Dòng sự kiện:
Vì sao đề xuất giải Nobel Hòa bình cho ông Trump gây tranh cãi?
06/05/2018 08:40:56
Việc Tổng thống Donald Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những cống hiến cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã vấp phải nhiều tranh cãi trái chiều từ chính nội bộ nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump mới đây đã chính thức được đề cử cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của ông trong việc giải quyết tình hình căng thẳng liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Một nhóm gồm 18 nghị sĩ Cộng hòa, những người ủng hộ Tổng thống Trump mạnh mẽ nhất tại Hạ viện, ngày 3/5 đã gửi một bức thư tới Ủy ban Nobel Na Uy để kêu gọi xem xét trao giải thưởng này cho nhà lãnh đạo Mỹ vào năm tới, nhằm ghi nhận

“những đóng góp không mệt mỏi của ông trong việc mang lại hòa bình cho thế giới”.

Đề xuất này khiến Tổng thống Trump cảm thấy hài lòng. Vị doanh nhân 71 tuổi chưa từng có kinh nghiệm về chính trị, quân sự cũng như ngoại giao trước khi đặt chân tới Nhà Trắng lâu nay vẫn luôn khao khát một điều rằng những nỗ lực của ông sẽ được ghi nhận.

“Điều đó rất tuyệt, cảm ơn các bạn. Thực sự rất tuyệt vời”, Tổng thống Trump mỉm cười trong khi những người ủng hộ ông tại lễ mít tinh ở Michigan hôm 28/4 không ngừng hô “Nobel! Nobel!”.

“Tôi chỉ muốn hoàn thành công việc”, ông Trump nói tiếp sau khi phát âm trìu mến từ “Nobel”.

3 ngày sau đó tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Trump một lần nữa quay lại chủ đề này. Nhà lãnh đạo Mỹ ca ngợi “sự hào phóng” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi đề xuất ông, thay vì đề xuất chính mình, làm ứng viên cho giải Nobel Hòa bình danh giá.

“Tôi trân trọng điều đó nhưng điều cốt yếu là phải biến điều đó thành hiện thực. Tôi muốn đạt được nền hòa bình”, ông Trump nói.

Trong thư gửi Ủy ban Nobel Na Uy, các nghị sĩ Mỹ cho biết Triều Tiên từ lâu đã phớt lờ những đề nghị của cộng đồng quốc tế về việc dừng các hành động khiêu khích, nhưng chính cách tiếp cận hòa bình thông qua các chính sách của ông Trump đã phát huy hiệu quả và đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán. Các nghị sĩ khẳng định chính quyền Trump đã đóng vai trò kết nối Trung Quốc và các quốc gia khác trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên.

"Kể từ khi nhận nhiệm sở, Tổng thống Trump đã làm việc không mệt mỏi với chính sách gây sức ép tối đa lên Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình vũ khí của họ và mang lại hòa bình cho khu vực. Chúng ta không thể tìm được ai xứng đáng hơn Tổng thống Trump để được Ủy ban Nobel công nhận vào năm 2019”, nghị sĩ Cộng hòa bang Indiana Luke Messer viết trong thư gửi Ủy ban Nobel Hòa bình.

Sự hoài nghi


Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất trao giải Nobel Hòa bình cho người đồng cấp Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Bầu không khí hòa dịu bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên trong những tháng gần đây cùng hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như triển vọng phi hạt nhân hóa đã làm dấy lên nhiều hy vọng về bước ngoặt lịch sử trong khu vực.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để dự đoán kết quả của các cuộc đàm phán với Triều Tiên - quốc gia theo đường lối cứng rắn suốt hàng chục năm qua. Đây cũng là lý do khiến đề xuất giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump trở thành chủ đề gây tranh cãi.

“Thật bất thường khi đề cập quá sớm đến việc sẽ trao cho ai giải Nobel Hòa bình. Nhưng nếu chính sách ngoại giao hiện thời đi đúng hướng, viễn cảnh này có thể hiểu được”, Aaron David Miller, nhà ngoại giao và nhà đàm phán Mỹ từng làm việc với các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa, nhận định.

Đề xuất trao giải Nobel Hòa bình cũng phản ánh cuộc tranh cãi đang diễn ra về vai trò chính xác của tổng thống Mỹ trong các cuộc đàm phán ngoại giao. Chính trường Mỹ chia làm hai phe, trong đó một bên khẳng định Tổng thống Trump không đóng vai trò gì trong tiến trình hòa hoãn hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và bên còn lại nói rằng tiến trình hòa hoãn này có được không nhờ điều gì khác ngoài sự can thiệp của ông Trump.

Theo ông Miller, trong một môi trường chính trị lúc nào cũng sôi sục như ở Mỹ khi “một đảng gần như không thể tín nhiệm đảng còn lại”, cá tính đặc biệt của Tổng thống Trump và lối suy nghĩ thiên về “cái tôi” hơn là “chúng ta” càng khiến cho cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng.

“Sự ác cảm của đảng Dân chủ trong việc trao giải Nobel cho Tổng thống Trump cũng khiến sự ác cảm nhằm vào chính bản thân ông ấy tăng lên”, ông Miller nhận định.

Trong khi đó, đối với những người ủng hộ nhiệt thành Tổng thống Trump, hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bằng chứng cho thấy ông Trump có thể phá vỡ mọi rào cản, thay đổi luật chơi ngoại giao và thành công trong chính lĩnh vực mà những người tiền nhiệm của ông không thể làm được.

Ngược lại, đối với những người không ưa Tổng thống Trump, các hành động của chính quyền non trẻ, việc chối bỏ với các trụ cột của cơ chế đa phương, phong cách khoa trương cùng những phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump sẽ là những “điểm trừ” khiến ông bị loại khỏi cuộc đua giành giải thưởng Nobel Hòa bình cao quý.

Trước đó, việc cựu Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, được trao giải Nobel Hòa bình chỉ vài tháng sau khi nhận nhiệm sở, cũng tạo ra nhiều bất ngờ và vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận.

“Tôi mới đang ở giai đoạn bắt đầu, chứ chưa phải kết thúc, nhiệm vụ của tôi trên trường quốc tế”, ông Obama nói hồi tháng 12/2009 ở Oslo sau khi thừa nhận có “cuộc tranh cãi đáng kể” xung quanh quyết định của Ủy ban Nobel Na Uy về việc trao giải Nobel Hòa bình dù ông mới nhậm chức.

Ngoài ông Obama, có 3 cựu Tổng thống Mỹ từng nhận giải thưởng này là Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson và Jimmy Carter.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến