Dòng sự kiện:
Từ 1/6/2017: Cấm hàng triệu bà mẹ khoe ảnh con cái trên Facebook
17/06/2016 17:33:31
ANTT.VN - Nhiều người đang làm một việc tưởng chừng đơn giản, vô hại là đăng ảnh con cái lên facebook để khoe và chia sẻ, nhưng từ 1/6/2017, hành vi này là phạm pháp và có thể bị xử lý hình sự.

Tin liên quan

Tung hình trẻ em lên mạng mà không xin phép là phạm pháp (ảnh minh họa)

Nguy hiểm khi cha mẹ hồn nhiên khoe con

Cùng với sự ra đời và bùng nổ của mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber,… ngày nay rất nhiều phụ huynh có thói quen hồn nhiên khoe con cái mà không hề ý thức được hành vi này có thể gây tổn hại đến con.

Để bày tỏ sự yêu con và chia sẻ với bạn bè, nhiều bà mẹ chụp ảnh và ghi lại nhiều khoảnh khắc của con như khi thay răng, bắt đầu mọc ria mép hoặc bất ngờ phổng phao sau khi dậy thì.

Chị N.H.N (Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại cách đây vài tháng sau khi gia đình đi nghỉ mát đã đăng tải vài tấm ảnh gia đình, trong đó có tấm ảnh cô con gái 14 tuổi. Bạn bè khen con gái da dáng như thiếu nữ và khen chị N có con lớn mà vẫn còn trẻ. Chị rất hạnh phúc và không lăn tăn gì về hành động này cho đến một ngày có người quen gửi cho chị link một trang mạng quảng cáo khiêu dâm có đăng hình con gái chị.

Rất nhiều trẻ vị thành niên tỏ ra khó chịu khi bị mẹ tung hình lên mạng vì bị bạn bè trêu chọc và lộ thông tin cá nhân về gia đình trẻ, nhưng bố mẹ không tôn trọng ý kiến này, khiến trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý

Anh P.X.H (Vinh, Nghệ An) chia sẻ: Có lần, do không lường trước hậu quả, vợ tôi đã chụp ảnh bài kiểm tra của con để chia sẻ trên FB nhằm khoe thành tích học tập của con. Nhưng không ngờ rằng việc tiết lộ tên trường, lớp của con sau đó đã khiến cho cậu bé 7 tuổi suýt nữa bị kẻ gian bắt cóc. Đến giờ, hai vợ chồng rất có ý thức trách nhiệm trước khi đăng tải hình ảnh, thông tin con cái lên mạng.

Một chuyên gia về giáo dục cho biết: việc đưa hình ảnh, thông tin gia đình, con cái lên mạng xã hội mà không hỏi ý kiến trẻ là vi phạm quyền công dân. Hành vi này đôi khi rất nguy hiểm, khó kiểm soát vì có thể dẫn đến việc trẻ em bị bắt cóc, ngược đãi hoặc xâm hại…

Luật trẻ em 2016 nghiêm cấm

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư Hà Nội), Luật trẻ em năm 2016 quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm.

Trong đó Điều 11 quy định: Việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ là hành vi trái pháp luật.

Như vậy, đối với trẻ em từ 7 tuổi trở lên thì nhất thiết phải hỏi ý kiến của trẻ trước khi công bố thông tin cá nhân của trẻ đó.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VP Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì: Không phải tất cả mọi hành vi “tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” liên quan đến trẻ em lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều vi phạm pháp luật.

Chỉ khi những hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật như Luật dân sự, Luật trẻ em về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các cơ quan tổ chức cá nhân nói trên bao gồm các cty kinh doanh sản phẩm hàng hóa dịch vụ phục vụ trẻ em, các cơ quan báo chí đưa tin về trẻ em…

Hiện nay một số tờ báo đưa tin về việc trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị cha mẹ bị bỏ rơi, bị lạm dụng sức lao động… đã hồn nhiên đăng ảnh mặt trẻ em (không che mặt hoặc làm mờ), công bố thông tin về tên tuổi, địa chỉ của trẻ và việc này đã làm tổn hại danh dự, tâm lý của trẻ.

Do đó, hành vi này cần bị lên án và xử lý. Việc xử lý đối với hành vi này không chỉ căn cứ vào quy định Luật trẻ em năm 2016, mà còn căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan như Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng Luật trẻ em năm 2016 và các quy định hiện hành chưa định nghĩa rõ ràng về “quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em” là như thế nào. Vì vậy cần phải có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong thực tế, vì đây là mấu chốt và khởi nguồn mọi hình thức xử lý khi phạm luật đối với Luật trẻ em 2016.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, mặc dù Luật trẻ em 2016 chỉ rõ những hành vi trái pháp luật nhưng chưa quy định những chế tài cụ thể, chưa có văn bản hướng dẫn quy định chi tiết về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan… do đó việc xử lý chưa thể triệt để.

Soi chiếu sang các nước khác thì thấy quyền lợi của trẻ em được bảo vệ khá chặt chẽ.

Luật bảo vệ quyền riêng tư của Pháp quy định: cha mẹ có thể đối mặt với hình phạt lên đến một năm tù giam và nộp phạt 45.000 euro (khoảng 51.000 USD) nếu bị kết tội công khai các thông tin riêng tư về cuộc sống cá nhân của người khác - kể cả con của họ - mà không có sự đồng ý của người được đăng ảnh.

Một số nước khác quy định các trang mạng trước khi công bố thông tin về trẻ em phải được sự đồng ý của trẻ và cha mẹ trẻ, và phải công khai việc công bố ở đâu, trong bao lâu…

Đã từng có một nhà báo nước ngoài khi chụp ảnh trẻ em Việt Nam được sự đồng ý đăng tải của gia đình nhân vật trẻ em đó, sau đó khi muốn sử dụng lại hình ảnh này, ông đã phải lặn lội quay lại Việt Nam để xin phép thêm lần nữa – một nhà báo Việt Nam chuyên viết về trẻ em chia sẻ. Và bà mong muốn rằng, trẻ em Việt Nam cũng sẽ được đối xử bình đẳng, tôn trọng như vậy trong cộng đồng đất nước Việt Nam.

Minh Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến