Từ vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì nhìn lại những vụ phá sản vì bê bối thực phẩm bẩn lớn nhất nước Mỹ
23/05/2016 06:19:26
ANTT.VN – Là một quốc gia có trình độ phát triển luật pháp cao, dường như không có chỗ cho những vụ vi phạm quy chuẩn an toàn thực phẩm ở Mỹ.

Tin liên quan

Trên thế giới, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thường phải nhận lấy những án phạt rất nặng, cùng với đó là sự tẩy chay từ công chúng.

Từ vụ việc các sản phẩm C2, Rồng đỏ của URC bị kết luận chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, hãy cùng điểm lại những vụ 'tán gia bại sản' vì vi phạm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm lớn nhất ở Mỹ.

Sunland, 2013

Tháng 8/2012, 42 người ở 20 bang của Mỹ bị nhiễm khuẩn Salmonella, được cho là có liên qua tới sản phẩm của nhà sản xuất đậu phộng lớn nhất Mỹ Sunland. Giới chức Mỹ ngay lập tức sau đó đã đình chỉ giấy phép hoạt động của công ty này.

Tháng 9/2012, Sunland bị Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cáo buộc vi phạm quy chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm trọng, để vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào nhà máy, quy trình sản xuất và qua đó đi vào hàng trăm tấn thành phẩm đậu phộng. Sunland sau đó đã phải triệu hồi toàn bộ sản phẩm và đối mặt với án phạt nặng từ chính quyền bang New Mexico. 

Tháng 11/2012, công ty này bị cấm hoạt động. Gần một năm sau, tháng 9/2013, Sunland phải tuyên bố phá sản, để lại khoản nợ lên tới 100 triệu USD.

Chi Chi, 2003

Năm 2003, một chi nhánh trong chuỗi cửa hàng Chi Chi, bang Pennsylvania đã nhập khẩu hành tây có chứa vi khuẩn viêm gan từ Mexico, gây ngộ độc hơn 650 người, biến đây trở thành một trong những vụ bê bối thực phẩm lớn nhất lịch sử nước Mỹ.

Hàng trăm đơn kiện sau đó đã được các tòa án liên bang ở Mỹ thụ lý, với phần thắng chủ yếu nghiêng về nguyên đơn. Trong đó một người đàn ông bị suy thận sau khi ăn tối tại chi nhánh trên đã được bồi thường tới 6,25 triệu USD.

Phải nộp số tiền phạt, bồi thường 'khủng khiếp', tuy nhiên mất mát uy tín nghiêm trọng từ người tiêu dùng mới là mối nguy lớn nhất đối với chuỗi cửa hàng Chi Chi.

Thật vậy, công ty này nhanh chóng bị tẩy chay sau đó, dẫn tới phải nộp đơn phá sản, đóng cửa toàn bộ 65 nhà hàng tại Mỹ và Canada. Một doanh nghiệp cùng lĩnh vực đã mua lại số bất động sản của Chi Chi với giá 42,5 triệu USD, tuy nhiên từ chối tiếp nhận thương hiệu này.

BPI, AFA Foods, 2012

Mùa xuân năm 2012, một loại nguyên liệu thịt bò xay có tên gọi LFTB của công ty BPI bị nghi ngờ có chứa vi khuẩn có hại, mặc dù đã được xử lý bằng dung dịch diệt khuẩn ammonium hydroxide (NH4OH), sau khi một phóng viên của Food Safety News phát hiện có những ‘vũng nhớt’ trên sàn nhà khu chế biến.

Sự việc càng trở nên tồi tệ sau đó khi một loạt cơ quan truyền thông lớn của Mỹ chỉ trích BPI không đảm bảo được quy chuẩn an toàn trong quá trình chế biến, khiến thịt bò xay được sản xuất từ LFTB có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella and E. coli, và trong một số lô còn vương cả mùi ammoniac.

Sự việc đã gây chấn động nước Mỹ, khiến nhu cầu đối với thịt bò xay – thực phẩm truyền thống của người Mỹ giảm mạnh. Các khách hàng lớn như McDonald's, Burger King, Taco Bell, Wal-Mart đồng loạt rời bỏ BPI. Trước vụ việc, BPI là một trong những nhà sản xuất thịt bò xay lớn nhất ở Mỹ, chiếm tới ¾ nguồn cung cho các hãng sản xuất Hamburger.

Cuối tháng 3/2012, công ty nãy đã phải đóng cửa 3 nhà máy và chỉ cho hoạt động cầm chừng đối với nhà máy duy nhất còn lại.

Đầu tháng 4/2012, một hãng sản xuất thịt bò xay khác là AFA Foods đã phải nộp đơn phá sản do nhu cầu đối với sản phẩm này suy giảm mạnh.

Tháng 11/2012, BPI tuyên bố khởi kiện hãng thông tấn ABC News với cáo buộc bôi nhọ sản phẩm của công ty, đồng thời đòi số tiền bồi thường lên tới 1,2 tỷ USD.

Jensen Farms, 2012

Tháng 9/2011, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo người tiêu dùng nước này không sử dụng sản phẩm dưa vàng của công ty Jensen Farms, Colorado sau khi một loạt trường hợp nhiễm khuẩn Listeria được cho là có liên quan tới công ty này trước đó.

Jensen Farms sau đó đã chủ động thu hồi toàn bộ sản phẩm tại ít nhất 17 bang. Tuy nhiên tới cuối năm 2011, đã có 146 người nhiễm độc và ít nhất 33 người chết sau khi sử dụng sản phẩm của Jensen, biến đây trở thành một trong những bê bối thực phẩm thiệt hại về nhân mạng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Đứng trước làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận Mỹ, tháng 5/2012, Jensen Farms đã phải nộp đơn phá sản. Hai anh em Eric và Ryan Jensen, những ông chủ của Jensen Farms sau đó đã phải đối mặt với án phạt 6 năm tù giam, đồng thời phải trả khoản phạt lên tới 1,5 triệu USD.

Thanh tra Bộ Y tế vừa có thông báo tạm dừng lưu thông và tiến hành thu hồi 3 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC vì kết quả xét nghiệm cho thấy có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Sai phạm của URC là rõ ràng. Từ đây dư luận đang rất quan tâm tới những chế tài xử lý URC sắp tới của các cơ quan chức năng.

Minh Trang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến