- Ông đánh giá thế nào về thực trạng già hóa dân số ở Việt Nam?
- Cơ cấu dân số vàng là trẻ em (0-14 tuổi) nhỏ hơn 30%, người trên 65 tuổi nhỏ hơn 15% tổng dân số. Dân số già khi số người trên 65 tuổi chiếm hơn 10%; dân số rất già khi người trên 65 tuổi chiếm hơn 20%; dân số siêu già khi người trên 65 tuổi chiếm hơn 30%.
Ở Việt Nam, quá trình già hóa dân số (khi tỷ lệ người già trong cơ cấu dân số tăng nhanh) bắt đầu từ cuối những năm 1980, sau 5 thập kỷ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, cả nước đã thành công trong mục tiêu giảm sinh. Nếu năm 1979, trung bình một phụ nữ có 3,5 con, nhưng sau 10 năm chỉ còn 2,6. Đến năm 2019, tổng tỷ suất sinh (số con của một phụ nữ) chỉ còn 2,09, thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 (trung bình mỗi phụ nữ có 2,1 con).
Tuổi thọ của người Việt Nam những năm gần đây được cải thiện rất nhanh, nên số người cao tuổi tăng nhanh. Là nước thu nhập trung bình thấp nhưng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam gần 74.
Trong 10 năm qua, dân số cả nước tăng 11 triệu thì đồng thời số người già cũng tăng gần 4 triệu. Đây là mức tăng dân số già rất cao so với các nước trong khu vực, gần bằng Thái Lan. Cả nước hiện có 11,4 triệu người hơn 60 tuổi, chiếm gần 12% dân số. Chỉ số già hóa tăng từ 36% năm 2009 lên gần 49% năm 2019.
Từ năm 2026, tỷ trọng người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 10%, Việt Nam chấm dứt cơ cấu dân số vàng tồn tại từ năm 2007 và bước vào thời kỳ dân số già. Đến năm 2039, số người hơn 65 tuổi sẽ chiếm hơn 15% tổng dân số và kéo dài đến năm 2054. Từ năm 2054 là dân số rất già.
- Dân số già ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước?
- Hiện Việt Nam mới là nước có thu nhập trung bình thấp nên dân số già hóa nhanh là thách thức rất lớn nếu không duy trì được tăng trưởng và tăng thu nhập bình quân.
Một thách thức nữa là tuổi thọ trung bình cao nhưng chỉ số tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam còn thấp, số năm ốm đau, bệnh tật nhiều. Tuổi thọ trung bình người Việt Nam cao bằng Thái Lan, Malaysia, nhưng số năm ốm đau trung bình của một người thì nhiều hơn. Chúng ta sống thọ nhưng không khỏe.
Thu nhập chủ yếu của người già ở Việt Nam hiện nay phần lớn dựa vào sức lao động của họ (30%), dựa vào con cháu (30%). Số người sống bằng các nguồn lực an sinh xã hội như lương hưu, bảo hiểm xã hội... chỉ chiếm 20%. Đây là nguy cơ khi bước vào thời kỳ dân số già, số con trong các gia đình ít, nhưng phải chăm sóc nhiều người già. Nếu trước đây mỗi gia đình thường ba, bốn người con chăm sóc bố mẹ thì với xu hướng sinh ít con như hiện nay, sau này mỗi gia đình sẽ chỉ có một, hai người con chăm sóc bố mẹ. Đây là gánh nặng không nhỏ với những người trẻ, cũng đồng thời là lực lượng lao động chính của xã hội.
Thực trạng này đã xảy ra ở Trung Quốc, khi thực thi chính sách mỗi gia đình chỉ một con, thì cả gia đình gồm ông bà nội, ông bà ngoại, hai vợ chồng chăm một người con. Nhưng sau vài chục năm, đến lúc người con trưởng thành thì phải một mình lo toan cho năm, sáu người già. Đây là bài học cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tôi cũng lo ngại thực trạng dân số già nhanh nhưng không khỏe. Dẫn chứng là số người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, xương khớp, tiểu đường... ngày càng phổ biến. Những bệnh này sẽ đeo bám cả đời, dẫn đến chi phí lớn khi dân số già nhanh, tạo nên gánh nặng về bệnh tật cho xã hội.
PGS. TS Giang Thanh Long. Ảnh: VT
- Kinh nghiệm của các nước trên thế giới thích ứng tốt với thời kỳ già hóa dân số như thế nào, thưa ông?
- Nhiều nước dân số rất già nhưng vẫn nằm trong top những nước phát triển, có thu nhập cao là Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về việc áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến để chăm sóc người cao tuổi, để bù đắp tỷ suất sinh rất thấp ở nước này (dưới 1).
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã sớm nhận ra những thách thức và từ nhiều năm nay đã chủ động xây dựng các chính sách thích ứng với dân số già. Đầu tiên, Chính phủ lập các hồ sơ quản lý bệnh không lây nhiễm phổ biến ở người già vào các cơ sở y tế trên cả nước, từ lúc công dân còn trẻ. Hồ sơ sức khỏe của từng người được cập nhật vào hệ thống, theo dõi các bệnh về xương khớp, tiểu đường, tim mạch... Chính phủ mở rộng tầm bao phủ của bảo hiểm y tế, bắt buộc mọi người dân tham gia. Những người khó khăn, khu vực lao động không chính thức được Chính phủ hỗ trợ. Nhà chức trách nước này cũng yêu cầu người lao động gồm cả khu vực chính thức và không chính thức tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội.
Tại Nhật Bản, năm 1989, Bộ Y tế phúc lợi ban hành chính sách 80-20 nghĩa là khi công dân sống đến 80 tuổi vẫn giữ được 20 chiếc răng khỏe mạnh. Khi còn 2/3 hàm răng khỏe mạnh thì người đó sẽ nhai tốt, tiêu hóa tốt, dẫn đến không bị nhiều bệnh liên quan đến tiêu hóa, dạ dày. Hơn nữa, răng miệng tốt sẽ giúp người già khỏe mạnh cả về thể chất và khả năng giao tiếp xã hội, bởi nếu răng miệng có mùi họ sẽ ngại giao tiếp, ảnh hưởng về tinh thần lớn. Khi đề ra chính sách này, nhà chức trách Nhật Bản thống kê cả nước chỉ có 7% người trên 80 tuổi còn 20 răng tốt. Tuy nhiên, đến năm 2019, kỷ niệm 30 năm chính sách này ra đời, cả nước có 55% người cao tuổi có 20 răng tốt. Vì vậy, Nhật Bản là nước có dân số sống thọ và khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Đây là những bài học cho Việt Nam chuẩn bị để bước vào thời kỳ dân số già.
- Việt Nam cần chuẩn bị gì để thích ứng với dân số già?
- Dân số già vừa là thách thức vừa là cơ hội. Nếu muốn thích ứng tốt, Chính phủ cần có những chính sách ở tầm vĩ mô ngay từ bây giờ. Trước hết là chuẩn bị về kinh tế. Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình thấp nên sau hơn 30 năm nữa, dân số siêu già dễ gặp thách thức là lương hưu thấp, thậm chí nhiều người già không có lương bởi khi còn trẻ không tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt 26% dân số. Có thực trạng là nhiều người trẻ hiện nay lạm dụng rượu bia, chất kích thích, ít vận động... nên khi về già sẽ là hệ lụy nặng nề cho xã hội về mặt y tế.
Vì vậy, nhà chức trách cần có chính sách khuyến khích người dân trong độ tuổi lao động hiện nay tăng năng suất, chuẩn bị tốt về nguồn lực kinh tế, để có tích lũy về già và có ý thức giữ gìn sức khỏe. Những người trong độ tuổi lao động hiện nay, nhất là khu vực không chính thức cần được hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội để khi về già có thể tự lo được cho bản thân, thay vì phải trông chờ vào con cháu hoặc các chính sách phúc lợi từ Chính phủ.
Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho thời kỳ dân số già. Hệ thống bảo hiểm xã hội được cải cách, thu hút nhiều người tham gia. Đây là chính sách quan trọng đảm bảo thu nhập và lương hưu cho người già sau này. Một số bệnh thường xảy ra ở người già như huyết áp đã được đưa vào hệ thống quản lý đến y tế tuyến xã.
Tốc độ già hóa dân số nhanh khiến lực lượng lao động ngày càng thu hẹp. Khi lực lượng lao động quá ít sẽ gây áp lực rất lớn về tạo thu nhập cho xã hội, đóng góp cho các nguồn lực an sinh. Nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai sẽ không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước. Tuy nhiên, các nước phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Singapore... có điều kiện tốt về thu nhập, cơ sở vật chất để thu hút những lao động chất lượng cao từ các nước, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là nguy cơ cần được tính đến để xây dựng chính sách nâng cao tay nghề, năng suất và điều kiện cho người lao động.
Để hạn chế tốc độ già hóa dân số, nhà chức trách cần xây dựng chính sách để các cặp vợ chồng yên tâm sinh con và nuôi con. Bởi hiện nay, nhiều gia đình, nhất là ở các đô thị lớn có xu hướng sinh ít con. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí nuôi con rất tốn kém, gồm giáo dục, y tế, nhà ở, nghỉ ngơi, vui chơi... Thiết kế các chính sách giảm chi phí nuôi con là cách để khuyến khích sinh con.
Tác giả: Viết Tuân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy