Vải thiều vào chính vụ: “Được mùa mất giá” có lặp lại?
08/06/2015 18:02:27
ANTT.VN – Điệp khúc “được mùa, mất giá” luôn là nỗi canh cánh của người nông dân Việt Nam, hiện mùa vải đang vào chính vụ liệu bà con có thoát khỏi nỗi lo mất giá?

Tin liên quan

Ảnh minh họa (nguồn: tienphong.vn)

Thêm thị trường tiềm năng cho trái vải

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và từ hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, năm 2015 tổng sản lượng vải thiều năm 2015 ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Như dự kiến thời điểm hiện tại đang là chính vụ vải.

Theo Bộ Công thương, với sản lượng ước đạt 200.000 tấn quả tươi, dự báo sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng 120.000 tấn, xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn. Thị trường tiêu thụ nội địa rộng khắp cả nước và tập trường chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, các thành phố lớn và các tỉnh phía Nam, trong đó thị trường phía Nam được đánh giá tiếp tục sẽ là khu vực thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, thì năm nay có nhiều tín hiệu đáng mừng từ thị trường Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.

Trước việc loay hoay tìm đầu ra cho dưa hấu và hành tím vừa qua, khi chuẩn bị vào vụ vải năm 2015, Bộ Công thương cho hay, đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Theo đó, Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kết nối thúc đẩy tiêu thụ quả vải và nhằm thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản, đang tiếp tục đàm phán một cách tích cực các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan…Nội dung quan trọng của đàm phán đều được cân nhắc và tính toán một cách cụ thể để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc tận dụng được ưu thế của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình mở cửa thị trường. Cùng với đó, nâng cao tính chủ động và vai trò của doanh nghiệp trong quá trình tham gia các chương trình xúc tiến thương mại…

Bên cạnh đó, giới thiệu danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài, góp phần giới thiệu và kết nối thông tin giúp các doanh nghiệp.

Để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, Bộ Công thương theo dõi sát, nắm bắt diễn biến phát sinh các rào cản thương mại, tại các thị trường nhập khẩu, từ đó đề xuất các phương án đấu tranh hiệu quả đối với các rào cản không phù hợp đối với hàng hóa của Việt Nam.

Rà soát và tích cực đẩy nhanh quá trình đàm phán các hiệp định về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và các nước.

Nỗi lo "được mùa mất giá"

Theo Bộ Công thương, năm 2015 được sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và hưởng ứng của người dân, giá cả vải thiều được dự báo ổn định và có mức tương đương so với năm 2014.

Vừa trải qua “khủng hoảng” về thị trường dưa hấu, thì mùa vải cận kề, tuy Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những bước tính toán khá kỹ lưỡng để đối mặt với “ khủng hoảng” vào mùa vải nhưng với sự phập phù của giá cả thị trường vải thiều cũng khiến bà con trồng vải thấp thỏm không yên.

Tại thị trường Tp.HCM hiện tại đang “loạn” giá bán vải thiều, từ 20.000 đồng – 80.000 đồng/kg, mức giá này có sự trênh lệch khá lớn và ở đâu cũng giới thiệu là hàng “chuẩn” nhập tận gốc. Tuy nhiên không ít người thắc mắc tại sao giá vải lại có sự chênh lệch quá nhiều như vậy?

Còn ở Tp.Hà Nội, giá vải thiều bán ngoài chợ có giá dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, tại một số sạp bán hoa quả vải thiều có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Nỗi lo “được mùa mất giá” của người trồng vải không phải là thiếu căn cứ, bởi cuộc sống của họ gắn với cây vải bao năm nay, đầu vụ giá bán trái vải tươi khá cao khoảng 80 nghìn đồng/kg, sau thời gian chính vụ giá vải có thể rớt thảm chỉ có 5.000 – 7.000 đồng/kg.

Tín hiệu đáng mừng cho trái vải Việt Nam ngay trước khi bước vào vụ vải, Mỹ và Úc đã mở cửa cho trái vải Việt Nam vào thị trường, đây là một trong những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng nông sản, tuy nhiên đây cũng được coi là sự khởi sắc cho trái vải nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trái vải không phải là loại trái cây phổ biến trong các loại trái cây ở các thị trường phát triển nhưng đã định hình ở một số thị trường nhất định, vì thế ngoài việc cạnh tranh với các sản phẩm vải các nước khác, phải có biện pháp quảng bá và xây dựng thương hiệu.

“Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để đi ngay từ đầu trong kỹ thuật canh tác và với việc tổ chức sản xuất đã được triển khai như ở Bắc Giang thời gian qua, tôi tin rằng DN sẽ có cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững ở các thị trường này. Nhưng, chắc chắn rằng sự ổn định chất lượng sản phẩm và quy cách đảm bảo yêu cầu hàng rào kỹ thuật là yếu tố quyết định để đảm bảo sản phẩm của chúng ta có thể phát triển ở thị trường nước ngoài” – ông Tuấn Anh nói.

Thiên Di

 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến