Tương lai nào cho giá dầu thế giới?
08/09/2015 13:54:44
ANTT.VN - Trong những năm gần đây, sự nổi lên của cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ cũng như các loại năng lượng thay thế khác, cùng với những bất ổn địa chính trị trên phạm vi toàn cầu đã thay đổi cấu trúc cung - cầu và khiến việc dự báo giá trị của dầu mỏ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nếu có một con số có thể quyết định tới số phận của cả nền kinh tế thế giới, thì đó không gì khác chính là giá dầu mỏ. Kể từ khi được tìm ra và phát triển bùng nổ vào nửa cuối thế kỷ 19, dầu mỏ đã và đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển loài người.

Ảnh hưởng của nó không chỉ có thể thấy được trong từng khía cạnh đời sống hằng ngày, mà nó còn là một thứ hàng hóa đặc biệt- một loại vũ khí chính trị có uy lực tới nỗi có thể khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, hay khiến một cường quốc lâm vào cảnh tan rã.

Trong những năm gần đây, sự nổi lên của cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ cũng như các loại năng lượng thay thế khác, cùng với những bất ổn địa - chính trị trên phạm vi toàn cầu đã thay đổi cấu trúc cung - cầu và khiến việc dự báo giá trị của dầu mỏ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Đâu là giá trần cho thị trường dầu mỏ hiện nay?

Giá dầu trong 1 năm qua đã giảm từ 100$ về 50$/thùng và dao động quanh mức này. Vậy, 50$ liệu có phải là một mức sàn, hay một mức trần mới cho giá dầu trong tầm ngắn và trung hạn?

Phần lớn các nhà phân tích xem 50$ là mức giá sàn, thậm chí là một mức giá đệm. Họ cho rằng giá dầu trong tương lai gần có thể nhảy lên mức 70-80$. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học lại cho rằng mức này nên được xem như giá trần với biên độ giao dịch đã thấp hơn đáng kể so với trước.

Để giải thích tại sao, đầu tiên phải xem xét bản chất có phần nghịch lý của ngành công nghiệp dầu mỏ hiện nay. Thị trường dầu mỏ thực chất là cuộc chiến giữa chủ nghĩa độc quyền và chủ nghĩa cạnh tranh.

Nghịch lý ở chỗ trong khi phần lớn các nhà phân tích phương Tây từ chối thừa nhận thực tế là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang là kẻ chiến thắng trong cuộc chiến này, thì các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ lại đang cầu nguyện cho OPEC trở lại vị trí của kẻ độc quyền.

Giếng dầu Qatif, Ảrập Xêút

Kể từ khi OPEC nổi lên như một thế lực đầu thập niên 70, thị trường dầu mỏ toàn cầu chứng kiến 3 gian đoạn chính.

Từ 1974 tới 1985, giá dầu tiêu chuẩn ở Mỹ giao động từ 50-120$/thùng (quy về thời giá hiện nay). Từ 1986 tới 2004, giá dầu nằm trong khoảng 20-50$ (không tính chiến tranh Kuwait năm 1990 và sự mất giá đồng Rub của Nga năm 1998). Và giai đoạn 2005 cho tới nay, giá dầu một lần nữa lặp lại chu kỳ 1974-1985, giao dịch ở mức 50-120$ (không tính khủng hoảng tài chính 2008).

Nói cách khác, giá dầu giao dịch trong 10 năm qua tương tự như thập kỷ đầu tiên của kỷ nguyên OPEC, trong khi giai đoạn 19 năm từ 1986 tới 2004 lại chứng kiến một cấu trúc giá hoàn toàn khác biệt. Điều này có thể được giải thích bởi sự kiện sức mạnh độc quyền của OPEC sụp đổ vào năm 1985, gây ra sự chuyển đổi từ trạng thái độc quyền sang cạnh tranh cho 20 năm tiếp theo.

Thời kỳ này kết thúc vào năm 2005, khi sự tăng trưởng quá nóng của Trung Quốc gây ra thiếu hụt nguồn cung tạm thời, cho phép OPEC quay trở lại thời kỳ độc quyền của nó.Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể coi 50$ là sợi dây ranh giới giữa mức giá độc quyền và cạnh tranh. Vậy 50$/b có phải là mức giá trần trong gian đoạn tới?

Liệu giá dầu có mang tính chu kỳ?

Trong một thị trường cạnh tranh, giá cả sẽ ngang bằng với chi phí cận biên. Nó phản ánh chi phí mà ở đó, một nhà sản xuất phải bỏ ra cho một đơn vị sản phẩm tăng thêm. Ở trong một thị trường độc quyền, nhà sản xuất có thể chọn mức giá cao hơn nhiều chi phí cận biên bằng cách giới hạn sản lượng để đảm bảo cung không vượt cầu.

Cho tới mùa hè năm ngoái, giá dầu vẫn bị chi phối bởi OPEC.Tổ chức này giới hạn và cắt giảm nguồn cung bất cứ khi nào nó có dấu hiệu vượt cầu. Nhưng việc duy trì mức giá cao lại khiến thị trường dầu mỏ trở thành chiếc bánh hấp dẫn các nhà sản xuất khác, đặc biệt ở Mỹ và Canada, đẩy sản lượng ở 2 nước này tăng cao, đe dọa thừa cung trong tương lai gần.

Người Ả Rập tuy vậy vẫn có thể duy trì mức giá cao bằng cách cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên vào mùa thu năm ngoái, những nhà lãnh đạo OPEC đã nhận ra rằng đó là một chiến lược sai lầm - và họ đã đúng. Nếu tiếp tục cắt giảm sản lượng, viễn cảnh đưa ra là Mỹ sẽ trở nhà nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, trong khi người Ả Rập sẽ dần mất đi thị phần, và sẽ ngày càng bị đẩy ra khỏi cuộc chơi khốc liệt này.

Khai thác dầu đá phiến ở Utah, Mỹ

Những người đứng đầu Trung Đông đang cố gắng đảo ngược tình trạng này. Cách duy nhất để OPEC lấy lại được thị phần đã mất, hay thậm chí chỉ là duy trì phần đang sở hữu, là mở van hút dầu với công suất lớn nhất, kéo giá dầu xuống tới điểm mà các nhà sản xuất Mỹ phải giảm sản lượng để cân bằng cung - cầu. Mục tiêu của họ là nhằm triệt hạ ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.

Mặc dù các nhà sản xuất dầu đá phiến ngày càng tìm ra những phương pháp mới giúp giảm bớt chi phí và khai thác dầu hiệu quả hơn, chi phí khai thác dầu đá phiến vẫn rất đắt đỏ so với cách thức khai thác dầu truyền thống.

Bởi vậy, nếu giá dầu ở dưới mức chi phí cận biên, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ để nó dưới lòng đất cho tới khi tất cả những mỏ dầu truyền thống được bơm lên ở sản lượng cao nhất. Lợi thế của dầu đá phiến là ở chỗ, không giống dầu thô truyền thống, các mỏ dầu đá phiến có thể dễ dàng đóng hay mở với chi phí thấp.

Do vậy với điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, trong khi Ảrập Xêút và các nước sản xuất dầu truyền thống khác luôn phải bơm dầu lên với năng suất cao nhất để duy trì thị phần, thì các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thể tạm ngừng sản xuất khi nhu cầu xuống thấp và mở van đẩy mạnh sản lượng khi nhu cầu tăng cao.

Dưới góc nhìn logic này, chi phí cận biên của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ có thể trở thành mức giá trần cho thị trường dầu lửa toàn cầu. Ở chiều ngược lại, chi phí cận biên của những mỏ dầu truyền thống ở OPEC hay ở Nga có thể là mức sàn chung cho toàn bộ thị trường.

Tổ chức năng lượng thế giới IEA thống kê rằng chi phí sản xuất dầu đá phiến rơi vào khoảng 50$/thùng, trong khi con số này đối với dầu mỏ truyền thống là 20$. Bởi vậy, trong tương lai ngắn và trung hạn, giá dầu giao dịch trên thế giới có thể sẽ lặp lại chu kỳ 1986-2004, dao động ở mức 20-50$/thùng.

 Nghi Điền (Theo Theguardian)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến