Sáng ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES 2023) với chủ đề "Định hình tương lai" do Batdongsan.com.vn tổ chức.
Người dân chọn ngân hàng làm nơi "trú ẩn" của dòng tiền
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn đối mặt nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế 2023 chưa đạt mục tiêu, dự báo GDP năm 2023 chỉ đạt khoảng 5%, trong khi mục tiêu tăng trưởng đặt ra đầu năm 2023 là 6,5%.
Bên cạnh đó, thị trường vốn chưa hoàn toàn hồi phục, nhiều loại lãi suất đã giảm nhưng lượng tiền gửi vẫn đang tiếp tục tăng.
“Sự suy giảm của thị trường vốn thể hiện ở lượng trái phiếu phát hành doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Tính đến 11/10, mới có hơn 50.000 tỷ trái phiếu được phát hành, trong khi năm 2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường là gần 300.000 tỷ đồng”, ông Quốc Anh nêu.
Trong khi đó, ông Quốc Anh cho biết một thực tế là tiền gửi của dân vào ngân hàng vẫn đang tăng mạnh. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92% thì tới 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tiền gửi dân cư tăng 9,95%.
Vị chuyên gia cho rằng điều này thể hiện niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản chưa được phục hồi mạnh, người dân vẫn chọn tiết kiệm ngân hàng để bảo toàn tài sản. Chính bởi vậy mà lượng giao dịch và hoạt động doanh nghiệp chưa cải thiện.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn phát biểu tại Hội nghị.
Dẫn thông tin từ Khảo sát môi giới bất động sản quý IV/2023 của Batdongsan.com.vn cho biết, 43% môi giới được khảo sát cho rằng giao dịch của thị trường vẫn đang giảm mạnh. Con số này ở quý III/2023 là 46%, quý II/2023 là 44% và quý I/2023 là 54%.
Tình hình thực tế của thị trường còn thể hiện qua việc lợi nhuận trước thuế của một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn như Nam Long, Khang Điền, Cenland, Novaland, Đất Xanh Group, Phát Đạt cũng giảm mạnh, mức giảm dao động từ 5 đến 97%.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh cho rằng thị trường vẫn đang ghi nhận một vài điểm sáng tích cực khi giải ngân đầu tư công tính đến tháng 11/2023 đạt 65,1%, cùng kì năm ngoái giải ngân đầu tư công chỉ đạt 58,3%.
Cùng với đó, 2 dự án luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản được thông qua cũng tạo những tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Cơ hội và thách thức đan xen
Đưa ra góc nhìn về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup cho rằng, sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen trong năm 2024 đối với doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Thuân hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi tổng lượng trái phiếu đến hạn năm 2024 vẫn lớn, lên đến gần 400.000 tỷ đồng.
Trong khi đó dù nhu cầu sở hữu bất động sản của dân cư vẫn lớn nhưng pháp lý làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án và khả năng trả nợ ngân hàng vẫn là một thách thức lớn đối với phía chủ đầu tư.
Chủ tịch FiinGroup cho rằng chỉ khi chủ đầu tư chấp nhận giảm giá, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất và cơ quan quản lý đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trên diện rộng, hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện thì khi đó thị trường sẽ có điểm mở.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới và Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Theo đó, lạm phát được giữ không tăng, vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, quy hoạch dần hoàn thiện, phát huy hiệu quả chính sách.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, đầu năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường địa ốc, bởi lãi suất giảm và giá bất động sản được điều hoà hợp lý. Ông Lực cũng nhấn mạnh dự đoán thị trường bất động sản sẽ khởi sắc ngay từ những quý đầu năm 2024.
"Các luật mới được thông qua cần thời gian để "ngấm" chính sách, những vụ việc vi phạm pháp luật, pháp lý trong năm nay về cơ bản sẽ được xử lý. Cùng thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam, thế giới cũng sẽ rõ nét hơn nên việc thị trường sẽ hồi phục vào quý đầu năm 2024 hoàn toàn có thể xảy ra", ông Lực nêu quan điểm.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.
Cùng với quan điểm này, vị chuyên gia cho rằng, để đón đầu xu hướng bất động sản trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh câu chuyện cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án.
Tiếp đó, doanh nghiệp cần đặc biệt quyết tâm vượt qua áp lực tài chính, bao gồm tất cả nghĩa vụ liên quan đến nợ. “Một mặt đàm phán để giãn hoãn nợ, một mặt cơ cấu lại tài chính để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bán bất động sản ở mức chiết khấu thấp hơn để bảo đảm dòng tiền”, ông Lực nói.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động trong tiến trình xanh hoá, số hoá, đây vừa là giải pháp trước mắt, vừa là biện pháp lâu dài để phát triển thị trường bất động sản minh bạch và bền vững.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy