Dòng sự kiện:
TS. Nguyễn Đức Kiên: “Bây giờ NHNN mới khống chế đã là chậm”
26/04/2015 08:46:14
ANTT.VN – “Theo tôi, bây giờ NHNN mới tiến hành khống chế đã là chậm. Việc không tiến hành phá sản, cho nhiều ngân hàng yếu kém vẫn được tồn tại đã là tốt lắm rồi”, trích chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.

Tin liên quan

Liên quan đến những vấn đề “nóng” của hoạt động ngân hàng, phóng viên An ninh Tiền tệ & Truyền thông đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Tái cơ cấu hệ thống các TCTD: Tốt nhất trong 3 trụ cột kinh tế

2015 chính là năm cuối cùng để thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015” theo quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ông đánh giá sao về việc thực hiện “chủ trương lớn” này của hệ thống các TCTD Việt Nam đến thời điểm hiện tại?

Thẳng thắn mà đánh giá, so sánh với công tác tái cơ cấu 2 trụ cột kinh tế khác là: Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và Tái cơ cấu đầu tư công thì công tác Tái cơ cấu hệ thống các TCTD là tương đối bài bản và đang thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.

Còn chất lượng và hiệu quả thế nào, đến đâu thì phải để thời gian đánh giá. Bởi, đơn cử như việc sáp nhập hợp nhất, nó là do quá khứ và hiện tại chứ việc có tồn tại và “sống” tốt được hay không thì lại phải đợi ở tương lai và điều này thì phụ thuộc vào nhiều vấn đề như chất lượng tín dụng, thị trường hay đội ngũ quản trị.

Tuy nhiên, phải khẳng định, đến thời điểm này, 254 đang đi đúng hướng và kết quả thực hiện cũng là tốt nhất trong 3 trụ cột tái cơ cấu.

Câu chuyện hợp nhất, sáp nhập đang nóng lên từng ngày và gần đây nhất, cuộc “se duyên” giữa PGBank – Vietinbank cũng đã được ĐHĐCĐ thông qua. “Làn sóng” mới này sẽ tác động sao đến thị trường, thưa ông?

Mua bán, sáp nhập hay M&A các TCTD về bản chất cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hiện nay, chúng ta đang thiên về hướng sử dụng một TCTD tốt để hỗ trợ một TCTD yếu.

Đây là phương thức được xã hội chấp nhận, dù cho đó chưa chắc đã là phương án tốt nhất. Điều này ảnh hưởng bởi tư duy ăn sâu vào nhận thức của chúng ta là không muốn có rủi ro và hạch toán sòng phẳng, người đi trước phải kéo người đi sau và cái tốt phải lan tỏa dần ra.

Đó không chỉ là ý nghĩ rơi rớt lại mà còn là tư tưởng chủ đạo, xã hội chưa chấp nhận được khi một ngân hàng phá sản vì vẫn tư duy: Tiền là do Nhà nước quản lý, ngân hàng phá sản thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với đồng tiền của dân, quan điểm cơ bản vẫn là như thế!

Vậy, vai trò của bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ở đâu và như thế nào trong trường hợp này, thưa ông?

Trên thực tế, có thể thấy người dân vẫn chưa hiểu vai trò của BHTG, chỉ có các TCTD hiểu vai trò đó.

Khi thông qua luật BHTG năm 2012, rất nhiều báo chí phản đối điều chi trả lần đầu tiên của bảo hiểm là 50 triệu, gửi 2-3 tỷ  đền bù giống người gửi 100 triệu hay sao (?), mà chưa đọc tiếp các điều quy định tiếp theo về xử lý tồn tại của TCTD phá sản.

Cơ chế chính sách  vượt quá xa đối với nhận thức xã hội.

Hậu M&A: Hy vọng cũng sẽ như tiêm chủng!

Quay trở lại câu chuyện hợp nhất sáp nhập, như ông nói, chúng ta đang thiên về hướng sử dụng một TCTD tốt để hỗ trợ một TCTD yếu; việc nhận vào những ngân hàng yếu kém có làm cho những ngân hàng mạnh, tốt suy yếu không, thưa ông, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và áp lực cạnh tranh khốc liệt từ phía các ngân hàng nước ngoài, đồng thời theo Đề án 254 ta cũng xác định xây dựng một đến hai ngân hàng đạt tầm khu vực?

Cũng giống như khi tiêm chủng, ban đầu sau tiêm chủng thường gây sốt rồi mới hình thành hệ miễn dịch thì sau khi sáp nhập, đối với các TCTD, ban đầu cũng có thể bị giảm lãi, sau đó phải chia sẻ đội ngũ cán bộ có trình độ quản trị và đạo đức tốt - điều mà chúng ta đang làm.

Vậy, đương nhiên là sẽ có ảnh hưởng, nhưng vấn đề đó hy vọng cũng sẽ như tiêm chủng!

Thế đối với những TCTD nhỏ không có chủ trương sáp nhập, trước bối cảnh mới của thời hậu M&A, muốn tồn tại và phát triển, đâu là lối đi cho họ, thưa ông?

Thử thách thật đấy, trở lực nhưng cũng lại là động lực để mở ra những thị trường mới.

TCTD nhỏ thì đừng vươn vào các thị trường như bất động sản, doanh nghiệp lớn… mà hãy nên quay vào bà con nông dân, gắn vào khách hàng tiềm năng này, để mà có thể chia ra để quản lý món vay. Đi vào cho vay những món nhỏ thôi, ít thôi, vài ba chục triệu thôi.

Phải nói rằng, thị trường này đủ rộng và đủ chỗ cho mọi loại hình, nhỏ mà tốt còn hơn to mà yếu.

Quan trọng là đội ngũ quản trị của ông thế nào, có tốt hay không, có thị trường nhưng có tận dụng được không.

Thông tin trần chi trả cổ tức ở Nam A Bank bị khống chế mở mức 4% đã khiến nhiều cổ đông bức xúc

Khống chế trần cổ tức: Bây giờ NHNN mới làm là chậm

Thưa ông, gần đây, thông tin NHNN khống chế mức trần chi trả cổ tức ở nhiều ngân hàng thương mại đã khiến không ít các cổ đông không khỏi bức xúc. Ông có bình luận gì không?

Theo tôi, bây giờ NHNN mới tiến hành khống chế đã là chậm. Việc không tiến hành phá sản, cho nhiều ngân hàng yếu kém vẫn được tồn tại đã là tốt lắm rồi.

Tại sao phải khống chế? Là do chính các cổ đông.

Trước đây, ngân hàng không trích lập dự phòng rủi ro đúng, không chuyển nợ từ nhóm 3, nhóm 4 sang nhóm 5 khi có nợ xấu mà đẩy từ nhóm 5 ngược lên để tạo ra lợi nhuận ảo để chia cổ tức. Nhưng đến bây giờ “ăn rồi phải trả”, khi nợ xấu phình ra và công khai nếu ở các nước khác là các cổ đông phải bỏ tiền ra, tức là giảm vốn chủ sở hữu chứ nền kinh tế không chịu cho khoản đó được.

Nhiều TCTD nước ta không có đủ đội ngũ quản lý có đạo đức tốt

Nói như vậy, vai trò thanh tra, giám sát ngân hàng của các cơ quan quản lý ở đâu, thưa ông? 

Không nên “đổ vạ” như thế được. Chính bản thân các ngân hàng thương mại đã thuê kiểm toán độc lập để chứng minh các số liệu của mình là đúng. Cơ quan Nhà nước chỉ kiểm tra sổ sách và báo cáo kiểm toán đó, nếu phát hiện có vấn đề thì cơ quan thanh tra mới vào cuộc.

Giữa khâu quản lý Nhà nước và tự do kinh doanh phải có điểm trung hòa.

Hiện nay, chúng ta cố gắng tôn trọng quyền tự do kinh doanh như ở các nước tiên tiến nhưng lại có một thực tế rằng nhiều TCTD nước ta không có đủ đội ngũ quản lý có đạo đức tốt nên mới xảy ra vấn đề. Mặt khác, các phương tiện truyền thông cũng chưa thông tin đa chiều nên dễ gây ra điểm nóng xã hội.

Về chuyện khống chế trần cổ tức, cái giá phải trả của những nhà đầu tư tại các ngân hàng đó là quá rẻ khi không đọc BCTC, không có trách nhiệm với đồng tiền của cá nhân mình. Vì trách nhiệm đầu tiên của cổ đông là khi họp ĐHĐCĐ phải có ý kiến nếu thấy có vấn đề. Có thể thấy một sự móc nối lợi ích giữa HĐTV, Ban kiểm soát… để tạo ra lợi nhuận ảo, đẩy giá cổ phiếu TCTD cao hơn để họ kinh doanh kiếm lời.

Xin cảm ơn ông!

Ninh Giang - Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến