Vải thiều Việt Nam lần đầu chinh phục các thị trường khó tính
16/06/2015 14:31:24
ANTT.VN – Vừa “chân ướt chân ráo” thâm nhập vào Mỹ, Pháp, Australia, những lô vải thiều Việt Nam đầu tiên đã được chào đón nhiệt tình của những thị trường khó tính này. Ngày 10/6/2015, 2,1 tấn vải Bắc Giang đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ đã được tiêu thụ hết trong vòng một ngày. Trước đó, ngày 4/6/2015, 500 kg tấn xuất sang Pháp cũng được thiêu thụ nhanh chóng. Những khách hàng EU đầu tiên này, vốn trước đây chỉ quen với trái vải Nam Phi, Thái Lan…, thì nay đều hồ hởi khen vải thiều Việt Nam “rất tươi”, “rất ngon”…

Tin liên quan

Vải thiều Việt Nam - một nông sản có giá trị dinh dưỡng cao, cho sản lượng lớn (ảnh: Hoàng Yến)

Cấp “giấy thông hành đặc biệt” cho trái vải
Ngay sau sự chấp thuận của thị trường Mỹ, Pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Australia đã có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu vải thiều tươi của Việt Nam. Cùng ngày với 2,1 tấn vải đầu tiên thâm nhập thị trường Mỹ, lô vải đầu tiên thăm dò thị trường Australia cũng đã lên máy bay. Có thể nói, nếu chinh phục được những thị trường khó tính này, vải thiều Việt Nam coi như đã được cấp giấy thông hành đặc biệt để vươn tới thị trường rộng lớn là EU, mở ra một cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản được sản xuất theo quy trình công nghệ cao.
Nhận định về sứ mệnh của những lô hàng tiền trạm này, trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết: “Đối với quả vải xuất sang Mỹ và Australia, trong năm đầu tiên chúng ta không kỳ vọng xuất khẩu một lượng lớn vào hai thị trường này, bởi đây là thị trường mới mở. Kỳ vọng lớn nhất là những lô quả này đáp ứng được yêu cầu quy định của thị trường hai nước và đây sẽ là động lực để nông dân sản xuất theo quy trình cao hơn”.
Những ngày này, có mặt tại Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) – 2 “vựa vải” lớn nhất cả nước, chúng tôi được chứng kiến không khí hồ hởi của bà con nông dân khi vừa kết thúc vụ vải sớm, ráo riết chuẩn bị thu hoạch một sản lượng lớn hơn nhiều khi vải vào chính vụ.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết: Năm nay tỉnh mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 12.200 ha, sản lượng dự kiến gần 80 nghìn tấn. Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh cũng đã triển khai sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Australia, Anh, Pháp với quy mô gần 100 ha, đã được cơ quan kiểm dịch Hoa Kỳ cấp sáu mã vùng trồng, sản lượng gần 1.000 tấn để xuất khẩu vào các thị trường mới, khó tính.
Nằm trong vùng quy hoạch sản xuất vải xuất sang Mỹ và Châu Âu đã được cấp mã số, gia đình ông Lưu (xã Hồng Giang, Bắc Giang) có 1,5 mẫu đất với 250 gốc vải, ước tính sau khi trừ đi chi phí cũng còn lãi 200 triệu đồng, cao hơn hàng chục lần so với trồng lúa – người nông dân này chia sẻ.

Nếu không được xuất khẩu, giá trị kinh tế của vải thiều Việt Nam bán trong nước rất thấp,

thậm chí thu nhập của người trồng vải còn thấp hơn thu nhập của người trèo hái vải (ảnh: Hoàng Yến)

Có lẽ còn quá sớm để vui mừng cho tương lai xuất khẩu của vải thiều Việt Nam, song cũng có nhiều lý do để hi vọng từ năm nay trở đi, vải thiều Việt Nam sẽ được giảm bớt gánh nặng được mùa mất giá  do sản lượng nhiều, tiêu thụ không hết, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bị tư thương ép giá khi vào chính vụ…
Cần được đầu tư công nghệ và xây dựng thương hiệu
Tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức cho đầu ra bền vững của loại quả thơm ngon bổ dưỡng này. Hiện tại mới chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia thu mua, xuất khẩu vải sang Mỹ, Pháp, Australia trong khi phần lớn doanh nghiệp thu mua đều xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguyên nhân là do các thị trường khó tính này đòi hỏi các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất nhì thế giới. Đối với thị trường Australia, vải thiều Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện về vùng trồng, biện pháp canh tác, quy trình quản lý vi sinh vật gây hại vô cùng ngặt nghèo. Ngoài ra, vải xuất đi Australia phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận.
Trên thực tế mới chỉ có 2 công ty chiếu xạ ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương được cấp phép là Công ty Chiếu xạ Sơn Sơn và Cty Cổ phần Chiếu xạ An Phú, còn ở miền Bắc chưa có công ty nào.
Nhìn thấy khó khăn này, vừa qua liên bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ đã chung tay chỉ đạo quyết liệt việc nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử quốc gia – Bộ KH&CN). Trước đây Trung tâm này mới chỉ thực hiện chiếu xạ nghiên cứu mẫu vật và chiếu xạ phục vụ ngành y tế chứ chưa từng chiếu xạ nông sản phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, Trung tâm đang trong quá trình nâng cấp trang thiết bị, kho lạnh theo tiêu chuẩn Mỹ và Australia để cuối năm nay, các vấn đề kỹ thuật và hạ tầng được hoàn thiện, sẵn sàng cho vụ vải sang năm.
Một vấn đề nữa cần nghĩ đến là từng bước xây dựng thương hiệu cho vải thiều Việt Nam, giống như ta đã từng làm cho bưởi Năm Roi hay nước mắm Phú Quốc, để người tiêu dùng biết đến nguồn gốc xuất xứ của vải Việt Nam, tạo uy tín và tăng tính cạnh tranh đối với vải Thái Lan, Israel… Đây cũng chính là băn khoăn của ông Ngô Minh Đường, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình Jeune – đơn vị xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang Pháp.

Vải thiều Lục Ngạn được bán trong siêu thị ở Pháp (ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, cũng theo ông Đường, do chi phí bảo quản và vận chuyển cao, mặc dù đã được Tổng Cty hàng không Việt Nam hỗ trợ 20% cước phí, hiện giá vải Việt Nam được bán ở Pháp là 9,9 euro/kg, vẫn được coi là cao. Bởi thế, việc tính toán hạ giá thành sản phẩm cũng được coi là một trong những việc phải làm trước mắt đối với loại quả xuất khẩu này.
                                                                                                                                                                                                                                                                Hoàng Yến
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến