Dòng sự kiện:
Vì sao bảo tàng Hà Nội chậm trưng bày trong 10 năm?
07/06/2020 09:42:21
Do thủ đô mở rộng địa giới hành chính và việc sưu tầm hiện vật gặp khó, nên 10 năm sau khi khánh thành, bảo tàng Hà Nội vẫn chưa trưng bày xong.

Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Tiến Đà, giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, đơn vị đang nỗ lực để hoàn thành trưng bày nội thất, sớm mở cửa đón khách tham quan.

Vì sao sau 10 năm kể từ khi khánh thành, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất, thưa ông?

Việc xây dựng bảo tàng Hà Nội chia thành hai giai đoạn, toà nhà đã hoàn thành và khánh thành năm 2010. Giai đoạn tiếp theo là thi công trưng bày nội thất, thì đến nay chưa hoàn thành.

Một trong những nguyên nhân khách quan là từ năm 2008, TP Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nên bảo tàng phải thay đổi kế hoạch trưng bày, làm sao bao trùm được cả địa bàn. Các hiện vật trưng bày phải thể hiện được văn hoá Thăng Long, Xứ Đoài, các vùng phụ cận khác.

Việc điều chỉnh nội dung và bổ sung thêm hiện vật tốn nhiều thời gian, sau đó còn phải lên kế hoạch thiết kế thi công nội thất.

Đơn cử, để tái hiện tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, tôi về huyện Ba Vì, mất hai tháng mới sưu tầm được một kết cấu gỗ mà các cụ già làng sửa đình Tây Đằng không còn dùng đến. Hoặc khi sưu tầm kiệu bát cống đã hỏng ở Ninh Sở (Thường Tín) để phục chế lại, tôi làm công văn gửi Sở, huyện, xã, nhưng khi về đến nơi thì dân làng nhất quyết không cho, bởi coi đây là "hiện vật nghìn đời cha ông để lại". Sau đó, tôi phải mời các cụ đến tận nơi để tham quan bảo tàng và chứng kiến cách bảo quản hiện vật, thì mới được đồng ý.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Thứ hai, đề cương trưng bày là kịch bản văn học nhưng khi chuyển thể sang ngôn ngữ bảo tàng thì không dễ dàng, bởi phải có yếu tố chứng minh lịch sử bằng hiện vật, hình ảnh, thước phim, thuyết minh. Khi bắt tay vào thiết kế, các chuyên gia thấy rằng bảo tàng thiếu quá nhiều hiện vật, nên không thể làm được.

Nhiều người thấy vậy hỏi sao chúng tôi không đóng sẵn tủ, bục, bệ để sau này có hiện vật thì trưng bày thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng câu chuyện trong bảo tàng phải có tính logic và mối liên kết giữa hiện vật và không gian trưng bày, nên không thể làm thế được. Bảo tàng cũng không thể mang các cuốn sách lịch sử ra để giới thiệu với công chúng mà phải tái hiện bằng những câu chuyện gắn liền với hiện vật.

Từ năm 2016, thành phố điều chỉnh dự án nội dung trưng bày để phù hợp với tình hình thực tế của bảo tàng. Sau đó, chúng tôi mời nhiều chuyên gia bảo tàng, lịch sử, văn hoá... để cùng tham gia thiết kế nội thất.

Những năm qua, bảo tàng hoạt động ra sao?

Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi liên tục thay đổi mô hình tổ chức. Lãnh đạo thành phố qua các nhiệm kỳ đều ủng hộ, mong muốn Bảo tàng Hà Nội phát triển.

Nhưng trước năm 2017, Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội trực thuộc sở Xây dựng. Sau đó, thực hiện tinh giản đầu mối, nên các dự án chuyên ngành chuyển về trực thuộc UBND thành phố. Riêng Bảo tàng Hà Nội là dự án đặc thù, nên chuyển về Sở Văn hoá, Thể thao. Từ năm 2017 đến nay, thành phố giao bảo tàng làm chủ đầu tư dự án, nên công việc thuận lợi hơn.

Từ khi khánh thành, Bảo tàng Hà Nội vẫn mở cửa đón khách tham quan miễn phí và tổ chức trưng bày chuyên đề. Đồng thời, chúng tôi tích cực nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật, phát động người dân hiến tặng cho bảo tàng. Chúng tôi nhận được nhiều hiện vật có giá trị kinh tế, lịch sử và sưu tầm được hơn 3.000 tài liệu ảnh từ các bảo tàng lớn trên thế giới. Các hiện vật hôm nay đều là công sức của quá trình sưu tầm kéo dài từ năm 2014.

Trước khi đóng cửa, mỗi năm bảo tàng đón khoảng 100.000 khách tham quan, chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Từ đầu năm đến nay, do Covid-19 nên lãnh đạo thành phố thấy cần đóng cửa bảo tàng để tập trung nguồn lực hoàn thành trưng bày nội thất. Vì vậy bảo tàng đóng cửa từ giữa tháng 5.

Nói như vậy để thấy trong những năm qua, chúng tôi vẫn làm việc chứ không phải ngồi chơi.

Từ khi khánh thành, bảo tàng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và các chuyên gia. Nhưng vì vẫn còn trưng bày tạm, nên hiện vật không phong phú, chưa thoả mãn được khách tham quan, chưa thu hút thêm lượt khách qua các năm mà chỉ duy trì ở mức ổn định. Đó là hạn chế, nhưng do chúng tôi vừa phải tập trung chuẩn bị cho dự án thi công trưng bày nội thất. Vì duy trì cả hai công việc nên chắc chắn không thể làm tốt được.

Nội dung trưng bày sắp tới của bảo tàng thế nào?

Hiện chúng tôi đã sưu tầm được hơn 7.000 hiện vật, tài liệu, phim ảnh để phục vụ thi công nội thất. Thiết kế trưng bày tổng thể đã được phê duyệt, chỉ còn chờ thiết kế chi tiết từng phần.

Chúng tôi dự kiến trưng bày hiện vật theo bảy chủ đề. Đầu tiên là thiên nhiên Hà Nội, gồm cảnh quan, đời sống thực vật, đất đai, địa chất. Đi cùng với cam Canh, bưởi Diễn sẽ có giải thích cụ thể về lịch sử, thổ nhưỡng về những vùng đất này.

Hành trình đến Thăng Long tái hiện lịch sử hình thành đất kinh đô xưa, từ những cư dân đầu tiên gắn với các tầng văn hoá như Đông Sơn, trống đồng. Giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc cũng được tái hiện lại.

Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt là chủ đề được kỳ vọng sẽ tạo ấn tượng nhất với các giảng võ đường là nơi tập luyện của lực lượng quân sự thời kỳ phong kiến. Nhiều hiện vật, tư liệu, đoạn phim phỏng vấn... sẽ lý giải vì sao Thăng Long trở thành trung tâm quyền lực và chính trị.

Tầng 3 của bảo tàng sẽ kể câu chuyện về Hà Nội xưa cũ, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như làng nghề, phố nghề, hình ảnh thành phố thuộc địa với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo.

Kháng chiến giành độc lập (1873-1954) tái hiện những cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta từ khi Pháp nổ súng xâm lược, đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời và những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

Kháng chiến chống Mỹ gợi nhớ lại cuộc sống Hà Nội thời chiến, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, thời khắc người Hà Nội đón mừng tin thống nhất nước nhà trong ngày 30/4/2975. Thời kỳ tiếp theo điểm nhấn là đời sống Hà Nội thời kỳ bao cấp. Rồi đến trưng bày Hà Nội trên đường đổi mới, về cuộc sống thủ đô đương đại và tương lai.

Riêng trưng bày chuyên đề trên tầng 4 sẽ thay đổi chủ đề thường xuyên như những bức thư người lính ở các bên chiến tuyến, Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội...

Bảo tàng Hà Nội dừng đón khách tham quan từ giữa tháng 5/2020 để thi công trưng bày nội thất. Ảnh: Giang Huy

Ông kỳ vọng điều gì khi bảo tàng hoàn thành trưng bày nội thất, mở cửa đón khách tham quan trở lại?

Theo kế hoạch, chúng tôi bắt đầu thi công từ tháng 8, dự kiến đến giữa năm 2021 sẽ hoàn thành, cuối năm 2021 sẽ mở cửa đón khách tham quan trở lại.

Bảo tàng sẽ hướng tới phục vụ chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên, khách du lịch quốc tế.

Thời gian này, chúng tôi sẽ tập trung thi công dự án và đào tạo cán bộ thuyết minh, vận hành để tiến tới làm chủ, tự vận hành tất cả các khâu của bảo tàng. Đồng thời, đội ngũ tiếp thị các sản phẩm trải nghiệm của bảo tàng cũng được xây dựng.

Các đối tượng khách sẽ được phân tích kỹ lưỡng về sở thích, văn hoá, thói quen để có phương án tiếp thị phù hợp.

Khi mở cửa trở lại, bảo tàng đồng thời sẽ đưa vào hoạt động hệ thống sân vườn phục vụ khách nghi ngơi; có các chương trình để khách thưởng thức di sản phi vật thể; khu thực cảnh về những năm B52 Mỹ đánh phá khu phố Khâm Thiên... Chúng tôi cũng sưu tầm được một đầu tàu hoả để tái hiện tổ hợp ga Hàng Cỏ xưa.

Bảo tàng là kể câu chuyện khoa học chứ không đơn giản là có hiện vật nào thì bày ra để công chúng xem. Xây dựng xong phần trưng bày nội thất đã rất khó khăn, nhưng làm sao để bảo tàng hấp dẫn công chúng, thu hút được nhiều khách tham quan lại là bài toán khó hơn mà chúng tôi đang từng bước tìm lời giải.

Dự án Bảo tàng Hà Nội được đầu tư khái toán với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn một dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010 (trị giá 1.600 tỷ đồng). Giai đoạn hai gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng sau đó được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.

Ngày 14/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn trả lời chất vấn của bà Dương Minh Ánh (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), nêu rõ, Bảo tàng Hà Nội khánh thành từ năm 2010, nhưng phải bổ sung, điều chỉnh lớn, gần như cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, do việc mở rộng phạm vi hành chính của thủ đô, nên đến nay vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (trong đó có hệ thống bảo tàng) chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình.

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến