Dòng sự kiện:
Trở lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang- Nơi ra đời Tuyên ngôn độc lập
03/09/2018 09:52:24
'Tại ngôi nhà này, trong một phòng gác nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…'

Đó là những dòng chữ được in ngay trước cửa ngôi nhà 48 Hàng Ngang- ngôi nhà đã đi vào lịch sử, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế vì nó gắn một sứ mệnh quan trọng - nơi ra đời bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang những năm 40 của thế kỷ 20 (Ảnh tư liệu)

Vào những năm 40 của thế kỷ trước, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Ngôi nhà thuộc sở hữu của vợ chồng  doanh nhân Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945- những ngày đầu cách mạng đầy gian khó, chủ nhân ngôi nhà đã dành một phòng để làm nơi làm việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu Người trở về Hà Nội và đưa ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. 

Nhà 48 Hàng Ngang hiện nay đã được xếp hạng di tích Quốc gia

Hơn 7 thập kỷ trôi qua, ngôi nhà lịch sử gắn liền với bao thăng trầm của thời gian và những cuộc chiến. Những nét xưa cũ vẫn còn đó, những dấu ấn của năm tháng lịch sử với những bộ bàn ghế sofa mềm mại, cả những bức rèm lụa trắng bay trong gió bên những ô cửa nhỏ, bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, góc làm việc… của Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày khởi thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành những kỷ vật quý giá của lịch sử.  Tất cả đều như còn nguyên hơi ấm từ quá khứ vọng về.

Ngày nay, ngôi nhà 48 Hàng Ngang không phải là cửa hàng buôn bán tấp nập như xưa mà nó trầm mình trong sự náo nhiệt của phố cổ Hà Nội. Năm 1970, ngôi nhà được khôi phục làm nhà lưu niệm để đáp ứng tình cảm của nhân dân dành cho Bác và đến năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia. Tầng 2 của ngôi nhà được giữ nguyên làm khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại phòng khách lớn, trong những ngày Bác ở đây được sử dụng làm nơi tiếp khách, hiện vẫn còn một chiếc bàn dài, 4 ghế sopha và 4 ghế đôn, tủ đựng cốc chén và một ghế sopha dài đặt sát cửa. 

Căn phòng nhỏ kế tiếp có đặt chiếc bàn lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, một tủ đựng tài liệu và giường vải Người dùng để nằm nghỉ cùng một số vật dụng khác.  

Chiếc bàn lịch sử- nơi Bác Hồ khởi thảo bản tuyên ngôn độc lập

Phòng họp của Ban chấp hành Trung ương

Căn phòng thuộc khối nhà thứ hai, tiếp nối với khối nhà thứ nhất bằng một giếng trời cũng được dùng làm nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Tại đây vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến thời gian làm việc của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Giữa căn phòng là một bàn họp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng thông qua ba nội dung: Tuyên ngôn độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ lâm thời. Bên chiếc bàn vuông nhỏ bọc nỉ xanh kê gần đó, Người đã hoàn thành những dòng cuối cùng của bản Tuyên ngôn độc lập…

Thăm lại ngôi nhà 48 Hàng Ngag vào những ngày cuối tháng 8, di tích lịch sử này đang khá nhộn nhịp khi có một đoàn làm phim quân đội đang quay một bộ phim tài liệu tại đây.  Tại đây, rất may mắn, chúng tôi gặp được anh Trịnh Hồng Minh cháu nội của cụ Trịnh Văn Bô- chủ nhân của ngôi nhà, người đã hiến tặng lại căn nhà của mình cho cách mạng. Mặc dù khi sinh ra, ngôi nhà đã được ông nội chuyển giao cho nhà nước nhưng anh Minh vẫn nhớ rất nhiều kỷ niệm mà anh được nghe từ ông bà nội về ngồi nhà lịch sử này 

Anh Trịnh Hồng Minh kể lại những ký ức về ngôi nhà cũ của gia đình

“Bọn tôi là con đầu cháu sớm nên được ông bà kể cho nghe rất nhiều chuyện. Khi tôi lớn lên, ngôi nhà đã trở thành bảo tàng nhưng năm nào bà tôi cũng về vài lần. Hàng năm khi về thăm ngôi nhà này, bà đều đưa tôi đi theo. Đây, bạn thấy đấy,  trong ảnh bà đang bế tôi”- Anh Minh chỉ vào bức ảnh trên tường và cho biết, thời kỳ đầu chỉ có tầng 1 và tầng 2 của ngôi nhà là được dùng để trưng bày, còn ở tầng trên cùng còn nhà trẻ của phường. “Sau này, khi đã có kế hoạch tôn tạo thì ngôi nhà mới được phục dựng lại nhưng thực ra nó cũng không được giống hoàn toàn như ngày xưa vì tầng 1 được thiết kế là nơi trưng bày  trong khi ngày xưa nó là cửa hàng bán tơ lụa vải vóc”- anh Minh cho biết

Mặc dù ngôi nhà không còn thuộc sở hữu của gia đình nhưng anh Minh bảo, mỗi khi trở lại ngôi nhà cũ của ông bà, trong anh vẫn trào dâng một niềm tự hào và xúc động. “Sinh ra và lớn lên khi nước nhà được độc lập nhưng những câu chuyện được bà tôi kể lại khiến tôi rất tự hào về truyền thống gia đình. Trong những câu chuyện của mình, bà tôi kể rất nhiều về những thói quen của Bác, rồi bác Trường Chinh, bác Giáp  và những kỷ niệm về Ban chấp hành Trung ương thời kỳ ở đây khi chuẩn bị giành chính quyền. Có một số nhân vật tôi biết từ khi còn rất bé như cụ Hoàng Quốc Việt rất hay bế tôi, hay cụ Khuất Duy Tiến cũng thế, tôi hay sang nhà cụ chơi, thậm chí đến mấy chục năm sau khi cụ bà chuyển vào Sài Gòn tôi vẫn đến chơi nhà cụ…” Anh Minh kể lại. 

Ngày càng đông khách du lịch đến thăm ngôi nhà để tìm hiểu về lịch sử của dân tộc 

Sau khi hướng dẫn chúng tôi lên thăm quan các phòng trưng bày ở tầng trên của ngôi nhà, chị Quách Thị Hương Trà, hướng dẫn viên di tích nhà 48 Hàng Ngang thông tin, gần đây, rất đông học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến di tích tìm hiểu, học tập. Đã có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử ngôi nhà. Lượng khách tham quan ngày một tăng, đặc biệt vào ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội cho biết, hiện Ban quản lý đã nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung rất nhiều tư liệu, hiện vật để phát huy giá trị của di tích 48 Hàng Ngang. Trong đó, có những hiện vật trực tiếp liên quan đến thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà này gồm có máy chữ, bộ quần áo kaki được sưu tầm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hồ Chí Minh  cũng như rất nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến thời kỳ lịch sử đó. Ngôi nhà và những kỷ vật gắn liền với Bác đã  và đang được gìn giữ, phát huy để xứng đáng là di tích lịch sử thiêng liêng, trở thành “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và niềm tự hào của dân tộc.

Theo báo Dân Sinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến