Vì sao Vietnam Airlines dừng khai thác dòng máy bay ATR72?
03/08/2016 14:39:09
Vietnam Airlines đã quyết định sẽ dừng khai thác dòng máy bay ATR từ năm 2016, xin kết thúc trước hạn hợp đồng 12 năm thuê 5 máy bay ATR 72 – 500 với công ty cho thuê máy bay VALC.

Tin liên quan

Ảnh minh họa.

Sứ mệnh lịch sử của tàu bay ATR72 đã kết thúc

Hiện Vietnam Airlines đang sử dụng tổng số 90 máy bay thuộc các dòng Boeing 787 (có 274 ghế), Boeing 777 (có 309 ghế), Airbus A350 (có 305 ghế), Airbus A330 (có 269 ghế), Airbus A321 (có 184 ghế) và ATR 72 (có 68 ghế).

Trong đó, loại máy bay nhỏ ATR 72 có đến 15 chiếc. Đây là máy bay sử dụng động cơ turbine cánh quạt với ưu điểm tiêu thụ ít nhiên liệu, ít gây ồn, chi phí sản xuất, duy tu bảo dưỡng và thời gian bảo trì cũng ít hơn. Máy bay bị giới hạn về tốc độ hoạt động, do đó chỉ sử dụng trên những tuyến đường ngắn.

Song, với xu thế của thời đại, hầu hết các sân bay hiện nay đã được nâng cấp để đón các máy bay phản lực. Động cơ turbine phản lực được xem là cuộc cách mạng trong lĩnh vực hàng không khi tạo ra lực đẩy cực lớn, góp phần làm tăng tốc độ bay và khả năng chuyên chở của máy bay.

Trong bối cảnh vận chuyển bằng hàng không đang tăng trưởng rất mạnh, việc khai thác dòng máy bay nhỏ ATR trở nên kém ưu thế và Vietnam Airlines đã quyết định sẽ dừng khai thác dòng máy bay ATR từ năm 2016, xin kết thúc trước hạn hợp đồng 12 năm thuê 5 máy bay ATR 72 – 500 với công ty cho thuê máy bay VALC.

Trong báo cáo thường niên 2016, hãng hàng không này cho biết sẽ đầu tư đổi mới đội tàu bay theo hướng đầu tư trực tiếp vào chủng loại tàu bay hiện đại, công nghệ cao nhằm nâng cao hình ảnh, cũng như khả năng tiết kiệm chi phí sản xuất. Theo đó, sẽ thay thế dần đội tàu bay A330, B777 bằng những thế hệ tàu bay mới như A350, B787.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Dũng, Chánh văn phòng của Vietnam Airlines cho biết: sứ mệnh lịch sử của dòng ATR đến đây là kết thúc. Vietnam Airlines đã khai thác đội tàu bay ATR72 20 năm qua một cách hiệu quả tới các sân bay địa phương, huyện đảo chưa được nâng cấp để tiếp nhận máy bay phản lực, và các tuyến bay ngắn, ít khách. Trong thời gian gần đây, các sân bay đã được tích cực nâng cấp nên không còn bị hạn chế chỉ khai thác được các máy bay nhỏ. Trong khi đó, lượng khách đi máy bay ngày càng tăng lên mạnh, dẫn đến việc khai thác các máy bay nhỏ cũng không còn hiệu quả kinh tế như trước đây. Loại bỏ dòng ATR72 và tập trung vào các dòng máy bay hiện đại, công nghệ mới, thân thiện với môi trường để mang lại dịch vụ tốt hơn cho khách hàng là điều cần phải làm.

Tuy vậy, việc loại bỏ ATR 72 khỏi đội bay cũng không suôn sẻ ngay. Việc đề nghị dừng hợp đồng từ phía Vietnam Airlines đã được VALC chấp thuận, nhưng theo báo cáo tại Đại hội cổ đông thường niên của VALC, việc này đang gặp khó khăn trong khâu chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan.
VALC cũng cho biết việc chấm dứt hợp đồng này sẽ buộc VALC phải báo để trả nợ trước hạn và dự kiến sẽ phát sinh chi phí phạt khá lớn đối với các ngân hàng và các cơ quan bảo lãnh tính dụng xuất khẩu. Do các tàu bay hiện không thuộc sở hữu của VALC, Công ty chỉ có thể thực hiện thanh lý máy bay sau khi trả toàn bộ số nợ gốc còn lại kèm lãi cho ngân hàng – khoảng 45 triệu USD tiền gốc và khoảng 2,5 triệu USD chi phí phạt.

Trong khi đó, giá khởi điểm cho 5 tàu bay nói trên khoảng 48 triệu USD. VALC chưa có kinh nghiệm trong việc thanh lý máy bay, việc tìm kiếm đối tác mua máy bay vì vậy có thể kéo dài. Đó là chưa kể, ATR 72-500 kém ưu thế trong bối cảnh hiện tại và không biết có bán được không.

Hiện tại, theo thông tin mới nhất từ Vietnam Airlines trao đổi với chúng tôi, việc chấm dứt khai thác dòng máy bay ATR này cơ bản đã hoàn tất và không còn vướng mắc gì.

Air Mekong "chết" vì chọn sai tàu bay

Trong kinh doanh hàng không, việc chọn tàu bay loại gì là yếu tố cực kỳ quan trọng tới thành công. Nhân việc Vietnam Airlines quyết định dừng khai thác dòng máy bay ATR72, chúng ta hãy xem xét câu chuyện của Air Mekong dưới đây.

Ngày 6/1/2015, hãng hàng không Air Mekong chính thức bị khai tử khỏi thị trường hàng không Việt Nam sau gần 2 năm xin tạm ngừng khai thác để tái cơ cấu đội tàu bay. Với hình ảnh đại diện là chú sếu đầu đỏ - loài chim cao nhất trong số các loài chim biết bay trên trái đất, Air Mekong từng được rất nhiều hành khách kỳ vọng sẽ là hãng hàng không tư nhân tạo nên được sự khác biệt trong dịch vụ cho khách hàng.

Thực sự, Air Mekong đã làm được điều đó khi chọn loại máy bay khác biệt và những đường bay “ngách”. Nhưng chính việc chọn máy bay đó lại là một trong những sai lầm dẫn đến sự tan biến của hãng hàng không này.

Để tránh cạnh tranh với Vietnam Airlines, Sếu đầu đỏ đã chọn chiến lược “thị trường ngách”, tức tập trung vào các tuyến có điểm đến là Phú Quốc, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo. Loại máy bay mà hãng này lựa chọn là Bombardier CRJ900 - thích hợp bay chặng ngắn, vừa phù hợp với chiến lược nói trên, vừa tạo sự khác biệt với các loại máy bay thông dụng ở Việt Nam như Airbus, Boeing hay ATR72.

So với ATR72, Bombardier CRJ900 có tải trọng và tốc độ lớn hơn hẳn với 90 ghế ngồi (ATR72 chỉ có 68 ghế). Tuy nhiên, so với loại có kích cỡ tương đương như Airbus 320 (có 138 ghế) thì loại máy bay của Canada này chỉ có lượng ghế bằng một nửa dù giá thuê không rẻ hơn quá nhiều.

Trong khi đó, chi phí vận hành đội bay của Air Mekong rất lớn. Phục vụ được ít khách, nhưng các chi phí về phi công, tiếp viên, dịch vụ mặt đất ... hãng vẫn phải bỏ ra tương đương các loại máy bay khác.

Thu không đủ bù chi. Việc thua lỗ đối với một hãng hàng không tư nhân còn non trẻ là điều tất nhiên, nhưng có lẽ đã vượt quá sức của Sếu đầu đỏ.

Do đó, với tay kinh doanh hàng không lão luyện như Vietnam Airlines, việc loại bỏ ngay dòng máy bay nhỏ, hiệu quả thấp trong bối cảnh hiện nay là quyết định kịp thời.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến