Theo số liệu thống kê từ nhiều nước trên thế giới, trung bình có khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, 20% còn lại biểu hiện nặng hơn, cần sự can thiệp của y tế.
Trong 20% này, lại có 15% bệnh nhân diễn tiến nặng, phải thở oxy trở lên. Và trong 15% ca nặng sẽ có 5% nguy kịch, cần can thiệp thở máy, hồi sức tích cực.
Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 trên thế giới trung bình khoảng 2,1%. Tại một số nước lớn, tỷ lệ này khá cao: Mỹ: 1,78%; Anh: 2,35%; Nga: 2,49%; Đức: 2,45%; Trung Quốc: 5,02%; Nhật Bản: 1,79% (theo trang thống kê Worldometers, tính đến ngày 20/7).
Tại Việt Nam, thống kê trong các đợt dịch đầu tiên cho thấy, nước ta chỉ có khoảng 3% diễn tiến nặng. Tỷ lệ bệnh nhân nguy kịch, phải can thiêp thở máy hoặc ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) là dưới 1%. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong tới nay theo công bố của Bộ Y tế là 0,55%. Giai đoạn đầu tiên, con số này ở nước ta thậm chí có thời điểm chỉ khoảng 0,03%, thấp hơn rất nhiều so với “mặt bằng” chung trên thế giới.
“Tuy nhiên, khi dịch lan mạnh ra cộng đồng, Việt Nam tới đây sẽ không tránh khỏi quy luật về tỷ lệ nặng và tử vong của thế giới”, ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định khi trao đổi với PV.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM - Ảnh: Trương Thanh Tùng
“Việt Nam không nằm ngoài quy luật của thế giới về tỷ lệ nặng và tử vong”
Theo bác sĩ Khiêm, tỷ lệ nặng và tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam trước nay thấp hơn thế giới bởi một số nguyên nhân.
Thứ nhất, trong giai đoạn đầu, Covid-19 phần lớn bùng phát ở các khu công nghiệp tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang,… Đối tượng mắc đa số là nhóm công nhân trẻ, khỏe mạnh, tỷ lệ diễn biến nặng rất thấp. Một số ổ dịch bùng phát tại cộng đồng, tuy nhiên đến một mức độ (khi số bệnh nhân chưa quá lớn) đã được khống chế.
Thứ hai, do bệnh nhân giai đoạn trước chủ yếu là thanh niên, nguy cơ diễn biến nặng thấp nên hệ thống y tế của Việt Nam chưa bị quá tải, các y bác sĩ dù vất vả vẫn có thể dành nhiều nguồn lực cho ca nặng. Một số bệnh nhân nhiều lần ngừng tuần hoàn hoặc biến chứng suy đa tạng nghiêm trọng vẫn có “kỳ tích” cứu sống.
Thế nhưng hiện nay, dịch đã lan mạnh ra cộng đồng, số ca dương tính rất lớn (gần 60.000 ca trong nước tính từ ngày 27/4 tới nay). Đối tượng nhiễm bệnh bao gồm cả người già, trẻ nhỏ, người mang bệnh mạn tính, bệnh cấp tính,…
Trong đó, nhóm cao tuổi có nguy cơ diễn biến nặng, tử vong rất cao. Một số khu vực trên thế giới, tỷ lệ tử vong của nhóm này lên tới 80-90%.
“Bên cạnh đó, khi số ca mắc quá lớn, lượng bệnh nhân diễn tiến nặng, cần đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức cũng tăng lên, nguồn lực y tế của chúng ta chắc chắn không thể đảm bảo như giai đoạn trước. Đó là thực tế cần nhìn nhận”, bác sĩ Khiêm nhấn mạnh. Anh cũng bác bỏ một số ý kiến cho rằng người Việt có cơ địa khỏe mạnh, dễ thích nghi nên số ca tử vong thấp.
Nam bác sĩ cho hay, các nước lớn như Mỹ, châu Âu dù năng lực và tiềm lực y khoa rất mạnh vẫn có tỷ lệ tử vong cao thời điểm dịch bùng phát mạnh tại cộng đồng. “Việt Nam không thể thoát khỏi quy luật ấy khi số bệnh nhân quá lớn. Thậm chí, tỷ lệ tử vong của chúng ta còn có thể cao hơn nếu không kiểm soát tốt”, anh nói.
Bác sĩ Khiêm đưa ra dẫn chứng về câu chuyện ở Vũ Hán (Trung Quốc) trước đây. Khi hệ thống y tế quá tải, các bác sĩ hầu như phải “buông” những bệnh nhân thở máy vì không đủ điều kiện, nhân lực, phương tiện máy móc điều trị. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nặng, phải thở máy ở Trung Quốc có những giai đoạn lên tới 97%.
“Nếu chúng ta rơi vào tình trạng quá tải tương tự, nguy cơ ấy sẽ là trước mắt. Chưa kể dịch bệnh còn kéo dài, nhiều y bác sĩ thuộc lực lượng “quân tinh nhuệ” gần 1 năm rưỡi nay huy động liên tục qua các “điểm nóng” cũng không tránh khỏi nguy cơ kiệt sức”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Chưa thể “sống chung với lũ” trong tình hình hiện tại
Theo ThS.BS Đồng Phú Khiêm, để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong, việc can thiệp tích cực ngay tại cộng đồng nhằm giảm số ca mắc có vai trò quan trọng nhất.
Anh cho biết, hiện một số người có quan điểm nên coi Covid-19 là dịch cúm mùa, có thể “sống chung với lũ” vì thực tế số ca tử vong không cao. Đây là quan điểm chủ quan, bởi thực tế chúng ta chưa đạt đến điều kiện “sống chung với lũ”.
“Ta chỉ có thể “sống chung với lũ” khi tìm được cách giảm thiểu gánh nặng của lũ, tức phải có áo phao, phương tiện phòng hộ ứng phó. Tương tự, trong đại dịch Covid-19, người dân chỉ có thể sống chung với virus SARS-CoV-2 nếu có “bảo hộ” để tránh nguy cơ tử vong khi mắc bệnh - chính là vắc xin phòng Covid-19.
Khi tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ diễn biến nặng được tiêm vắc xin hoặc Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng, chúng ta mới có “phao” để sống với lũ”, bác sĩ phân tích.
Anh nhấn mạnh, không thể so sánh Covid-19 với cúm mùa bởi tỷ lệ nặng và tử vong khi dịch Covid-19 lan ra cộng đồng đang rất cao. Chỉ có vắc xin hoặc miễn dịch cộng đồng mới “biến” Covid-19 thành bệnh đơn giản như cúm mùa.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế, đặc biệt là thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế để ngăn dịch bệnh lây lan mạnh hơn.
Tác giả: Nguyễn Liên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy