Dòng sự kiện:
Từ chuyện Hào Anh, nghĩ về thứ không mua được bằng tiền
07/07/2015 12:40:21
ANTT.VN – Cậu bé Nguyễn Hoàng Anh (Hào Anh) – nạn nhân bị vợ chồng chủ trại tôm giống ở Cà Mau hành hạ ngược đãi khiến em bị thương tật vĩnh viễn 66% của 5 năm trước – lại một lần nữa làm nóng lên mục Pháp luật của các trang báo. Ngày hôm qua 6/7, cậu bị bắt bị tội trộm cắp máy vi tính. Như vậy là chỉ trong vòng 5 năm, từ một cậu bé đáng thương, nạn nhân của bóc lột, bạo hành, sau khi nhận được số tiền gần 800 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, đã trở thành một thanh niên hư hỏng, chơi bời, ngược đãi bố mẹ và bây giờ rớt xuống cái hố bi kịch của tội phạm xã hội.

Tin liên quan

Sự việc Hào Anh bị bắt thêm một lần nữa như cú tát trời giáng vào các Mạnh Thường Quân, các nhà giáo dục, các nhà hành pháp, giới truyền thông, và trên hết là nền tảng đạo đức gia đình đang bị băng hoại ở một bộ phận đâu đó trong các làng xóm nghèo, dân trí thấp. Người ta bỉ các nhà hảo tâm - những người có lòng tốt nhưng không được trân trọng đúng mức - bằng những ngôn từ đại thanh đại ngôn kiểu như “cho con cá không bằng cho cái cần câu”, “có phải cái gì cũng mua được bằng tiền đâu”, rằng là tiền khi không đến từ lao động chân chính thì sẽ không biết trân trọng, tiêu không suy nghĩ, đến lúc tiêu hết thì trộm cắp là tất yếu.

Hào Anh sau khi được giải thoát và hiện tại (ảnh: Internet)

Người ta lên án các nhà giáo dục tại một đất nước mà giáo dục luôn được coi là quốc sách – nhưng đã bất lực để một cậu bé 12 tuổi sớm phải rời ghế nhà trường để lao vào công cuộc mưu sinh cực nhọc. Đến khi cậu bé được giải thoát khỏi tay những kẻ bóc lột, tra tấn cậu như thời trung cổ (bằng cách đập búa vào đầu gối, lấy bìm kẹp gãy răng, lấy bàn là nóng dí vào người…), các nhà giáo dục thêm một lần thất bại vì ý định “gom” cậu vào trường học bất thành: Cậu không học nổi vì xấu hổ 14 tuổi vẫn học lớp 5, còn nhà giáo dục thì thấy cậu không muốn học cũng đành chiều, vì nghĩ thương cậu vừa trải qua đau đớn, tổn thương.
Người ta cũng chỉ trích các nhà hành pháp sao đến thế kỷ 21 rồi mà Công ước về quyền trẻ em vẫn chưa được thực thi ở đâu đó trên cái đất nước hơn 90 triệu dân này. Rằng vai trò sát sao của chính quyền địa phương ở đâu khi mà cậu bé bị bạo hành suốt một thời gian dài không ai biết, chỉ đến khi một người hàng xóm tố giác thì chính quyền mới biết để vào cuộc.
Sự việc Hào Anh, giống như một số vụ trong giới showbiz, thêm một lần nữa làm dấy lên làn sóng tẩy chay mặt trái của truyền thông. Truyền thông một mặt đã cứu vớt cậu ra khỏi cái “hang quỷ dữ”, giúp cậu hòa nhập cộng đồng, làm cầu nối để các nhà hảo tâm giúp cậu có một cuộc sống vật chất tốt hơn; nhưng ngược lại, cũng chính truyền thông đã thổi phồng cậu bé vị thành niên thành một hiện tượng, “đeo bám” cậu mọi nơi mọi lúc, khiến cậu lầm tưởng mình đã là người nổi tiếng, là người của công chúng. Sau khi dùng phân nửa số tiền tài trợ để xây nhà, Hào Anh tự cho mình cái quyền được hưởng thụ bằng cách chi tiêu lãng phí: đổi xe máy 4 lần, mua iphone hàng chục lần, và ăn chơi hoang phí cho đến hết số tiền còn lại trong vòng chưa đầy một năm.
Sau cùng, dư luận càng xót xa bao nhiêu thì càng căm phẫn bấy nhiêu cái gia đình, mà trên hết là bà mẹ Hào Anh – người đã cho em cuộc sống nhưng không để em được sống bình yên, hạnh phúc như bao đứa trẻ bình thường khác. Có phải tất cả những bà mẹ một mình nuôi con sau ly hôn đều đổ tại nghèo khó mà đẩy con vào công cuộc mưu sinh từ sớm để nhận lấy 500 nghìn tiền công chuyển thẳng cho mình không? Nói như vậy là xúc phạm tất cả những bà mẹ đơn thân đang hàng ngày hàng giờ gồng mình lên để làm tốt vai trò cả bố lẫn mẹ cho con, dù đầy đủ hay thiếu thốn vẫn tâm niệm “có rau ăn rau có cháo ăn cháo”, chỉ cần được ở gần con. Khi con trai dứt ruột đẻ ra bị bạo hành trong một thời gian dài, đến nỗi thương tích đầy mình, sang chấn tinh thần mà bà không hề biết – phải chăng chỉ cần đều đặn mỗi tháng nhận đủ 500 nghìn là người mẹ nghèo khổ, tội nghiệp ấy cảm thấy thỏa mãn và yên tâm đến nỗi thấy không cần thiết phải thường xuyên qua lại thăm con? Rồi đến khi giải thoát được con khỏi chốn hiểm nguy, những tưởng mẹ em phải xót xa, ăn năn mà đón con về, yêu thương bù đắp cho em. Nhưng không, khi được hỏi về dự định của mình đối với con, bà mẹ ấy hồn nhiên trả lời: tùy Nhà nước lo sao thì theo vậy!!? Ấy thế là Hào Anh – trường hợp hi hữu, lần đầu tiên được Trung tâm Bảo trợ xã hội Cà Mau xé bỏ quy định - nhận vào khi em còn có người thân. Rồi cũng chính người mẹ hồn nhiên, ngây ngô đến đau lòng ấy lại lên báo kể lể em chơi bời quậy phá ra sao, ngược đãi bố mẹ như thế nào… Từ lúc nào đó, bà đã giao cái trách nhiệm quản lý, giáo dục con mình cho xã hội.
Người ta nói: Tiền có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe, mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian, mua được nhà nhưng không mua được gia đình. Câu nói đó thật đúng với Hào Anh trong trường hợp này. Kết cục nào cho Hào Anh? Thực là một câu hỏi làm đau lòng tất cả những ai đã từng xót thương, yêu quý và mong muốn những điều tốt đẹp cho cậu.
H.Yến
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến