Đông thí sinh nhập học vào một trường CĐ tại TP HCM
Năm 2018, một số trường cao đẳng tại TP HCM bất ngờ làm hồ sơ gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xin... thêm chỉ tiêu sau khi đã gọi vượt số lượng đăng ký trước đó, với lý do nhiều thí sinh nộp hồ sơ, tuyển vượt để “rơi rụng” là vừa dù không ít trường trong số đó chưa đảm bảo tiêu chuẩn nếu tăng thêm chỉ tiêu.
Xin thêm tới 2.000 chỉ tiêu
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Năm nay nhiều trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) phía nam, cụ thể ở TP.HCM tuyển sinh rất tốt. Có nhiều trường gọi số lượng nhiều hơn so với chỉ tiêu đã xác định trước đó, nên thành ra vượt chỉ tiêu. Chúng tôi nhận được hồ sơ xin thêm chỉ tiêu của một số trường, trong đó có trường xin thêm tới 2.000 chỉ tiêu”.
Có thể kể đến một số trường CĐ năm nay tuyển vượt so với mức đăng ký trước đó như: Công thương TP HCM, Kỹ thuật Cao Thắng, Kinh tế đối ngoại, Công nghệ Thủ Đức, Lý Tự Trọng.
Việc xác định chỉ tiêu các trường CĐ, TC được quy định tại Nghị định 143/2016 và Thông tư 05 quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ do Bộ LĐ-TB-XH ban hành. Cụ thể, tỷ lệ học sinh, sinh viên (SV)/giáo viên, giảng viên (GV) tối đa là 25 đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực nhân văn, kinh tế và dịch vụ; 20 đối với ngành nghề thuộc khối kỹ thuật, công nghệ và sức khỏe; và 15 đối với ngành nghề yêu cầu về năng khiếu.
Ngoài ra, số lượng GV cơ hữu đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành nghề đào tạo. Tỷ lệ GV có trình độ sau ĐH không ít hơn 15% tổng số giáo viên, giảng viên của trường CĐ.
Tuy nhiên, theo một đại diện của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nếu tính theo quy định này thì không ít trường chưa đảm bảo hoàn toàn. Chẳng hạn Trường CĐ Công thương TP.HCM có tổng cộng 247 GV, nhưng tổng số lượng SV lên tới hàng chục ngàn. Khoa kinh tế có tỷ lệ SV trên GV là 37,99 trong khi quy định là 25, khoa cơ khí có tỷ lệ 30,99 trong khi quy định là 20... Chỉ có khoa hóa học, dệt may và da giày của trường là có tỷ lệ từ 14 - 18 SV/GV.
Tại Trường CĐ Kinh tế TP HCM, khoa tài chính - kế toán có 33 GV nhưng số lượng SV của khoa lên gần 2.000 (cả CĐ và TC). Tính ra tỷ lệ SV trên GV là gấp đôi so với quy định. Trường CĐ Lý Tự Trọng có hơn 7.000 SV thì tổng số GV là 210 (năm 2017), như vậy cũng vượt so với quy định khối kỹ thuật 20 SV/GV.
Không đảm bảo đủ điều kiện sẽ xử phạt
Ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định: “Trong thời gian này các trường vẫn đang báo cáo liên tục về hoạt động tuyển sinh. Nhiều trường đã gửi hồ sơ xin bổ sung chỉ tiêu nhưng chúng tôi còn căn cứ vào hồ sơ minh chứng để quyết định cấp thêm bao nhiêu. Nếu Tổng cục đi kiểm tra thấy vượt quá 10% mà không đảm bảo điều kiện, không bổ sung đủ những điều kiện về cơ sở vật chất, GV, thiết bị thực hành theo quy định, thì Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có quyết định xử phạt tài chính, trừ vào chỉ tiêu của năm sau và thậm chí kiểm điểm hiệu trưởng”.
Ông Minh nói thêm: “Những học sinh tuyển dư chúng tôi không thể dừng học vì đó là quyền lợi của các em, không thể vì trường sai mà các em phải chịu thiệt thòi. Chính vì thế, trường nào chưa đủ điều kiện thì phải lập tức bổ sung, hoàn thiện các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo”.
Chấp nhận bị phạt nhưng vẫn... mừng!
Lý giải về việc gọi số lượng thí sinh gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với chỉ tiêu đăng ký, hiệu trưởng một trường CĐ tại TP HCM cho biết: “Thực sự là tuyển sinh và đào tạo CĐ, TC có nhiều cái rất khó. Những trường CĐ có thương hiệu, may mắn số lượng TS nộp hồ sơ đông, thì trường nào cũng lo gọi vượt rất nhiều để trừ đi số lượng không nhập học. Chưa kể nhập học rồi, sau một học kỳ, tỷ lệ bỏ học đến 30 - 40%, sau một năm là hơn 50%, nhất là khối kỹ thuật công nghệ. Trường nào không có TS thì mới phải chịu, trường nào có khả năng thu hút thì tuyển vượt gấp rưỡi, gấp đôi để rơi rụng là vừa và chấp nhận phạt. Bị phạt nhưng vẫn mừng”.
Vị này giải thích thêm, việc tuyển vượt chỉ tiêu đối với các trường công lập không nhằm thu thêm lợi nhuận vì học phí trường công lập thu rất thấp, chi phí đào tạo lại cao, trong khi ngân sách nhà nước chỉ cấp cho số chỉ tiêu đã đăng ký trước đó chứ không hơn.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho hay: “Năm nay trường tuyển sinh tốt hơn nhiều so với năm 2017. Lúc đầu trường chỉ dự định lấy 4.000 chỉ tiêu, nhưng nay chúng tôi làm hồ sơ xin thêm gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và đang chờ Tổng cục xem xét. GV thì trường cũng đã tuyển thêm để đáp ứng”. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP HCM, thông tin trường chỉ tuyển thêm 300 chỉ tiêu so với mức đăng ký trước đó là 4.000, tăng chưa đến 10% nên không vi phạm và cũng không phải đăng ký bổ sung.
Cách tính khác nhau giữa 2 bộ Về cách tính chỉ tiêu dựa trên điều kiện về SV/GV, hiệu trưởng nhiều trường CĐ cho rằng theo cách tính khi Bộ GD&ĐT còn quản lý CĐ, TC, thì các trình độ được quy đổi theo hệ số. Chẳng hạn tiến sĩ là hệ số 2, giáo sư và phó giáo sư hệ số 5. Nhưng khi Bộ LĐ-TB-XH tính toán lại thì giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân cũng như nhau. Đó là nguyên nhân khiến việc xác định chỉ tiêu của các trường năm nay bị giảm so với những năm trước, trong khi nguồn tuyển và khả năng đào tạo của một số trường CĐ công lập vẫn rất cao. |
Theo Thanh Niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy