Tỷ giá lại “phiêu”: Chuyên gia nói gì?
20/05/2015 20:28:03
ANTT.VN - TS. Cấn Văn Lực: “Tỷ giá có tăng, tuy nhiên, vẫn nằm trong biên độ cho phép. Chưa có gì phải quan ngại, phải lo lắng quá cả”.

Tin liên quan

Vừa được điều chỉnh, tỷ giá đã lại "phiêu"

Khác với trạng thái ghìm giữ quen thuộc của những lần trước đây, chưa đầy 2 tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng thêm 1%, thị trường ngoại hối lại “nóng”.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, 20/05/2015, thêm một lần nữa tỷ giá lại “lập đỉnh chào ngày”. So với 24h trước đó, giá USD đã tiếp tục tăng thêm 10-15 đồng, thậm chí là 30 đồng ở một vài nhà băng.

Giá bán ra thấp nhất cũng ở mức 21.830 đồng đổi 1 USD, cao hơn 90 -100 đồng so với con số được niêm yết trong ngày đầu điều chỉnh (07/05/2015). Với mức giá trần mới được áp dụng là 21.890 đồng, giá bán USD cũng đang dần leo dốc và ngày một áp trần. Giá bán cao nhất trong buổi sáng hôm nay đã là 21.850 đồng (ở DongABank, SCB), hiện chỉ còn cách mốc giới hạn 40 đồng.

Không chỉ vậy, chiều mua vào, giá USD cũng tăng cao nhanh chóng, “vênh” hai chiều mua bán đã được nới rộng lên thành 70 - 90 đồng.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ, Ngân hàng BIDV.

Tỷ giá có tăng, tuy nhiên, vẫn nằm trong biên độ cho phép. Chưa có gì phải quan ngại, phải lo lắng quá cả”, ông mở đầu nhận định.

Theo vị chuyên gia này, hiện tượng biến động hàng ngày của tỷ giá chỉ là một câu chuyện “hết sức bình thường”, và nguyên nhân một phần đến từ tâm lý và phần khác là do nhu cầu. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới một yếu ngoại cạnh quan trọng, đó là việc leo giá của đồng USD trên thị trường thế giới khi mà nền kinh tế Hoa Kỳ đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi sáng sủa.

Nhìn xa hơn, từ giờ đến kết niên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng chưa thể nói trước được việc NHNN có cần phải điều chỉnh tỷ giá nữa hay không, bởi, tất cả sẽ còn phải tuân theo tín hiệu thị trường.

Tất nhiên, room điều chỉnh tỷ giá trong năm thì đã được dùng hết. Trong trường hợp thị trường bên ngoài cũng như bên trong xuất hiện những diễn biến bất lợi, bất thường thì có lẽ NHNN cũng cần thiết phải xem xét đến việc điều chỉnh và lúc đó thì phải có những giải trình, giải thích rất rõ với doanh nghiệp, với dân chúng”, ông Lực cho biết.

Tuy vậy, theo vị Tiến sỹ này, trước khi đi đến quyết định phải điều chỉnh, NHNN vẫn còn rất nhiều những biện pháp, giải pháp để thực hiện việc đảm bảo ổn định tỷ giá, ví dụ như can thiệp thị trường, trấn an tâm lý, khống chế hiện tượng “đô la hóa” hay kiểm soát tốt thị trường vàng để tránh sự thông, liên đới.

TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ, Ngân hàng BIDV

Liên quan đến yêu cầu “NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, đảm bảo an toàn tài chính tiền tệ quốc gia” mà Chính phủ đã đưa ra mới đây - một thông tin được cho là sẽ có những tác động bất lợi tới thị trường ngoại hối, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận: “đây là yêu cầu của Chính phủ để nghiên cứu, còn có khả thi hay không thì cần phải xem xét, phân tích kỹ những hơn thiệt trước khi có thể đưa ra quyết sách chính thức”.

Giải thích rõ hơn, TS. Lực cho biết, Quỹ dự trữ ngoại hối là “khiên chắn rủi ro”. Về cơ bản, Quỹ được dùngđể xử lý các tình huống cấp bách, bất thường; là nguồn vốn để xử lý các giải pháp mang tính chất tạm thời và ngắn hạn.

Chưa rõ việc ngân sách vay từ Quỹ này thì dùng đầu tư cho chi thường xuyên hay chi đầu tư phát triển. Chi tiêu thường xuyên không phải việc cấp bách, đâu tư cho phát triển cũng không phải việc cấp bách mà là đầu tư trung và dài hạn. Do đó, nếu đối chiếu mục tiêu của Quỹ dự trữ ngoại hối với chủ định dùng nó vào việc cho ngân sách vay là chưa đúng mục tiêu của Quỹ này”, vị chuyên gia bình luận.

Do đó, căn cứ mục tiêu của Quỹ thì nếu thực hiện như đề xuất là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, theo ông Lực, việc sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay cũng không đúng với thông lệ quốc tế.

Nên để Quỹ dự trữ ngoại hối này được sử dụng đúng như mục tiêu của nó, cũng là theo thông lệ quốc tế”, ông kết luận.

Ninh Giang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến