Tin liên quan
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
“TPP là một cơ hội để chúng ta tận dụng, bổ khuyết cho những lĩnh vực mà lâu nay chúng ta đang thiếu, như nguồn vốn đầu tư và trình độ chưa đáp ứng được nhu cầu. Tôi nghĩ đó là cơ hội mà chúng ta phải tận dụng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời báo chí sau khi trở về từ vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Chúng ta cần làm ngay”
PV: Đối với ông, hiệp định TPP sẽ tạo sức ép cải cách thể chế trong nước như thế nào?
BT: Các yêu cầu của hiệp định TPP rất cao, trong đó có việc thực thi khuôn khổ pháp lý bao gồm các quy định có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và một số lĩnh vực khác.
Thật ra thì những việc này hiện nay chúng ta vẫn đang làm. Mục đích của chúng ta là tiếp tục hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với tình hình mới. Đi đôi với đó là xây dựng ban hành mới những quy định pháp luật khác, cho nên dù rằng có hay không có TPP, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện thể chế.
Theo tôi, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là hết sức quan trọng và cần thiết. Chúng ta cần làm ngay để bắt kịp tiến độ, khi hiệp định đi vào hiệu lực.
PV: Nhiều ý kiến nêu rằng TPP là cơ hội để Việt Nam đổi mới công nghệ, khi chúng ta có thể nhập máy móc từ các nước phát triển với giá rẻ hơn. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào?
BT: Một nội dung rất quan trọng của hiệp định TPP là chương về mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư.
Đúng là qua TPP, có rất nhiều cơ hội cho chúng ta thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn.
PV: Nhiều bà con nông dân, nhất là ngành chăn nuôi, lo lắng vì nhiều ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn. Xin Bộ trưởng bình luận về vấn đề này?
BT: Việc bà con quan tâm lo lắng là có cơ sở, bởi khi mở cửa thị trường, chúng ta không thể hạn chế việc tạo điều kiện cho hàng hoá của nước ngoài, trong đó có cả hàng nông sản, được xuất khẩu đến Việt Nam.
Một mặt, nó sẽ là một tác nhân thuận lợi cho người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng hoá đa dạng hơn với chất lượng cao, giá cả phù hợp, mẫu mã hấp dẫn hơn.
Nhưng ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, đây là một lĩnh vực chúng ta còn yếu. Không phải chỉ riêng trong đàm phán hiệp định TPP mà kể cả trong các hiệp định khác trước đây, chúng ta bao giờ cũng yêu cầu các nước dành cho Việt Nam một lộ trình tương đối dài, để bảo hộ một cách hợp lý những sản phẩm của chúng ta còn đang yếu. Sau lộ trình đó, chúng ta sẽ phải vươn lên.
Với TPP, chúng ta sẽ phải cố gắng tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sẽ có những mô hình sản xuất mới, tập trung hơn, quy mô hơn, để có những điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động.
“Nỗ lực là cần thiết”
PV: Ngành dệt may và da giầy được cho là có nhiều lợi thế nhất khi tham gia TPP, nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
BT: Dệt may hiện nay là một trong những ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho cả nước, đang đứng trong top đầu trong các sản phẩm hàng hoá mà Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Với TPP, rất nhiều lĩnh vực của chúng ta có lợi thế, vì thuế nhập khẩu của các nước trong TPP sẽ giảm xuống, thậm chí ở mức 0%.
Cho nên, ngành dệt may sẽ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới đây rất cao, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. Dĩ nhiên, ngành dệt may cũng đương đầu với những khó khăn.
Thứ nhất, tỉ lệ mà phụ kiện, phụ tùng, phụ phẩm sản xuất ở Việt Nam để làm ra sản phẩm dệt may còn đang thấp, hiện nay chỉ ở khoảng 50%. 50% còn lại chúng ta phải nhập từ bên ngoài. Vì thế, vấn đề đặt ra đối với ngành dệt may là chúng ta phải cố gắng nâng cao hàm lượng sản xuất ở trong nước.
Thứ hai, làm tốt hơn công tác thu hút đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng đó ở Việt Nam. Có như vậy, chắc chắn ngành dệt may của chúng ta sẽ có giá trị gia tăng lớn hơn. Đây là kỳ vọng và cũng là quyết tâm của ngành dệt may.
PV: Thưa Bộ trưởng, vòng đàm phán hồi tháng 8 trước, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương với các nước, trong những vòng đàm phán vừa rồi, Việt Nam đã có thay đổi nào tích cực hơn ?
BT: Tại vòng đàm phán trước đây ở Hawaii, về cơ bản, chúng ta đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các đối tác, trong đó quan trọng là với Mỹ, Nhật Bản. Những vấn đề còn lại về song phương của Việt Nam là không có nhiều, với nội dung chủ yếu là vấn đề kỹ thuật.
Bên cạnh các vấn đề đã thống nhất, cũng còn một số vấn đề nhỏ tiếp tục đàm phán ở Atlanta là tiếp tục yêu cầu các đối tác quan tâm hơn nữa các lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hoá, ví dụ như trong dệt may, thuỷ sản, và giày dép.
Thứ hai, đề nghị các đối tác quan tâm đến các điều kiện cụ thể của Việt Nam, bởi vì trong hiệp định có những ý như TPP có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên. Chúng ta yêu cầu các nước bạn thực hiện tốt nguyên tắc này.
Trên thực tế, qua quá trình đàm phán và cho đến khi kết thúc tại Atlanta, 11 đối tác còn lại đã nghiêm túc thực hiện theo đúng thoả thuận này. Do đó, tại Atlanta, chúng ta yêu cầu các nước dành cho Việt Nam một lộ trình bảo hộ thích hợp đối với lĩnh vực chúng ta còn đang yếu như chăn nuôi, một số vấn đề với Mỹ liên quan đến việc chúng ta thực hiện tốt các quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người lao động... Các vấn đề kỹ thuật đến hôm nay đã kết thúc, đấy là điều chúng ta đã làm được từ Haiwaii đến Atlanta.
PV: Nhìn từ Hawaii đến Atlanta, Bộ trưởng đánh giá thế nào về mức độ và tốc độ cải cách của nền kinh tế trong nước để đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định?
BT: Tôi nghĩ việc cải cách thể chế, chúng ta đã làm tốt rồi, nhưng để thực hiện đúng mục tiêu đã cam kết trong thoả thuận đàm phán TPP, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa và khối lượng công việc nhiều hơn nữa.
Ở đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan làm công tác tham mưu cho Chính phủ, cho Quốc hội.
Với thời gian còn lại, sự nỗ lực là cần thiết. Bởi vì nếu chậm ngày nào, chúng ta chưa thông qua được hiệp định này, chưa được các thành viên công nhận, thì chúng ta bị thiệt thòi ngày đó trong quá trình mở cửa.
Theo Vneconomy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy