Dòng sự kiện:
Vết trượt dài của đại gia ngành tôn Đại Thiên Lộc
21/04/2020 11:39:15
Những năm gần đây, thị trường chứng kiến bước trượt dài của các đại gia ngành tôn nói chung và Đại Thiên Lộc nói riêng. Năm 2018 – 2019 kết thúc với 2 khoản lỗ ròng đã buộc cổ phiếu DTL vào diện kiểm soát.

Thông báo mới nhất từ Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) TP.HCM cho biết, cổ phiếu DTL của Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 27/4/2020. Lý do được SGDCK TP.HCM đưa ra do công ty có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2018 và năm 2019 lần lượt là -17,249 tỷ đồng và -140,469 tỷ đồng (căn cứ vào BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2018 và 2019) thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo qui định của SGDCK TP.HCM.

Theo đó, cổ phiếu DTL sẽ bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận) từ ngày 27/4/2020.

Được biết, ngày 22/4/2019, HoSE đã ban hành quyết định số 132/QĐ-SGDHCM đưa cổ phiếu DTL vào diện cảnh báo.

Dây chuyền sản xuất tôn DTL

Nói về sự phát triển của Đại Thiên Lộc, công ty này tiền thân là Công ty TNHH Đại Thiên Lộc, được thành lập từ năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng. Sau 10 lần tăng vốn, hiện doanh nghiệp này đang hoạt động với mức vốn góp 614 tỷ đồng.

Ở thời điểm đó, bên cạnh những tên tuổi lớn trong ngành như Tôn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam, Đại Thiên Lộc cũng thuộc nhóm "Ngũ đại gia" của ngành tôn mạ Việt Nam.

Năm 2010, cổ phiếu DTL của Đại Thiên Lộc lên sàn HOSE với hành trang 4 năm liền tăng trưởng, đánh dấu thời kì hoàng kim của DTL. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế từ 514 tỷ và 28 tỷ đồng năm 2007 đã nhảy vọt lên 1.814 tỷ đồng và 188 tỷ đồng năm 2010.

Từ 2010-2016, hoạt động sản xuất dần thế chỗ hoạt động thương mại, chiếm tỉ trọng khoảng 60 – 70% trong cơ cấu doanh thu. Cùng thời điểm, thị trường bất động sản xây dựng trong nước trở lại mạnh mẽ làm tăng nhu cầu thép tiêu thụ, giá giá cả sắt thép tăng trong gần suốt năm đã giúp Đại Thiên Lộc thu được những khoản lợi nhuận kết xù. Năm 2016, lợi nhuận của Đại Thiên Lộc đạt mức kỉ lục kể từ khi thành lập.

Bước sang năm 2017, DTL tiếp tục thiết lập kỉ lục mới về lợi nhuận. Giá cổ phiếu DTL cũng tăng phi mã kể từ năm 2016 và kéo dài đến tháng 4/2018, có thời điểm vượt lên trên 55.000 đồng/cổ phiếu (gấp 5,4 lần so với mức giá cuối năm 2015).

Bắt đầu từ năm 2018, việc xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm sút do các thị trường chính như Indonesia, Thái Lan giảm mạnh do thuế phòng vệ. Thị trường trong nước cũng bị cạnh tranh bởi cả 2 ông lớn ngành thép xây dựng là Hoà Phát và Pomina cũng đã nhảy vào cuộc chơi. Đại Thiên Lộc dần dần bị “bóp nghẹt” trên chiến trường tôn, thép.

Vào tháng 9/2019 - gần 10 năm kể từ ngày niêm yết cổ phiếu trên sàn, HĐQT công ty này cho biết đã nhóm họp và thông qua phương án lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về việc huỷ niêm yết tự nguyện trên HOSE. Sau đó, cổ phiếu DTL sẽ được đăng kí giao dịch trên UpCOM. Kết quả của cuộc nhóm họp sau đó là không thông qua việc này khi chỉ có 0.02% số phiếu biểu quyết “Đồng ý” của các cổ đông không phải là cổ đông lớn.

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019, tổng tài sản của DTL là hơn 2.793 tỷ đồng (giảm 1,18% so với năm 2018), doanh thu thuần đạt hơn 2.513 tỷ đồng (giảm 37,6% so với năm 2018). Sau khi trừ hết vốn và chi phí, doanh nghiệp này lỗ hơn 140,469 tỷ đồng trong năm tài chính vừa qua.

Thu Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến