Dòng sự kiện:
WB: TPP có thể tăng 8-10% GDP Việt Nam
05/10/2015 15:42:17
ANTT.VN - Ngân hàng Thế giới (WB) sáng nay cho hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8-10% mỗi năm.

Tin liên quan

Lúc này tại Atlanta, Mỹ, sau ngày họp thứ 5 liên tiếp, đàm phán TPP giữa 12 quốc gia liên quan đang trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi các bên đang tiến gần đến tiếng nói chung trong những vấn đề vướng mắc cuối cùng, bao gồm bản quyền dược phẩm và hàng rào thuế quan đối với sản phẩm bơ sữa.

Vòng đàm phán lần này được kỳ vọng sẽ kết thúc ngay trong ngày hôm nay, qua đó lập nên tổ chức thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 12 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chiếm 40% GDP toàn cầu sau 5 năm đàm phán.

Trao đổi với phóng viên, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sáng nay cho biết Việt Nam cùng một số quốc gia định hướng xuất khẩu khác có thể được hưởng lợi lớn nếu TPP được hoàn thành.

Cụ thể ông nói rằng TPP yêu cầu siết chặt hơn các tiêu chuẩn về lao động, cạnh tranh, môi trường cũng như quyền sở hữu trí tuệ, qua đó sẽ giúp cải cách toàn diện nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt đối với những khu vực tham gia vào chuỗi cung ứng và xuất khẩu hàng hóa vào các nước TPP. Bên cạnh đó, gia nhập TPP cũng sẽ bắt buộc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới cơ cấu, hoạt động có hiệu quả hơn.

Ông Sandeep Mahajan trình bày tại Cập nhật kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương ngày 5/10

Đối với các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam, ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh TPP sẽ mở ra một thị trường rộng lớn đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu của trong nước. Ông cho rằng hàng hóa Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để có thể tiến sâu hơn vào các thị trường khổng lồ như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada cũng như các thị trường tiềm năng trong TPP khác.

“Mặc dù có những hạn chế nhất định, tuy nhiên TPP sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Dựa trên những thông tin sẵn có, tôi cho rằng TPP sẽ đóng góp ít nhất 8-10% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam tầm nhìn tới năm 2030.”, ông cho biết.

Khi được hỏi về con số ‘8-10%’, ông Sandeep Mahajan nói: “Đây là tỉ lệ ít nhất có thể đạt được. Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi lớn hơn nữa từ TPP nếu có các biện pháp cải cách nền kinh tế một cách nhanh chóng và phù hợp.”.

Tổng sản phẩm trong nước GDP 9 tháng đầu năm ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,81%.

Việt Nam là điểm sáng trong khu vực

Việt Nam được xem như điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế khu vực cũng như thế giới. WB cho biết đã điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay lên 6,2% và 6,3% cho năm sau, so với 6% và 6,2% tương ứng hồi tháng 4.

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được WB dự báo tăng trưởng 4,6% trong năm nay. Ngân hàng này cho biết Indonesia, Malaysia, Mông Cổ sẽ tăng trưởng chậm hơn và thu ngân sách cũng thấp hơn so với năm 2014 do tác động của giá hàng hóa xuất khẩu thấp. Trong khi đó, mặc dù sản lượng nông nghiệp giảm gây tác động xấu tới nền kinh tế, tăng trưởng của Camphuchia được dự báo vẫn đạt 6,9% trong năm nay.

Tại Myanma, trận lụt nghiêm trọng hồi tháng 7 có thể kéo lùi tăng trưởng xuống còn 6,5%, thấp hơn 2% so với năm ngoái. Các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn tăng trưởng nhẹ. Đặc biệt WB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho Fiji lên 3,4% từ con số 1,5% trước đó.

“Dự báo tăng trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chậm lại do Trung Quốc đang cân đối lại nền kinh tế, và ảnh hưởng của tốc độ bình thường hóa lãi suất cơ bản ở Mỹ.”, ông Sudhir Shetty, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết sáng nay.”Những yếu tố đó có thể kéo theo bấp bênh tài chính trong ngắn hạn, nhưng đó là những điều chỉnh cần thiết cho tăng trưởng bền vững dài hạn.”

Nghi Điền

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến