Dòng sự kiện:
Trump có thể gánh hậu quả gì vì hai cựu thân tín?
24/08/2018 16:45:53
Các nhà phân tích cho rằng việc Michael Cohen và Paul Manafort bị kết tội có thể khiến tình hình chính trị Mỹ xoay chuyển theo hướng bất ngờ.

Trong suốt quá trình hoạt động, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên bị tấn công bởi những tin tức gây sốc, khiến các nhà phân tích nhiều lần dự đoán về sự thay đổi căn bản trong nền chính trị, dù điều này vẫn chưa xảy ra.

Cựu luật sư Michael Cohen (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, việc Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Trump, thừa nhận vi phạm quy định tài chính trong vận động bầu cử và Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống, bị kết tội trốn thuế và gian lận ngân hàng hôm 21/8 dường như không giống với những biến cố trước đây. Điểm làm nên khác biệt là sự việc chấn động này không bị xoay chuyển bởi những "đòn đánh lạc hướng" trên Twitter của Trump.

Theo USA Today, mối nguy hiểm ngày càng gia tăng với Trump hiện nay tương tự những ngày đen tối nhất trong nhiệm kỳ của các tổng thống Mỹ trước đây. Cố tổng thống Richard Nixon từng rơi vào bê bối Watergate, liên quan đến việc nghe lén đảng Dân chủ, khiến ông phải từ chức. Cựu tổng thống Bill Clinton cũng từng bị luận tội vì bê bối tình ái với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.

Ngay cả một số người ủng hộ Trump cũng lo ngại rằng sự việc đang biến động theo hướng không thể lường trước và có nguy cơ "chọc giận" Tổng thống, dẫn đến phản ứng không thể kiểm soát được. Việc Trump quyết định tha thứ cho Manafort hoặc công kích công tố viên đặc biệt Robert Mueller có thể tạo ra "một chương mới của tai họa".

Để tự bảo vệ trước biến cố, Trump khẳng định Manafort bị kết tội "không liên quan đến cáo buộc thông đồng với Nga", nói thêm rằng bản án của cựu giám đốc chiến dịch "không liên quan gì" đến ông.

Đúng như tuyên bố của Trump, những tội danh của Manafort và Cohen không liên quan đến việc giúp Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ giờ đây phải đối mặt với cáo buộc cũ rằng ông đã vi phạm luật tranh cử khi cố gắng che đậy các vụ ngoại tình, bởi Cohen thừa nhận trả tiền cho những phụ nữ này để họ im lặng "theo yêu cầu của thân chủ", ám chỉ Trump.

Thêm vào đó, các cuộc điều tra về khả năng chiến dịch của Trump thông đồng với Nga và cản trở thực thi công lý vẫn đang tiếp tục. Một số quyết định quan trọng dự kiến sớm được đưa ra, chẳng hạn như Trump có tự nguyện trả lời các câu hỏi của Mueller hay không, hoặc Mueller có thể gửi trát hầu tòa cho Tổng thống nếu ông không đồng ý.

Niềm tin của các cử tri với Trump khá vững chắc, nên giờ đây có thể chưa bị lung lay. Họ chỉ ra rằng thái độ quyết liệt và nền kinh tế phát triển dưới thời Trump là lý do họ ủng hộ ông, không liên quan tới lối sống cá nhân.

Tuy nhiên, những diễn biến mới có thể ảnh hưởng đáng kể tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, không phải nằm ở kết quả lá phiếu của cử tri mà là tỷ lệ đi bầu. Người ủng hộ đảng Cộng hòa không muốn bỏ phiếu cho một ứng viên Dân chủ có thể thất vọng với vụ bê bối và không tham gia bầu cử. Trong khi đó, những cử tri theo đảng Dân chủ thường không quan tâm tới việc bỏ phiếu, đặc biệt là giữa nhiệm kỳ, có thể được tiếp thêm động lực để đi bầu.

Các nhà phân tích trung lập hiện nay đánh giá đảng Dân chủ có khả năng tiếp quản Hạ viện. Kết quả này sẽ giúp đảng Dân chủ nắm quyền tổ chức điều trần, tiến hành các cuộc điều tra, ban hành các trát hầu tòa và có thể buộc tội tổng thống, ảnh hưởng tới quyền lực của Trump.

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến