Dòng sự kiện:
Wall Street Journal: Dệt may Việt Nam hưởng lợi lớn từ TPP
07/10/2015 17:05:02
ANTT.VN - Ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản cùng dệt may của Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tờ báo danh tiếng của nước Mỹ vừa cho biết.

Tin liên quan

12 nền kinh tế tham gia TPP.

WSJ cho rằng những công ty sản xuất đặt nhà máy tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành công nghiệp dệt may sẽ hưởng lợi lớn từ TPP khi mà các hàng rào thuế quan đối với mặt hàng này sẽ được loại bỏ gần như hoàn toàn trong thị trường các nước TPP. Cổ phiếu các công ty dệt may đã tăng mạnh hôm qua.

Cổ phiếu của Hansae, công ty Hàn Quốc có tới 60% sản lượng tại Việt Nam, chốt phiên hôm qua tăng mạnh 4,1% tại Seoul. Cổ phiếu một nhà sản xuất hàng may mặc khác, Pan – Pacific, cũng tăng tới 4,3% trong phiên giao dịch hôm qua. Các nhà máy tại Việt Nam chiếm tới hơn một nửa sản lượng của công ty này.

Ở một khía cạnh khác, WSJ nói rằng các nhà sản xuất ô tô khác ở châu Á, đặc biệt từ Hàn Quốc và Trung Quốc, những quốc gia không tham gia TPP, sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Cổ phiếu nhóm ngành này trên thị trường chứng khoán hai nước này cũng đã quay đầu giảm ngày hôm qua.

Trong khi đó công nghiệp ô tô của Nhật Bản lại rất hoan nghênh hiệp định này. Những thông tin chưa chính thức cho biết TPP có thể giảm 2.5% thuế đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế này đã được Mỹ áp dụng suốt 25 năm qua.

Ngoài ra hiệp định này cũng có thể cắt giảm ngay lập tức 2,5% thuế đánh vào phụ tùng, linh kiện ô tô khi nó có hiệu lực, khiến các nhà sản xuất hàng đầu Nhật Bản như Toyota, Subaru, Fuji được hưởng lợi lớn.

Đại diện thương mại từ Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản cùng 9 quốc gia khác đã đạt được tiếng nói chung hôm thứ 2 tại Atlanta, Mỹ sau 6 ngày họp liên tiếp. Tuy nhiên TPP vẫn chưa hoàn toàn được hoàn thành cho tới khi được thông qua bởi quốc hội mỗi nước.

Dưới đây là những bên được và mất của các quốc gia khu vực châu Á khi gia nhập TPP, theo WSJ:

Bên được

  • - Công nghiệp may mặc của Việt Nam: Với mức thuế nhập khẩu được dỡ bỏ hoặc giảm xuống rất thấp, các sản phẩm dệt may của Việt Nam được kì vọng sẽ nhanh chóng thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia..

  • - Công nghiệp ô tô của Nhật Bản: Với danh tiếng và vị trí có sẵn ở thị trường Mỹ. Thuế đánh vào linh kiện cũng như ô tô nguyên chiếc của Washington bị dỡ bỏ hứa hẹn sẽ tăng mạnh doanh số của các hãng xe Nhật ở quốc gia tiêu dùng ô tô lớn nhất thế giới này.

  • - Công nghiệp tinh chế đường của Australia: Thỏa thuận này cũng là một thắng lợi đối với các công ty sản xuất đường tại Australia như Wilmar International hay Mackay Sugar khi mà Mỹ cam kết sẽ mở cửa đối với mặt hàng này.

  • - Các nhà sản xuất dầu dừa Malaysia: Các công ty sản xuất dầu dừa của Malaysia như IJM Plantations có thể hi vọng đẩy mạnh doanh số với những ưu đãi về thuế quan của các quốc gia TPP khác, so sánh với đối thủ lớn nhất Indonesia.

Bên mất

  • - Công nghiệp bơ sữa của New Zealand: Ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế của quốc đảo này sẽ không hưởng lợi nhiều từ những sự nhượng bộ ít ỏi của Mỹ cũng như Canada.

  • - Nông nghiệp trồng lúa ở Nhật Bản: Vốn chịu tổn thất nặng nề từ giá gạo nội địa xuống thấp kỷ lục trong hàng thập kỷ qua cùng tiêu dùng suy giảm, nông dân trồng lúa nước này được dự báo sẽ phải đối mặt với những khó khăn gấp bội khi hàng rào thuế quan đối với gạo nhập khẩu được giảm mạnh hoặc dỡ bỏ khi TPP có hiệu lực.

  • - Công nghiệp ô tô của Hàn Quốc: Các tập đoàn ô tô hàng đầu Hàn Quốc như Huyndai hay Kia sẽ gặp nhiều khó khăn hơn tại thị trường Mỹ, khi mà đối thủ của họ, những tập đoàn hàng đầu tới từ Nhật Bản vốn đã có chỗ đứng vững chắc, nay càng mạnh hơn nhờ thuế nhập khẩu được dỡ bỏ hoặc giảm mạnh.

  • - Công nghiệp sản xuất của Trung Quốc: Vốn đang chịu tổn thất từ chi phí nhân công tăng lên, hàng hóa từ Trung Quốc có thể trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia TPP do bất lợi về hàng rào thuế quan.

Nghi Điền (Theo WSJ)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến