Dòng sự kiện:
Từ 1/1/2016: Người đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân
30/12/2015 08:26:07
ANTT.VN – Ngày 1/1/2016 Luật căn cước công dân có hiệu lực và Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai cấp thẻ CCCD cho người dân.

Tin liên quan

Đại tá Lê Học Thu - Trưởng phòng PC 64 Công an Hà Nội

Chia sẻ với phóng viên ANTT.VN ngày 28/12, đại tá Lê Học Thu – Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (PC 64 – Công an Hà Nội) cho biết:

Ngày 20/1/2014 tại kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XIII đã thông qua Luật Căn cước công dân, Luật này có hiệu lực từ ngày 01/1/2016. Luật lấy tên gọi của giấy tờ về CCCD là thẻ CCCD để thay cho tên gọi CMND như hiện nay, tên gọi này phù hợp với bản chất nội hàm giá trị sử dụng của thẻ CCCD.

Theo Luật Căn cước công dân, công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ việt Nam.

Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Việc cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện giống cấp CMND12 số. Luật CCCD quy định công dân có thể lựa chọn một trong các nơi dưới đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD: Cơ quan quản lý thẻ CCCD – Bộ Công an; Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH – Công an các tỉnh TP trực thuộc Trung ương; Công an các Quận, Huyện, Thị xã. Ngoài ra trong trường hợp cần thiết cơ quan quản lý CCCD có thể làm thủ tục cấp thẻ CCCD tại xã phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học…

Trên thẻ CCCD thể hiện những thông tin gì, thưa ông?

Thẻ căn cước công dân gồm những thông tin sau đây: Mặt trước có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.

Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Dãy số định danh cá nhân đó được cấp trên cơ sở nào, thưa ông?

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ với dãy 12 số mới. Công dân nào đã có CMND 12 số khi chuyển sang thẻ CCCD sẽ được giữ nguyên số cũ; Những công dân đã có CMND 9 số thì khi cấp thẻ CCCD sẽ được cấp một dãy 12 số mới. Số thẻ căn cước công dân chính là số định danh cá nhân của từng người.

Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Thẻ CCCD được cấp mới, cấp đổi và cấp lại như thế nào?

Công dân đủ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ CCCD lần đầu, sau đó được cấp đổi vào năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Ngoài ra, thẻ được cấp đổi đổi trong các trường hợp sau đây: Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân; Khi công dân có yêu cầu.

Thẻ được cấp lại trong các trường hợp sau đây: Bị mất thẻ Căn cước công dân; Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Để được cấp thẻ CCCD, có phải trả phí hay không?

Ngày 09/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 170/TT-BTC quy định mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân. Theo đó, các đối tượng không phải nộp lệ phí, bao gồm: Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu; Đổi thẻ CCCD khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD; Công dân đã được cấp chứng minh nhân dân 9 số và chứng minh nhân dân 12 số nay chuyển sang cấp thẻ CCCD theo Luật CCCD.

Bên cạnh đó, đối tượng được miễn lệ phí gồm: Đổi thẻ khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Đổi, cấp lại thẻ cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao; Đổi, cấp lại thẻ cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

Mức thu lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân là: phí cấp đổi: 50.000 đồng/thẻ; Phí cấp lại: 70.000 đồng/thẻ.

Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân bằng 50% mức thu.

Xin ông cho biết giá trị pháp lý của CMND 9 số, CMND 12 số và thẻ CCCD có khác nhau hay không?

Luật Căn cước công dân quy định: CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân (Từ ngày 1/1/2016 sẽ có 3 loại giấy tờ cùng lưu hành là CMND 9 số, CMND 12 số và Căn cước công dân nhưng giá trị sử dụng của các loại giấy tờ này là như nhau).

Từ 1/1/2016 sẽ có 3 loại giầy tờ tùy thân cùng tồn tại là CMND 9 số, CNND 12 số và thẻ CCCD

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.

Được biết, Hà Nội là một trong những địa phương được chọn thí điểm đợt đầu về cấp thẻ CCCD cho người dân, xin ông cho biết công tác chuẩn bị đã được triển khai như thế nào?

Công tác cấp quản lý CCCD là một trong những những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Công an thủ đô. Chính vì vậy ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật CCCD, Đảng ủy Bộ Công an, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các Phòng chức năng chuẩn bị các điều kiện để khi Luật có hiệu lực là thực hiện ngay.

Công an thành phố đã có văn bản báo cáo với Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư – Tổng Cục Cảnh sát BCA để cài đặt, cập nhập phần mềm và chuyển đổi dữ liệu của hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CMND sang cấp CCCD.

Thứ hai là Công an thành phố đã xây dựng hệ thống hạ tầng từ đường truyền dẫn, lắp đặt máy tính, máy lấy dấu vân tay…in ấn các loại biểu mẫu…vv

Thứ ba: Rà soát lựa chọn những cán bộ có trình độ nghiệp vụ, tư thế tác phong, tinh thần trách nhiệm...làm công tác cấp thẻ CCCD. Qua rà soát đã lập danh sách gần 300 đ/c ở Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH và Công an các Quận, Huyện, Thị xã đồng thời tổ chức tập huấn cho số cán bộ này.

Thứ tư đã phối hợp với Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư công bố công khai rộng rãi các quy định của Pháp luật liên quan đến công tác cấp, quản lý thẻ CCCD. Công an các Quận, Huyện, Thị xã đã báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân được biết và thực hiện.

Thứ năm: Bố trí phòng tiếp dân và niêm yết công khai các thủ tục, trình tự, thời gian, đối tượng, lệ phí.

Đến nay mọi công việc chuẩn bị cho việc cấp thẻ CCCD đã được chuẩn bị chu đáo và mọi công dân trong độ tuổi, nếu có nhu cầu cấp thẻ CCCD mời đến các trụ sở tiếp dân của Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an thành phố, Công an Quận, Huyện, Thị xã để làm thủ tục cấp thẻ CCCD.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến