Dòng sự kiện:
Việt Nam trình UNESCO hồ sơ vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
14/11/2023 07:46:49
Sáng 13/11 (giờ địa phương), tại trụ sở UNESCO ở Paris, Cộng hòa Pháp, Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà dẫn đầu đã tham dự phiên họp Đại hội đồng lần thứ 42.

Tại phiên họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 năm nay (diễn ra từ ngày 7 - 22/11), Việt Nam trình hồ sơ đề nghị vinh danh và cùng kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024.

Theo đó, nhằm tri ân những công lao, đóng góp, cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Đại danh y.

Hiện nay tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có lăng mộ, tượng đài và khu lưu niệm đại danh y Lê Hữu Trác.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hồ sơ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do Việt Nam trình Đại hội đồng UNESCO năm nay được xây dựng công phu, khoa học, nêu bật được những đóng góp và những giá trị, thông điệp tiêu biểu, nổi bật của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Hồ sơ đáp ứng những tiêu chí để được UNESCO cùng vinh danh, kỷ niệm.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một nhà y dược học vĩ đại, nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ được suy tôn là bậc Y thánh của Việt Nam.

Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn (1724) tại thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thanh Xá, xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (đặc biệt là từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Xuất thân trong gia đình khoa bảng nhưng do xã hội rối ren, các phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi, ông nhiều lần từ chối sự đề bạt, viện nhiều lý do để tránh vòng danh lợi, chỉ chuyên tâm nghiên cứu, thực hành y thuật.

Ông được mời ra chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán, mặc dù rất được phủ chúa trọng dụng nhưng ông luôn tìm cách thoái thác để xin về quê.

Với y thuật cao siêu, y đức sáng ngời, Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của thiền sư Tuệ Tĩnh.

Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Hồ Thắng - Quốc Hoàn

 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến