Dòng sự kiện:
Ứng phó bão số 4: Các địa phương bị ảnh hưởng sẵn sàng phương án di dời dân
16/08/2018 09:25:59
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, những địa phương dự báo bị ảnh hưởng đã tích cực chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, đặc biệt chú trọng việc di dời dân để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hải Phòng: Liên quan đến công tác phòng chống bão số 4 có khả năng ảnh hưởng đến Hải Phòng, chiều tối 15/8, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại một số nơi và chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng chống bão.

Sau khi kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại hiện trường và nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan báo cáo, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành TP khẩn trương tổ chức di dời dân tại các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, các chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn, hoàn thành trước 12h ngày 16/8.

Yêu cầu các ngành, địa phương cấm các phương tiện vận chuyển hành khách trên sông, biển kể từ 12h ngày 16/8 và giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP căn cứ tình hình bão để thông báo cho phép các phương tiện thủy vận chuyển hành khách trở lại.

Giao Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND quận Hải An phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực Trạm biến áp 220KV Đình Vũ, hoàn thành trước 10h ngày 16/8.

Thái Bình: Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm các công điện của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. 

Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu. Khẩn trương kiểm tra các nhà dân, bệnh xá, trường học, kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn, sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có yêu cầu...

Các huyện ven biển rà soát, khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu vào trong đê chính; không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ. 

Các huyện, thành phố chủ động rà soát các phương án di chuyển 7.731 hộ với 17.236 người sống ở các nhà yếu, nhà tập thể, bệnh xá, trường học không bảo đảm an toàn đến nơi kiên cố an toàn. Kiểm tra, rà soát, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng, bè, trang trại trên bãi sông, ven sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. 

Thái Bình cũng đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 12 giờ ngày 15/8.

Quảng Ninh: Từ ngày 15/8 đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi về các nơi neo đậu tránh trú bão an toàn; gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. 

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, UBND các phường, xã chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; sẵn sàng phương án sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi ở an toàn.

Nam Định: Cũng trong ngày 15/8, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn; nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 12h ngày 15/8.

Thanh Hóa: Tính đến 16h chiều 15/8 đã có 7.328 phương tiện với hơn 27.000 lao động đã vào nơi tránh trú bão an toàn (neo đậu tại các bến trong tỉnh có 6.906 phương tiện; tại các bến ngoài tỉnh là 422 phương tiện).

Các phương tiện đang neo đậu, tránh trú ngoài tỉnh đều giữ liên lạc với gia đình bình thường. Hiện tại còn 115 phương tiện với 230 lao động đang đánh bắt gần bờ vùng biển thanh hóa, sáng đi tối về.

Đến chiều 15/8, UBND các huyện miền núi đã triển khai việc kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; các huyện, thành phố ven biển triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt đối với khác du lịch trên biển, ven biển.

Các địa phương đã chủ động kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê điều, hồ đập; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho công trình, đặc biệt tại các vị trí trọng điểm xung yếu.

Bộ Quốc phòng huy động nửa triệu người ứng phó bão số 4

Theo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã huy động 54.700 bộ đội, 362.000 dân quân, và 111.000 dự bị động viên; 2.700 phương tiện (trong đó có 35 tàu, 1.570 ôtô, 148 xe đặc chủng) sẵn sàng ứng phó với bão.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (16/8), bão số 4 mạnh cấp 9, giật cấp 11 đã vượt qua bán đảo Lôi Châu và đi vào phía Đông vịnh Bắc Bộ. Hồi 04 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách Móng Cái 210km, cách Thái Bình 320km, cách Vinh 450km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Bão số 4 đã đi vào vịnh Bắc bộ với sức gió giật lên đến cấp 11. Ảnh: Phan Hậu

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 04 giờ ngày 17/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến