Dòng sự kiện:
Từ năm 2015, xe không đăng ký chính chủ có thể bị phạt tới 4 triệu đồng
17/11/2014 10:39:11
ANTT.VN – Bắt đầu từ 1/1/2015, đối với những trường hợp chủ phương tiện giao thông khi mua bán xe không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ (đăng ký chính chủ) sẽ phải chịu mức phạt từ 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng.

Tin liên quan

Theo Nghị định số 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, từ ngày 1/1/2015, thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe phát hiện các trường hợp chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô-tô không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị "phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân..., từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô-tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự ôtô".

Theo quy định, ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đó cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Xử phạt từ 1 - 4 triệu đồng đối với trường hợp xe không đăng kí chính chủ.

Đồng thời, Nghị định 171 cũng giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt theo hướng quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe chứ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.

Bộ GTVT cho biết thêm, trong Nghị định 171 cũng quy định thêm một số hành vi bị xử phạt như: Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe (trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước).

Một số quy định được người dân đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến phản hồi là quy định về tạm giữ phương tiện, quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe…cũng đã được sửa đổi để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế.

Theo Bộ GTVT, đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ đã giảm xuống còn đến 7 ngày (trước đây là đến 10 ngày), số lượng các trường hợp tạm giữ cũng giảm nhiều so với trước đây.

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP được ban hành đã tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trước khi Nhà nước áp dụng các hình thức xử lý vi phạm để bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc.

Diệu Ly (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến