Dòng sự kiện:
Văn hóa giơ biển và quyền lực của truyền thông
01/09/2015 17:39:51
ANTT.VN – Hôm nay, tin vui đã đến với em Trần Văn Sâm, thí sinh giơ tấm biển “Thi được 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!” đứng ở chợ Mũi Né (Bình Định, Phan Thiết) sáng 31/8, vì trường đại học nơi em muốn học đã quyết định tiếp nhận em.

Tin liên quan

Thí sinh Trần Văn Sâm và tấm biển đã giúp em đến trường

Em Trần Văn Sâm là thí sinh được Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi kỳ thi liên thông y đa khoa tại trường Đại học Y Dược Cần Thơ hôm 18/7 và đã đạt điểm cao nhất trong số thí sinh do Sở này cử đi.
Điểm thi của em cũng cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển là 2,5 điểm. Tuy nhiên trong danh sách 22 thí sinh trúng tuyển lại không có tên Sâm, mặc dù điểm của 22 thí sinh này thấp hơn em.
Thắc mắc thì được trả lời: do em không phải viên chức Nhà nước (mới là viên chức hợp đồng, chưa được tiếp nhận vào biên chế Nhà nước) nên không được tiếp nhận.
Bất lực, sáng 31/8 em đã đứng ở chợ Mũi Né và giơ tấm biển kể trên. Không lâu sau, hình ảnh đó lập tức được lan tràn trên báo mạng và internet. Ngay tối 31/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận nhận định đây là lỗi của Sở Y tế Bình Thuận nên đã có chỉ đạo Đại học Y Dược Cần Thơ tiếp nhận em.
Truyền thông quả thật có một thứ quyền năng mạnh như vũ bão. Đó là sự kết hợp giữa quyền lực thứ tư của báo chí cộng với sức mạnh lan tỏa của công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng truyền thông, không dám dũng cảm chường mặt ra đường kêu gọi sự giúp đỡ như Sâm, chắc chắn sự việc của em không được ai biết đến.
Trước Trần Văn Sâm, một ông bố trẻ 9X tên là Phùng Đức Ninh cũng đã gây ra cơn bão dư luận vào ngày 17/8 khi quyết định đứng đường giơ tấm biển: Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. Liên hệ: conanbn90@gmail.com".
Hành động của ông bố này được coi là kỳ quặc ở một đất nước xưa nay vốn đề cao nam quyền và những chuẩn mực cứng nhắc thuộc về đám đông. Thế nên người khen thì ít, người chê thì nhiều.
Một bộ phận nhỏ trong giới trẻ tỏ ra ngưỡng mộ, ủng hộ vì đây là một ông bố đại diện cho thế hệ 9X dám đối mặt với vấn đề, có trách nhiệm với người khác, dám vượt qua sĩ diện bản thân khi “rao bán” sức lao động của mình như một thứ hàng hóa bình thường.
Đại bộ phận còn lại chỉ trích anh chàng này như một thanh niên yếu đuối, không độc lập, có tuổi trẻ, lại được ăn học nhưng chưa cố gắng hết sức đã vội kêu gọi giúp đỡ, rồi còn lôi đứa con mình ra để tranh thủ lòng trắc ẩn của người khác.
Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng, hiệu quả đến với anh chàng này nhanh hơn cách anh ta xin việc truyền thống rất nhiều. Một doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp nhận Ninh vào làm việc. Là vì đã có những người lãnh đạo nhìn ra đây sẽ là một nhân viên dám đương đầu với khó khăn, không quan tâm đến cách thức, chỉ quan tâm đến hiệu quả cuối cùng.
Một người dám đương đầu là một người dũng cảm, và chắc chắn còn là người biết cân bằng cuộc sống của mình. Vì bên cạnh hiệu quả tìm được việc nhanh để có thu nhập nuôi con, ông bố trẻ này cũng ngay lập tức bị truyền thông “bới móc” ra những điểm yếu của mình như: sức khỏe yếu, học hành làng nhàng, bằng cấp không chính quy…
Nhìn ra bên ngoài, chúng ta thấy việc giơ biển nơi công cộng nhằm mục đích ăn xin, tìm việc, kết bạn… ở các nước là chuyện không mới mẻ. Nhưng họ coi đó là quyền tự do của mỗi người nên không phản đối hay kỳ thị.
Đã đến lúc chúng ta nên có cách nhìn thiện chí hơn đối với cách một ai đó hành xử như thế này mà không phải thế kia. Ai cũng quyền được sống như mình muốn mà không nhát thiết phải giống như ai khác.
Đó là chưa kể: khi họ phải viện đến truyền thông để giải quyết một vấn đề cá nhân và chấp nhận sự điều tiếng, kỳ thị của truyền thông, là khi những giải pháp hiện tại không còn tác dụng với họ nữa.
HÀN.
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến