Dòng sự kiện:
Tỷ giá liệu đã “ngoan”?
16/05/2015 20:15:58
Sau khi điều chỉnh tăng thêm 1% vào ngày 7-5, tổng cộng tỷ giá trong nửa đầu năm 2015 đã được điều chỉnh tăng 2%. Như vậy, so với tuyên bố Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hồi đầu năm thì dư địa điều chỉnh tỷ giá năm 2015 đã hết. Vậy, liệu tỷ giá có còn tăng thêm trong thời gian tới hay không?

Tin liên quan

NHNN đã sớm dùng hết dư địa điều chỉnh tỷ giá 2%

Đầu tuần 20 (11/5/2015), tỷ giá bán ra đồng đô la Mỹ tại Vietcombank được niêm yết ở 21.725 đồng/đô la Mỹ, mức này thấp hơn so với mức trần tỷ giá theo quy định của NHNN 165 đồng. Tính theo tỷ giá giao dịch trên thị trường thì kể từ đầu năm đến nay tỷ giá đô la Mỹ đã tăng 1,44%. Nếu so mức biến động này với biến động tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới thì tiền đồng được xem là khá ổn định.

Tuy vậy, phần lớn quốc gia trên thế giới hiện nay đều áp dụng tỷ giá thả nổi, tức là ngân hàng trung ương thường không hoặc rất ít can thiệp vào biến động tỷ giá hàng ngày. Do vậy biến động tỷ giá phản ánh cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Việc tỷ giá biến động 1-2% trong ngày hay 5-10%/tháng đối với các quốc gia này là điều thường xuyên diễn ra. Những biến động đó cũng không trở thành một vấn đề “nóng” trong nền kinh tế.

Trong khi đó, hiện Việt Nam vẫn áp dụng chế độ tỷ giá cố định nên việc biến động tỷ giá phụ thuộc nhiều vào chính sách của NHNN. Việc biến động tỷ giá 1-2% trên thị trường lại trở thành một vấn đề “trọng đại”. Trên thực tế, những lần điều chỉnh tỷ giá lớn vào năm 2009 và 2011 đều đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán và tâm lý người dân. Đặc biệt qua những lần điều chỉnh đột ngột này làm cho lòng tin vào chính sách và sự ổn định của đồng nội tệ có phần giảm sút.

Tỷ giá USD/VND "thuần" hơn các đồng tiền khác rất nhiều

Trở lại với vấn đề tỷ giá hiện nay, NHNN xem giữ tỷ giá tăng không quá 2% trong năm nay như là một mục tiêu vĩ mô quan trọng. Theo giải thích của đại diện NHNN thì mục tiêu này đã được tính toán kỹ và cân nhắc nhiều yếu tố. Mục tiêu của việc ổn định tỷ giá nhằm giảm rủi ro cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Chính phủ và những doanh nghiệp vay nợ nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc cam kết này cũng chính là con dao hai lưỡi.
 
Việc NHNN cam kết tỷ giá tương tự như một chính sách trợ cấp làm méo mó các quy luật thị trường. Doanh nghiệp, Chính phủ sẵn sàng đi vay ngoại tệ với lãi suất thấp để đầu tư mà không phải quan tâm đến biến động tỷ giá. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng có giải pháp để phòng ngừa các rủi ro liên quan đến tỷ giá. Trong khi đó về nguyên tắc thì khi vay ngoại tệ, hay thực hiện việc giao dịch bằng ngoại tệ các doanh nghiệp đều phải tính đến rủi ro biến động tỷ giá để lựa chọn các phương án đầu tư, kinh doanh sao cho tốt nhất.
 
Trước đây, NHNN không ít lần đã thất bại trong việc “neo” tỷ giá dù đã dùng mọi biện pháp hành chính và kể cả bán ra một lượng dự trữ ngoại hối lớn. Cuối cùng khi không giữ được tỷ giá đã phải phá giá mạnh và gây nên cú sốc cho thị trường.

Liệu rằng NHNN có còn phải hành động?

Hiện nay, NHNN đang có một lượng dự trữ ngoại hối khá lớn và tâm lý đầu cơ ngoại tệ trên thị trường giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với chính sách tối ưu hiện nay là neo tỷ giá theo mục tiêu đã định từ đầu năm. Thực tế có nhiều yếu tố mà NHNN khó tính đến đã diễn ra từ đầu năm đến nay.

Chẳng hạn trong bốn tháng đầu năm, Việt Nam đã quay trở lại nhập siêu 3 tỉ đô la Mỹ, trong khi ba năm trước đó xuất siêu liên tục. Hay theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy năm 2014 Việt Nam nhập siêu từ nước này lên tới 43,83 tỉ đô la Mỹ, chứ không phải là 29 tỉ đô la Mỹ như số liệu thống kê của Việt Nam. Trước đó, năm 2013, Việt Nam cũng nhập siêu từ Trung Quốc 31,69 tỉ đô la Mỹ, chứ không phải là 20,64 tỉ đô la Mỹ.

Như vậy, con số thặng dư cán cân thương mại trong những năm qua chưa chắc đã là con số thực. Một điều quan trọng nữa là NHNN có thể không lường trước được việc mạnh lên của đồng đô la Mỹ trong thời gian qua và cả thời gian sắp tới. Do đó, việc neo giữ tỷ giá cố định theo đồng đô la Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất ở Việt Nam so với các hàng hóa khác.

Tóm lại, trong thời gian tới NHNN nên điều hành tỷ giá một cách linh hoạt hơn và tuân theo các tín hiệu của thị trường thay vì chạy theo một con số cứng nhắc. Điều quan trọng nhất của NHNN là tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định, minh bạch và có thể dự đoán được, thay vì “trợ cấp” tỷ giá cho doanh nghiệp. Nhà đầu tư, doanh nghiệp cần phải làm quen với những biến động tỷ giá để có công cụ phòng ngừa thích hợp. Việc tỷ giá có điều chỉnh hay không nên để cho thị trường quyết định.

Theo TBKTSG Online

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến