Dòng sự kiện:
Victor Lustig: Siêu lừa hai lần bán tháp Eiffel
25/12/2015 10:23:10
ANTT.VN – Thông thạo 5 thứ tiếng, sở hữu vẻ bề ngoài bắt mặt, lịch lãm, không ai ngờ rằng đằng sau bức bình phong hoàn hảo đó lại là một trong những siêu lừa khét tiếng nhất thế kỉ XX…

Tin liên quan

Vào một đêm chủ nhật tháng 5/ 1935, Victor Lustig đang tản bộ ở Broadway trên khu phố nhà giàu bờ tây New York. Đầu tiên, những đặc vụ của cơ quan Mật vụ Mỹ không thể chắc chắn đó có thực sự là ông ta hay không. Họ đã hì hục theo dõi y trong 7 tháng, cố để tìm hiểu một chút gì đó về người đàn ông lịch lãm nhưng đầy bí ẩn này.

Bộ râu mới nuôi của Lustig suýt chút nữa đánh lừa họ. Phải cho tới khi y lật cái cổ áo nhung trên chiếc áo khoác Chesterfield hàng hiệu và bước một cách vội vã, những đặc vụ mới có thể xác định và ào ra bắt đối tượng.

Bị bao vây, Victor Lustig mỉm cười,  bình tĩnh giao nộp va li trên tay.

“Smooth- xảo quyệt, lươn lẹo” là cách mà đội đặc nhiệm đã miêu tả ông ta sau nhiều năm truy đuổi. Đây cũng là lần đầu tiên một tổ chức an ninh có thể tiếp cận tên tội phạm có biệt danh “Bá Tước”  gần tới thế.

Với chiếc va li trong tay, cơ quan mật vụ hi vọng họ có thể tìm được những ghi chú hay chí ít là manh mối dẫn tới hoạt động chuyển tiền đen từ người dàn ông này. Tuy nhiên thứ duy nhất xuất hiện trong vali chỉ là những bộ quần áo đắt tiền vốn là sở thích của siêu lừa.

Cuối cùng, họ tìm thấy một chiếc chìa khóa trên người ông ta. Sau nhiều ngày tra hỏi, manh mối duy nhất này cuối cùng cũng dẫn các đặc vụ đến một két sắt nằm dưới ga tàu địa ngầm trong lòng Quảng trường Thời Đại, chứa bên trong là một “cứ địa” của Victor Lustig: 51000$ trong những tờ ngân phiếu giả,những khuôn mẫu in tiền giả và một vài các giấy tờ cá nhân được làm giả dưới nhiều cái tên khác nhau.

Đây cũng chính là điểm bắt đầu cho hồi kết của một trong những siêu lừa nổi tiếng nhất thế kỉ XX, đồng thời cũng là nhân vật chính trong rất nhiều tiểu thuyết, nổi bật nhất có thể kể tới The Great Impersonation của nhà văn E. Oppenheim.

Cuộc đời siêu lừa Victor Lustig gắn liền với số phận tháp Eiffel.

Thông thạo 5 thứ tiếng…

Sinh năm 1890 tại Bohemia thuộc Đế quốc Áo-Hung vào thời điểm đó, cho tới lúc tốt nghiệp phổ thông Lustig đã thông thạo 5 thứ tiếng: Séc, Anh, Pháp, Đức, Ý. Sau một thời gian lang thang khắp châu Âu, Lustig quyết định ở lại Paris. Sống tự do giữa “Thủ đô cùa châu Âu” là mơ ước của bất cứ thanh niên ở độ tuổi 19,20 nào vào thời điểm đó, và đối với Lustig cũng không phải ngoại lệ.

Với vẻ ngoài tuấn tú, thông minh và quyết đoán, Victor Lusitg rất được các quý cô, quý bà giàu sang để ý, bởi vậy hắn đã quyết định dấn thân vào nghề "dắt gái", vốn mang lại nhiều "lợi nhuận" mà không cần “vốn” đầu tư. Nhưng vì làm ăn quá liều lĩnh nên Victor Lusitg liên tục “vào tù ra tội” với cáo buộc lừa đảo và ăn cắp vặt.

Ra tù, Victor rời Paris. Nhiều năm sau đó hắn thường xuyên đi lại trên những chuyến tàu biển giữa Paris và New York. Được một người bạn dạy cho cách chơi bạc bịp, Victor Lusitg chẳng mấy chốc đã trở thành kẻ cầm đầu đường dây bạc bịp trên những chuyến tàu thủy xuyên Đại Tây Dương ấy, kiếm được không ít tiền từ những vị khách giàu có nhưng cả tin.

Chiến tranh Thế giới thứ Nhất đã khiến những chuyến tàu du lịch không còn là nơi lý tưởng để hắn tiếp tục kiếm tiến phi pháp nữa, nên Victor Lusitg quyết định bỏ sang Mỹ tìm vận may. Tại Mỹ, Victor Lusitg đã sử dụng tối đa vẻ quyến rũ bề ngoài của hắn và mọi mánh khoé gian lận để kiếm tiền bao gồm lừa đảo lẫn làm giả tiền hay ngân phiếu. Vì vậy, chẳng bao lâu Victor Lusitg trở nên giầu có từ những nguồn thu nhập bất chính.

Tuy nhiên công việc sau này trở nên khó khăn hơn khi y bắt đầu bị các mật vụ FBI để ý. Năm 1925, đánh hơi được những nguy hiểm cận kề, Victor Lustig quyết định trở lại Paris.

Trở về mái nhà xưa, Victor Lustig tình cờ đọc được thông tin tháp Eiffel khi đó sẽ bị phá bỏ nếu không có đủ kinh phí sửa chữa. Ý tưởng về một vụ lừa đảo “kinh thiên động địa” ngay lập tức lóe lên trong đầu y. Nghĩ là làm, cùng với người bạn thân Dan Collins, Lustig chuẩn bị các loại giấy tờ giả và mời 6 nhà tư bản ngành luyện kim đến khách sạn sang trọng Crillon trên quảng trường Concorde để bàn bạc về số phận tháp Eiffel.

Hai lần lừa bán tháp Eiffel

Trong vai Thứ trưởng Bộ Bưu điện Pháp, Victor Lustig nói với các nhà tư bản rằng do chi phí sửa chữa tháp quá cao, Chính phủ quyết định bán tháp Eiffel “làm sắt vụn” thông qua một cuộc đấu giá kín, với lý do để tránh những người yêu mến tháp Eiffel phản đối.

Giá khởi điểm mà vị "đại diện chính phủ" đưa ra rất “mềm” so với giá thị trường. Để giành được quyền tháo dỡ, triệu phú Andre Poisson đã không chần chừ đưa cho Lustig tấm séc trị giá 50 ngàn USD. Đúng ngày đã định, Andre Poisson dẫn công nhân đến chân tháp Eiffel. Xô xát xảy ra nhưng mọi chuyện sau đó được giải quyết rõ ràng. Khi đó Andre Poisson mới biết mình bị lừatrắng 50 ngàn đô la.

Sau cú lừa ngoạn mục, Victor Lustig cùng Dan Collins trốn sang Áo. Được một thời gian, “quen ăn bén mùi”, cả hai quay về Paris với ý định tìm những nhà buôn sắt vụn khác. Nhưng vì bị cảnh sát theo dõi gắt gao nên Victor Lustig cùng Dan Collins lại chạy sang New York.

Trong những năm ở Mỹ, siêu lừa có biệt danh bá tước này tiếp tục lập những “chiến tích” như làm trái phiếu giả hay lừa cả ông trùm New York thời đó Al Capone hàng chục ngàn đôla. Tuy việc lừa “ Bố già” khiến Victor Lustig khốn khổ một thời gian và phải trở về Paris lánh nạn.

Trong khoảng thời gian này, bằng những mánh cũ, y lại một lần nữa lừa bán tháp Eiffel và tiếp tục thành công, thu được gần 75 ngàn USD tiền mặt, chứng tỏ tài năng của một trong những kẻ lừa đảo vĩ đại nhất thế kỉ XX.

Cho dù đạt được đỉnh cao “danh vọng” sau khi 2 lần thành công trong việc lừa bán tháp Eiffel, nhưng chính điều này cũng khiến cho Interpol và FBI trở nên nghiêm túc hơn trong việc truy bắt Lustig. Không lâu sau đó, Lustig bị bắt ở Mĩ vì tội làm tiền giả. Chịu mức án lên 15 năm, ông ta còn phải chịu thêm 5 năm vì tội trốn tù trước đó.

Năm 1947, Victor Lustig chết tại nhà tù Alcatraz ở California vì bệnh sưng phổi. Vụ lừa đảo của Lustig được ghi lại trong cuốn sách The Man Who Sold the Eiffel Tower (Người đàn ông bán tháp Eiffel) của James F. Johnson và Floyd Miller, nhà xuất bản Doubleday phát hành năm 1961. Năm 1964, Claude Chabrol thực hiện bộ phim dựa trên câu chuyện này với tựa đề Les Plus Belles Escroqueries du monde (Cú lừa “đẹp” nhất thế giới)

T.Q

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến