Theo các chuyên gia kinh tế UOB, với lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đều duy trì dưới ngưỡng mục tiêu 4,5% trong quý I/2025 và phần lớn năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, biến động trên thị trường tỷ giá lại trở thành một yếu tố đáng lo ngại, đặc biệt sau khi thuế “giải phóng” của Mỹ gây ra làn sóng bất ổn mới trên thị trường.
Trong thời điểm hiện tại, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,50%. Tuy nhiên, xu hướng rủi ro đang nghiêng về khả năng giảm lãi suất, do áp lực suy giảm từ hoạt động kinh doanh và xuất khẩu, trong bối cảnh mức thuế 46% từ Mỹ có thể gây cú sốc mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.
"Nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi rõ rệt trong 1-2 quý tới, chúng tôi nhận thấy khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất chính sách về mức thấp trong thời kỳ Covid-19 là 4,00%, sau đó tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản về mức 3,50%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng. Ở thời điểm hiện tại, kịch bản cơ sở của chúng tôi vẫn là Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên chính sách lãi suất", UOB nêu.
Báo cáo chiến lược tiền tệ và lãi suất hàng tháng mới nhất của chúng tôi (phát hành ngày 4/4/2025) lập luận rằng các đồng tiền châu Á sẽ bước vào giai đoạn suy yếu tiếp theo, sau khi chính quyền Trump áp đặt hàng loạt thuế quan trừng phạt đối với các nền kinh tế châu Á, trong đó Trung Quốc phải chịu mức thuế tổng cộng lên tới 54%. Khối lượng xuất khẩu gần như chắc chắn sẽ sụt giảm, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng và đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực.
Tỷ giá VND đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới, khoảng 25.800 VND/USD, ngay sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam – một trong những mức thuế cao nhất mà chính quyền Trump áp đặt lên các đối tác thương mại toàn cầu hôm 2/4. Nhưng sau đó, tỷ giá đã tăng lên và lần đầu tiên vượt ngưỡng 26.000 VND/USD.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, thuế quan khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Biện pháp thương mại mới này có thể làm chệch hướng mục tiêu tăng trưởng 8% GDP của Việt Nam trong năm nay. Khi bất ổn gia tăng, áp lực lên tỷ giá VND sẽ tiếp tục leo thang. UOB duy trì quan điểm VND sẽ tiếp tục yếu đi, với dự báo cập nhật về tỷ giá VND/USD như sau: 26.500 VND/USD trong quý II/2025, 27.200 VND/USD trong quý III, 26.800 VND/USD trong quý IV/2025, 26.500 VND/USD trong quý I/2026.
Tác giả: Thuỳ Vinh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy