Thủ đô của Mỹ đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất trong Ngày Bầu cử. Lo ngại tình hình bất ổn, nhiều cơ sở kinh doanh ở trung tâm Washington DC đã đóng cửa vào ngày 3/11, một số có kế hoạch đóng cửa đến cuối tuần.
Nỗi sợ bạo loạn từ cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc hồi mùa hè đã khiến chủ nhiều cửa hàng, khách sạn, nhà hàng tại đây phải ốp ván ép lên mặt tiền. Lãnh đạo Đại học George Washington nói với các giảng viên và nhân viên chuẩn bị cho Ngày bầu cử "như đối phó với một trận cuồng phong hoặc bão tuyết".
Ở nhiều thành phố lớn khác của Mỹ, các khu bán lẻ ở trung tâm cũng thu mình lại sau lớp ván ép. Nhưng đó cũng là một lựa chọn tốn kém. Giá ván ép tăng và nguồn cung thấp. Thêm vào đó, chi phí lao động cho nhu cầu đột ngột này cũng là vấn đề. Một cơ sở kinh doanh nhỏ có thể tốn khoảng 1.500 USD cho việc ốp ván, theo Downtown D.C. Business Improvement District (BID).
Theo Gerren Price, Giám đốc vận hành cửa hàng mặt tiền của BID, các cửa hàng quy mô lớn hơn sẽ chi từ 7.000 đến 10.000 USD để che chắn cửa sổ. Chi phí phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chủ sở hữu tòa nhà quyết định tự làm hay thuê nhà thầu. Một số chủ sở hữu tòa nhà tái sử dụng ván ép mà họ đã dùng trong cuộc biểu tình hồi tháng 6.
"Tất nhiên, chi phí thay kính có thể đắt hơn nhiều", Price nói đó là lý do một khách sạn nổi bật ở trung tâm thành phố với nhiều cửa sổ ở tầng một và lối vào đã phải chi 15.000 USD để che chắn.
Công nhân lắp ván che chắn mặt tiền chi nhánh ngân hàng Wells Fargo ở Washington DC ngày 28/10. Ảnh: Bloomberg.
Đối với các chủ doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động đề phòng hoặc đối mặt với doanh số giảm do lo lắng về tình trạng bất ổn, cuộc bầu cử đã mang lại một tuần gián đoạn nữa trong một năm thách thức vì đại dịch và biểu tình.
Báo cáo hàng quý mới từ BID cho thấy hoạt động kinh tế tại thủ đô trong tháng 10 chỉ ở mức 18% so với năm 2019. Đó là một con số ảm đạm nhưng đã được cải thiện so với tháng 7, khi con số đó ở mức 12%. Sự gia tăng của các hoạt động kinh tế được thúc đẩy một phần bởi những người lao động đã quay lại làm việc. Theo đó, 10% nhân viên văn phòng ở trung tâm thành phố đang trở lại văn phòng, tăng từ 5% vào tháng 7.
Nhưng tình hình vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khiến người lao động và khách du lịch tiếp tục ở nhà. Bên cạnh đại dịch còn có sự bất ổn đang diễn ra xung quanh cuộc bầu cử tổng thống và lễ nhậm chức sắp tới. Theo Gerry Widdicombe, Giám đốc phát triển kinh tế của BID, các doanh nghiệp địa phương không kỳ vọng tỷ lệ người lao động ở trung tâm tăng trước cuối năm nay.
"Tỷ lệ nhân viên văn phòng quay lại từ 10% mà tăng được lên 25% sẽ là động lực rất lớn cho các cửa hàng bánh sandwich, tiệm làm tóc, tiệm giặt khô, tất cả những dịch vụ đó", Widdicombe nói hoạt động kinh doanh ở trung tâm thành phố phụ thuộc vào nhân viên văn phòng hơn các khu vực khác.
Các chủ doanh nghiệp cũng đang lo lắng khi thấy số liệu thống kê về Covid-19 đang tăng ở Washington DC. Ngày 4/11, mức độ lây lan đã lên cao nhất kể từ khi làn sóng bùng phát đầu tiên rút đi vào đầu tháng 6. Số lượng ca nhiễm tăng đột biến có thể khiến các cửa hàng và nhà hàng vừa mở cửa nay tiếp tục chật vật.
Tỷ lệ mặt bằng bán lẻ bỏ trống ở thủ đô đạt mức cao kỷ lục 18% trong tháng 10. Một số chủ nhà cho thuê buộc phải cho phép người thuê trả tiền mặt bằng theo tỷ lệ phần trăm doanh thu của họ, thay vì các khoản thuê cố định, để chủ nhà vẫn nhận được một chút tiền, hơn là không có gì.
Các thành phố khác cũng đang phải vật lộn để tồn tại trong suy thoái. Tỷ lệ lấp đầy khách sạn ở New York dưới 10%, với một số khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ở trung tâm du lịch của khu vực Midtown South của Manhattan. Center City ở Philadelphia và Loop ở Chicago cũng đang tăng tỷ lệ trống văn phòng và kinh doanh bán lẻ giảm.
Cũng có một số tín hiệu lạc quan cho Washington DC. Theo báo cáo của BID, có 19 dự án với tổng trị giá 2,3 tỷ USD vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên, cho đến khi đại dịch rút đi, hoạt động kinh tế ở các khu vực trung tâm của Mỹ sẽ tiếp tục suy thoái. Một nghiên cứu mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho rằng làm việc trong văn phòng có thể tăng gấp đôi nguy cơ nhiễm Covid-19 của nhân viên. Đây là tin xấu không chỉ đối với nhân viên văn phòng và người sử dụng lao động mà còn đối với các quán cà phê, nhà hàng và dịch vụ khu thương mại, vốn phụ thuộc vào nhóm khách hàng này.
Bất ổn chính trị càng khiến các chủ doanh nghiệp của Washington DC khó dự đoán hơn về tương lai. Một năm trước, Cheesecake Factory ký hợp đồng cho thuê một nhà hàng mới tại 15 và H Street NW, chỉ cách Quảng trường Lafayette một dãy nhà, nơi cảnh sát đụng độ những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc vào tháng 6 và đang là nơi tụ tập của các cuộc biểu tình liên quan đến bầu cử trong tuần này. Mặc dù nhà hàng đã lên kế hoạch mở cửa vào nửa đầu năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động được.
"Một lý do khiến Cheesecake Factory muốn có mặt ở đó vì là tuyến đường mà khách du lịch sẽ đi từ National Mall đến Nhà Trắng", Widdicombe nói, "Bạn phải chấp nhận điều xấu với điều tốt".
Tác giả: Phiên An (theo Bloomberg)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy