USD tăng giá toàn cầu: Cất két sắt không cần lãi suất?
30/09/2015 14:47:57
Chân lý của nhiều người dân đôi khi đơn giản hơn nhiều so với tính toán của các nhà quản lý.

Tin liên quan

Có một thực tế không thể bỏ qua, USD đang tăng giá trên toàn cầu và cả ở Việt Nam. Có lẽ vì thế, thói quen tích trữ USD nhỏ lẻ của người dân không sễ gì thay đổi.

DN sốt sắng, cá nhân thờ ơ

Ngay sau khi đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất đối với tiền gửi USD từ ngày 28/9, từ 0,25% xuống 0% đối với tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế và từ 0,75% về mức 0,25% đối với cá nhân, hàng loạt các NH điều chỉnh tỷ giá USD/VND giảm theo đúng quy định. Nhiều DN tính tới chuyện chuyển đổi các khoản gửi từ USD sang VND. Đồng USD trong khi đó giảm khá đáng kể so với VND.

Sáng 29/9, Ngân hàng BIDV giảm 5 đồng, DongABank giảm 10 đồng/USD so với phiên liền trước xuống còn 22.510 đồng/USD (bán). USD tự do giảm mạnh 40-50 đồng/USD xuống còn 22.510 đồng/USD và giá mua vào ở mức 22.530 đồng/USD. Mức giá này đã thấp hơn nhiều so với đỉnh cao 22.950 đồng/USD (bán) ghi nhận hôm 25/8.

Chính sách dường như đã ngay lập tức có tác động tới thị trường, theo đúng định hướng của NHNN. Tỷ giá USD tại các NHTM có dấu hiệu hạ nhiệt. Các DN xôn xao tính toán thiệt hơn cho đồng vốn của mình và không ít người dân cũng so sánh xem cầm đồng tiền nào vào thời điểm này.

Ông N.A. Đức, giám đốc một DN nhập khẩu phụ tùng ô tô tại Hải Phòng, cho biết, ông đang tính không gom USD bổ sung cho các đợt nhập hàng sắp tới. Một ít tiền đô dự trữ của gia đình cũng có thể được chuyển đổi sang tiền đồng sao cho có lợi nhất.

Ông Đức Hào, chủ một DN nhập khẩu và phân phối ắc quy tại Hà Nội, cho biết, với khả năng USD ổn định sau khi NHNN hạ lãi suất tiền gửi USD, ông sẽ không phải lo lắng mua trước ngoại tệ tại các NHTM cho các hoạt động nhập khẩu dự kiến của mình.

Đại diện một DN xuất khẩu thủ công mỹ nghệ tại Thường Tín, Hà Nội cho biết nhiều khả năng sẽ chuyển khoản ngoại tệ thu được từ xuất khẩu sang đồng Việt Nam để hưởng lãi suất cao hơn trong bối cảnh DN gửi USD không còn được trả lãi và đồng USD có chiều hướng ổn định.

Chị Hà - chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo khu vực Thụy Khuê, Hà Nội - gần đây cũng đã chuyển và bán một phần khá lớn tiền gửi USD sang VND để hưởng lãi suất cao hơn và bổ sung vốn mở rộng kinh doanh khi mà đồng USD lên cao và nhu cầu mua sắm của người dân có dấu hiệu tăng lên.

Sau quyết định của NHNN, chị Hà dự tính sẽ chuyển nốt số tiền gửi USD sang VND để hưởng lãi suất 6-7% như hiện tại.

Rất nhiều DN và người dân kinh doanh đã có những toan tính tương tự khi lãi suất USD tiền gửi của DN về 0% và cá nhân về 0,25%. Tuy nhiên, cũng có không ít người dân gần như không quan tâm tới chính sách mới này.

Thói quen tích vàng, USD dự phòng

Trong khi DN tính toán thiệt hơn, không ít người dân dường như không chịu tác động gì từ các chính sách của NHNN.

Người Việt vẫn còn thói quen găm đô, giữ vàng

“Đó là chính sách của NHNN. DN có thể phải tính toán nhưng với những người dân như tôi, mua vài ngàn USD lẻ chỉ là để tiết kiệm, chỉ là một cách để dự phòng, có lãi hay không không quan trọng. Lãi suất 0,75% hay 0,25% không ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu tích lũy của gia đình”, ông Nguyễn Hoàng, tại Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội chia sẻ.

Theo ông Hoàng, không ít bạn bè của ông vẫn có thói quen tích vàng và USD trong nhiều năm qua. Lý do đơn giản là bởi: đây là một trong những cách giữ tài sản khá tốt, thậm chí nhiều khi vừa giữ tài sản vừa có thể sinh lời. Bên cạnh đó, mua USD còn để dự phòng bổ sung cho công việc, du lịch và du học ở nước ngoài.

“Tính từ đầu năm tới nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 3 lần tổng cộng 3% và 2 lần điều chỉnh biên độ, tổng cộng dãn thêm 2%. Như vậy, đồng USD được phép biến động tăng thêm 5%. Trên thị trường chợ đen, đồng USD có lúc đã lên tới gần 23 ngàn đồng, hiện vẫn ở mức 22.530-22.550 đồng/USD, cao hơn nhiều so với mức khoảng 21.500 đồng/USD hồi đầu năm”.

Và theo ông Hoàng, việc theo dõi USD nhiều khi chỉ là thói quen và củng cố thêm cho quyết định tích trữ vàng của mình còn trên thực tế không cần tính toán nhiều.

Trên thế giới, ở nhiều quốc gia, hiện tượng nắm giữ USD cũng khá phổ biến. Xu hướng tăng giá không ngừng nghỉ của đồng USD so với phần lớn các đồng tiền khác, nhất là đợt tăng bùng nổ trong vài năm qua đã khiến nhu cầu nắm giữ USD càng lớn.

Tính trong 2 năm qua, USD đã tăng khoảng 20% so với cả yên Nhật và euro. Đồng USD hiện đang duy trì tốc độ tăng mạnh nhất trong 30 năm qua và có thể còn tăng tiếp trong thời gian tới khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nổ phát súng tăng lãi suất đầu tiên dự kiến vào cuối năm nay.

Theo đánh giá của BVSC, quyết định giảm lãi suất của NHNN là nhằm giảm động cơ nắm giữ ngoại tệ của cả phía DN và người dân, nhất là DN xuất khẩu. Bên cạnh đó còn là mục tiêu bảo toàn tính hấp dẫn của đồng VND.

Đại diện NHNN cũng nhấn mạnh định hướng không khuyến khích giữ đồng USD và định hướng xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam và từng bước chống đôla hóa theo chủ trương của Chính phủ.

Hạ lãi suất USD được xem là nỗ lực mới nhất của NHNN nhằm ổn định đồng nội tệ với mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm nay. Phần lớn các chính sách tiền tệ gần đây được đánh giá cao. Chính sách đối với thị trường vàng cũng đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn khi mà dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Áp lực từ thâm hụt thương mại và cán cân vãng lai cũng như thói quen găm đô, giữ vàng của người giàu Việt vẫn còn khá lớn.

Theo Vietnamnet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến