước sang năm 2022, bảng xếp hạng vốn điều lệ sẽ còn xuất hiện nhiều biến động khi một loạt ngân hàng vẫn còn kế hoạch tăng vốn theo cả hình thức chia cổ tức và phát hành riêng lẻ.

Ban lãnh đạo VPBank cho biết sẽ tăng vốn lên tối thiểu lên 75.000 tỷ đồng trong năm 2022. Mặc dù các ngân hàng khác chưa công bố kế hoạch tăng vốn năm 2022, nhưng chắc chắn với con số 75.000 tỷ đồng, VPBank sẽ giữ vị trí "quán quân" về vốn điều lệ toàn hệ thống trong vài năm tới.

Theo kế hoạch đã được cổ đông thông qua, VietinBank sẽ tiếp tục thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,6% hoặc 17,7%, nâng vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng.

Vietcombank cũng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô 6,5% vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng. Trong khi BIDV cũng tính kế hoạch chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ số cổ phiếu tương đương 8,5% vốn điều lệ.

Ở phía ngược lại, Techcombank lại chọn lối đi riêng khi kiên trì với định hướng không chia cổ tức tăng vốn, đây là năm thứ 10 liên tiếp không cổ đông ngân hàng này không được hưởng cổ tức.

Lý giải về điều này, Chủ tịch ngân hàng là ông Hồ Hùng Anh cho biết vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, trong khi vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý. Theo Chủ tịch Techcombank, một số ngân hàng thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là định hướng riêng và việc phát hành mới sẽ khiến giá cổ phiếu bị pha loãng.

''Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là không quan trọng vì Techcombank đã tăng đủ vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ số hoạt động. Vấn đề quan trọng làm thế nào để sử dụng sao cho giá trị chúng ta tăng lên'', Chủ tịch Techcombank nói thêm.

Ngoài Techcombank, Sacombank cũng không chia cổ tức trong suốt 6 năm qua do phải tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015 – 2025. Tại kỳ họp đại hội năm 2021, Sacombank kiến nghị NHNN để sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông nhưng đã không được chấp thuận.

Trong khi đó, Eximbank cũng không tăng vốn điều lệ trong suốt nhiều năm qua khi chưa thể tổ chức thành công đại hội cổ đông do sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông.

Với tình hình trên, cả Techcombank, Sacombank và Eximbank đều bị các ngân hàng cùng quy mô vượt mặt về vốn điều lệ trong năm 2021 và sẽ sớm bị bỏ xa nếu không có sự thay đổi.

Tác giả: Quốc Thụy

Theo: Tuổi Trẻ
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến