Tuyến cao tốc Đồng Nai – Đà Lạt cần hơn 32.000 tỷ đồng đầu tư
13/10/2014 16:11:07
ANTT.VN – Dự án tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Đà Lạt) có chi phí đầu tư xây dựng ước tính hơn 32.000 tỷ đồng theo hình thức BOT vừa được Ban quản lý dự án 1 trình Bộ GTVT.

Tin liên quan

Theo đề xuất của đơn vị lập dự án, tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương có tổng chiều dài 200,3 km, bao gồm cả 140 km trùng với đoạn thuộc đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.

Điểm đầu (Km0) tại Km1829 +850, Quốc lộ 1, trùng với Km54+794 cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km199 +717 trùng với Km208 +250 đường cao tốc Liên Khương - Prenn, tỉnh Lâm Đồng.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc trên sẽ có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 25,5m. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 65.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn trước mắt chỉ đầu tư 2 làn xe, vận tốc 80 km/h.

Sẽ có tuyến cao tốc 2 làn xe, vận tốc 80km/h từ Dầu Giây lên Đà Lạt.

Tuy nhiên để phù hợp với nguồn vốn đầu tư cũng như yêu cầu về lưu lượng, Ban quản lý dự án 1 đề xuất Bộ GTVT cho phép phân kỳ theo các giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn đầu sẽ xây dựng đường cao tốc 2 làn xe, chiều rộng mặt đường 13,75 m cho đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc (Lâm Đồng), từ Km0-Km126 +500, có tổng mức đầu tư 20.508 tỷ đồng.

Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư đoạn từ Bảo Lộc đến Liên Khương, Km126+500 - Km199 +717, khi lưu lượng xe tăng lên với ước tính số vốn khoảng 11.847 tỷ đồng.

Như vậy, theo tính toán của đơn vị tư vấn cho thấy, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn cho toàn tuyến là 32.356 tỷ đồng

Theo Báo Đầu tư, đối với đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc dự kiến đầu tư trước, đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng hình thức đầu tư BOT với hai phương án khác nhau.

Phương án 1- đầu tư đoạn Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 60 km, quy mô 2 làn xe, kinh phí là 7.079 tỷ đồng.  Đoạn từ Tân Phú - Bảo Lộc dài 66,5 km, có chi phí 13.429 tỷ đồng kiến nghị đầu tư theo hình thức vốn Ngân sách hoặc BT. Với phương án này, thời gian hoàn vốn đoạn BOT là 21 năm.

Phương án 2 - đầu tư theo hình thức BOT đoạn Dầu Giây - Tân Phú dài 60 km, nhà đầu tư được thu phí trên đoạn Dầu Giây - Tân Phú và 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc. Với phương án này thời gian hoàn vốn là 17 năm.

Nếu được thông qua, dự án sẽ được khởi công vào năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018 với thời gian hoàn vốn khoảng 30 năm.

Diệu Ly ( tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến