Dòng sự kiện:
VAMC xử lý nợ xấu: Cần tháo gỡ vướng mắc về pháp luật, thủ tục hành chính
09/11/2014 10:08:10
ANTT.VN - Với những mục tiêu đặt ra nhằm xử lý nhanh nợ xấu, không phải sử dụng vốn ngân sách, có thể coi VAMC là một sáng tạo chính sách để giải quyết khối nợ xấu đang làm ách tắc nền kinh tế. VAMC có phải là “kho” để chứa nợ xấu, cần có cơ chế, tăng quyền thế nào để VAMC là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu. Xung quanh vấn đề này phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tin liên quan

TS. Nguyễn Đức Thành

TS. Nguyễn Đức Thành

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng VAMC mua nợ xấu chỉ để vào kho, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

TS. Nguyễn Đức Thành: Tính đến thời điểm này, sau hơn một năm thành lập và đi vào hoạt động rất khẩn trương, VAMC đã sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua lại 6.397  khoản nợ xấu của 37 tổ chức tín dụng (TCTD). Giá trị sổ sách của các khoản nợ này 94.983 tỷ đồng, và giá trị khi chuyển cho VAMC mua là 77.681 tỷ đồng. Nói nôm na là VAMC đã đưa 94.983 tỷ đồng nợ gốc của các TCTD ra ngoại bảng, thay vào đó là nắm giữ một lượng trái phiếu đặc biệt mà các TCTD cần trích dự phòng rủi ro cho các trái phiếu nàytheo một kế hoạch ổn định trong 5 năm. Nhiệm vụ xử lý các khoản nợ xấu đã được chuyển giao (thu hồi hoặc phát mại) cho VAMC. Tuy nhiên, đến nay VAMC mới phát mại  thực được 1,9 nghìn tỷ đồng khiến nhiều người bắt đầu lo ngại về khả năng xử lý nợ xấu của VAMC.  Đây chính là lúc chúng ta cần nhìn vào thực tế để tiếp tục đưa ra những chính sách phù hợp với thực tiễn.

Có thể thấy rằng việc thu gom nợ xấu mới chỉ là bước ban đầu. VAMC mua nợ xấu không phải để xếp vào kho mà để tập trung phân loại, đánh giá, phân tích thực trạng từng khoản nợ để xem con nợ (các DN) có khả năng phục hồi,  rồi cùng phối hợp với các TCTD tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các giải pháp: điều chỉnh thời hạn trả nợ, điều chỉnh hạ lãi suất. Nếu DN nào có phương án kinh doanh hiệu quả sẽ tiếp tục được vay vốn để phục hồi sản xuất và có cơ hội trả nợ.

PV:  Như vậy, theo ông có cần cơ chế nào cho VAMC hay không?

TS. Nguyễn Đức Thành: Qua theo dõi tiến trình xử lý nợ xấu theo cách của VAMC trong một năm qua, có thể thấy bản chất vấn đề chúng ta đang bị mắc hiện nay chủ yếu nằm ở khâu pháp lý. Đây là một đặc thù rất Việt Nam khi quyền tài sản thế chấp, trong nhiều trường hợp, chưa được xác định đầy đủ.

VAMC đã rất thận trọng khi chọn mua trước các khoản nợ xấu được thế chấp bằng bất động sản hoặc các công trình xây dựng dở dang. Nhưng khi tiến hành phát mãi các tài sản thế chấp này, thực tế cho thấy có nhiều vướng mắc pháp lý không dễ vượt qua được. Đây là đặc thù của Việt Nam khi quyền tài sản thể chấp liên quan đến NH chưa được xác định đầy đủ, hoặc việc chuyển giao trên thực tế đòi một chi phí hoặc thủ tục giải chấp cực kỳ phức tạp, đặc biệt khi có sự cố bất hợp tác từ chủ sở hữu hiện thời (tức con nợ). Chẳng hạn, nếu có người muốn mua lại một tài sản thế chấp, nhưng sau đó anh ta không thể nào sử dụng được tài sản đó ngay theo ý muốn vì có sự chống đối hoặc ngăn cản từ người chủ cũ, hoặc do thủ tục xác nhận quyền sở hữu đầy đủ kéo dài rất lâu (hàng năm trời), thì anh có dám bỏ tiền tươi ra mua tài sản đó không? Câu trả lời là không đời nào.

Tóm lại, sự hạn chế của mô hình VAMC hiện nay không chỉ đơn thuần là về mặt tài chính, mà vướng mắc đầu tiên chính là pháp luật xung quanh các quy chế liên quan tới vấn đề tài sản, quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

PV: Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 18/2014/TT-BTP hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản của VAMC đây đã được coi việc tăng quyền cho VAMC hay không?

TS. Nguyễn Đức Thành: Tôi thấy Thông tư 18 là một sự phản hồi chính sách phù hợp trước thực tế hiện nay.

Thứ nhất, nó giúp rút ngắn quá trình VAMC bán đấu giá tài sản thế chấp, tăng tính linh hoạt cho VAMC.. Cụ thể, Thông tư đã rút ngắn thời hạn niêm yết, thông báo công khai đối với tài sản bán đấu giá là động sản không được ít hơn 4 ngày làm việc, đối với tài sản là bất động sản không được ít hơn 15 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá (quy định  cũ là 7 ngày và 30 ngày).

Thứ hai , nếu như đấu giá không thành công thì cho phép VAMC có quyền đưa ra giá chứ không phải hỏi ý kiến con nợ. Nghĩa là trao nhiều quyền chủ động hơn cho chủ nợ nhằm giúp quá trình giải chấp linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những chính sách trong khả năng có thể hiện nay, còn muốn tháo gỡ triệt để thì cần nhiều giải pháp đồng bộ mà chắc chắn tự VAMC không đủ thẩm quyền và khả năng làm được. Chúng ta cần phải nhìn nhận việc giải quyết nợ xấu đang bộc lộ những bất cập của toàn bộ hệ thống pháp luật, quan niệm của chúng ta trong những mối quan hệ đặc biệt này. Cần phải có sự thay đổi, cải cách mạng mẽ trong thủ tục hành chính, xây dựng các công cụ đặc biệt, với sự nhất trí của các cơ quan lãnh đạo cấp cao nhất, cho tới sự phối hợp đồng bộ của các ngành chủ quản và địa phương. Chứ một mình VAMC và thậm chí NHNN thì cũng không thể xoay sở được. 

Ngọc Quyết (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến