VAFI ‘bật’ lại Bộ Công thương: Sabeco & Habeco đủ điều kiện niêm yết
18/05/2016 13:40:02
ANTT.VN – VAFI cho rằng việc trì hoãn lên sàn chứng khoán đang kéo lùi sự phát triển của Sabeco và Habeco, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của đất nước.

Tin liên quan

VAFI cho rằng niêm yết Sabeco và Habeco chỉ có lợi cho đất nước.

Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) ngày 16/05 vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, kiến nghị cơ quan này kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco), và đề nghị hai tổng công ty này tiến hành niêm yết trên các sàn chứng khoán càng sớm càng tốt.

Trước đó, ngày 10/05, VAFI cũng đã có công văn gửi Bộ Công thương với nội dung tương tự. Tuy nhiên sau đấy đại diện của Sabeco (ông Lê Hồng Xanh – Phó TGĐ Sabeco), và đại diện Bộ Công thương (ông Phan Đăng Tuất – Vụ trưởng, thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp của Bộ Công thương) đã có phản hồi rằng: “Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên chưa thực hiện niêm yết, bởi Sabeco để được niêm yết thì cổ phần nhà nước phải ở dưới mức 80% vốn điều lệ”.

Không đồng tình với trả lời trên, VAFI tiếp tục gửi công văn lên tân Bộ trưởng Trần Anh Tuấn ngày 16/5, khẳng định Sabeco & Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết.

Theo VAFI, tại Điểm d Điều 8 Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thực thi một số điều của Luật Chứng khoán có đoạn: “…1 trong những điều kiện để doanh nghiệp được niêm yết thì tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ…”.

“Xét theo quy định này thì Sabeco và Habeco quả thực không đủ điều kiện niêm yết tại thời điểm đó vì cổ phần nhà nước chiếm tới gần 90% tại Sabeco và 82% tại Habeco”, VAFI viết trong công văn, nhấn mạnh:

“Tuy nhiên Chính phủ ngày 2/8/2010 đã ban hành Nghị định 84/2010/ NĐ-CP nhằm sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 14/2007/NĐ-CP, trong đó Điểm 9 Điều 1 có nội dung: Sửa đổi Điểm d Khoản 1 Điều 8 như sau: “Tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

Quy định sửa đổi có ý nghĩa rằng mọi DNNN đã cổ phần hóa mà kinh doanh có lãi và có trên 100 cổ đông đều đủ tiêu chuẩn niêm yết, không tính tới việc cổ đông bên ngoài nắm giữ bao nhiêu cổ phần.

Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 tiếp tục khẳng định quan điểm trên, cho phép các DNNN thực hiện cổ phần hóa phải gắn với việc niêm yết, bất kể tỷ trọng sở hữu của nhà nước là bao nhiêu”.

Như vậy VAFI cho rằng việc lấy lý do chưa đủ điều kiện niêm yết của Habeco và Sabeco là không có cơ sở. VAFI lấy ví dụ BIDV niêm yết với cổ phần nhà nước chiếm tới 95% vốn điều lệ, con số này đối với Vietinbank và Vietcombank lần lượt là 89% và 90%.

Tổ chức này đặt ra câu hỏi liệu những cá nhân đại diện cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco có hiểu biết pháp luật sơ đẳng về niêm yết DNNN thực hiện cổ phần hóa hay không, hay có những câu chuyện thiếu minh bạch đằng sau 'hậu trường'.

VAFI lưu ý cách đây 5 năm, cơ quan này đã từng đề nghị HĐQT Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết, tuy nhiên cũng như lần này, 2 doanh nghiệp trên viện dẫn lý do không đủ điều kiện niêm yết. Sau kiến nghị cách đây 5 năm, 2 công ty trên đã có nghị quyết ĐHCĐ về việc niêm yết nhưng theo VAFI, đấy chỉ là ‘kế hoãn binh’ và những người đại diện phần vốn nhà nước đã cố tình không thực hiện chủ trương của nhà nước.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFI ông Nguyễn Hoàng Hải.

Trao đổi trước đó với ANTT.VN, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFI khẳng định niêm yết Sabeco và Habeco chỉ có lợi cho đất nước. Việc 2 doanh nghiệp này đang trì hoãn lên sàn chỉ là câu chuyện lợi ích của những người đứng đầu.

“Sau hơn 8 năm cổ phần hóa, tình hình kinh doanh tại 2 công ty này ngày càng đi xuống. Đơn cử lợi nhuận của Sabeco cách đây 10 năm gấp đôi Vinamilk, nhưng hiện giờ chỉ còn bằng 1/3, đặt ra câu hỏi về năng lực của đội ngũ lãnh đạo cũng như có hay không lợi ích cục bộ tại những công ty này”.

“Thực trạng kém minh bạch, trốn tránh niêm yết, cử người yếu năng lực nắm giữ những vị trí quan trọng, nếu có, sẽ dần làm yếu kém công tác quản trị doanh nghiệp và làm giảm giá trị doanh nghiệp, tệ hại hơn là đẩy dần doanh nghiệp vào tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí là thua lỗ. Bộ Công thương đã có rất nhiều những bài học nhãn tiền và cay đắng rồi, đơn cử như Tổng công ty Thép, Tập đoàn Than khoáng sản…”, vị chuyên gia nói, nhấn mạnh:

“Nếu đã kinh doanh không hiệu quả thì Bộ Công thương nên xem xét nhanh chóng thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty trên. Theo tính toán của chúng tôi, có thể đưa về ít nhất 3 tỷ USD cho Ngân sách nhà nước, đặt biệt có ý nghĩa khi nước ta đang khát vốn xây dựng cơ sở hạ tầng tại 2 thành phố lớn Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh”.

Sabeco hiện nắm giữ 46% thị phần bia tại thị trường Việt Nam, còn Habeco nắm giữ 17,3%.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến