Việt Nam “soi” gì từ “gương bong bóng” của Chứng khoán TQ?
17/07/2015 14:39:46
ANTT.VN - Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa phát hành Báo cáo đánh giá Thị trường Chứng khoán Trung Quốc (TTCK TQ) – một chủ đề đang được cả thế giới quan tâm.

Tin liên quan

"Bong bóng" chứng khoán Trung Quốc đã "vỡ"

Theo Báo cáo, TTCK TQ đã sụt mạnh kể từ ngày 15/06/2015 với tổng mức giảm lên tới trên 30%.

Quy mô bong bóng này chúng tôi đánh giá có thể so sánh với các bong bóng TTCK lớn trong lịch sử, hậu quả sau đó có thể kéo dài”, bộ phận phân tích tại BSC nhận định.

Trước đó, TTCK TQ đã chứng kiến một đợt sóng tăng cực kỳ mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015 sau một thời kỳ dài gần 7 năm đi ngang và tích lũy.

Vì đâu nên nỗi?

Trước hết, nói đến nguồn cơn tăng trưởng bong bóng của TTCK TQ, BSC cho rằng phải kể tới các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ.

Theo đó, kể  từ  cuối  năm  2014,  Ngân  hàng  Nhân  dân  Trung Quốc (PBOC) liên tiếp giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Lãi suất cho vay chủ  chốt giảm 04 lần kể  từ 11/2014  xuống  còn  4,85%;  lãi  suất  tiền  gửi  chủ  chốt xuống mức 2%. Mặc dù, mục đích của NHTW chủ yếu là để  nhằm kích thích nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng điều này cũng tạo ra niềm tin về việc nới lỏng tiền tệ sẽ giúp giá cổ phiếu tăng nhanh. Diễn biến cho thấy cứ sau mỗi lần giảm lãi suất, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại tăng điểm mạnh.

Bên cạnh đó, giá vàng, giá bất động sản giảm và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp khiến dòng tiền trong cư dân đổ dồn sang thị trường thay thế là đầu tư cổ  phiếu.  Số  liệu  từ  Công  ty Lưu ký và Thanh toán chứng khoán Trung Quốc cho biết hiện có hơn 90 triệu người dân hiện đang tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5/2015, nước này có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở. Riêng trong tháng 6/2015, Trung Quốc đã có thêm 7 triệu nhà đầu tư chứng khoán cá nhân.

Hiện tượng tăng trưởng quá nóng nêu trên không may đã lại trở thành khởi nguyên cho quá trình đổ vỡ khi mà tăng trưởng TTCK đã không đi kèm với tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, kinh tế Trung Quốc đang nằm trong chu kỳ suy giảm kéo dài. Tăng trưởng kinh tế chậm lại với tốc độ tăng  trưởng  giảm  dần  từ  2010.  Hiện tại, tăng trưởng GDP chỉ  đạt 7%, bên cạnh đó, chỉ số PMI cũng liên tục giảm về sát mức 50 từ mốc 55 điểm năm 2009. Giá cổ phiếu tăng không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến chỉ số P/E thị trường bị đẩy lên quá cao. Ngay cả sau khi sụt giảm gần đây, chỉ số P/E của Shanghai Composite Index vẫn ở mức 23, trong khi đó Hang Shen Index của thị trường Hồng Kông  –  nơi mà nhiều trong số các công ty tương tự của Trung Quốc niêm yết chỉ ở mức 12. Chỉ số Shenzhen Composite Index, thậm chí sau khi giảm một phần ba, vẫn có chỉ số P/E trung bình là 50.

Các nhà đầu tư của TTCK TQ có trình độ rất thấp (Nguồn: China Household finance survey)

Cùng với đó, chất lượng nhà đầu tư (NĐT) ở mức thấp, tỷ trọng NĐT nhỏ lẻ tham gia thị trường cao cũng là một nguyên nhân khác. Theo đó, số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh tuy nhiên các nhà đầu tư đa số đều là nhà  đầu tư cá nhân và trình độ học vấn ở mức thấp. Theo khảo sát, hơn 2/3 (68%) số nhà đầu tư mới chưa học hết phổ  thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ; tỷ lệ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 12%. Trong khi đó, các NĐT nước ngoài rút dần ra khỏi thịtrường Trung Quốc trong quá trình tăng điểm, để lại lớp NĐT cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.

Ngoài ra, có thể kể đến tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay margin) ở mức cao. Tỷ lệ  vốn margin/giá trị số cổ phiếu floating  thị  trường Trung  Quốc đạt  gần  9%, cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển. Điều này đồng nghĩa với khi tâm lý đảo chiều, giá cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh do áp lực giải chấp margin rất lớn của thị trường.

Để khắc phục tình hình, Chính phủ Trung Quốc đã và đang ban hành rất nhiều các biện pháp hỗ trợ thị trường và nền kinh tế nhằm giúp chặn đà lao dốc của TTCK nước này, bao gồm: (1) Các biện pháp thị  trường (Cấm cổ đông lớn và lãnh đạo công ty niêm yết bán cổ phiếu trong 6 tháng tới; Chính phủ mua vào các cổ phiếu bluechip hàng đầu; Cam kết mua vào các cổ phiếu nhỏ; Điều tra hoạt động bán khống; Chop phép các công ty trên sàn nhưng giao dịch; Ngưng IPO); (2) Các biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô (Hạ lãi suất; Tăng chi tiêu công, Phá giá đồng Nhân dân tệ; Tung các gói kích thích kinh tế mini).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của BSC “những biện pháp nêu trên chỉ có thể giúp cải thiện tâm lý ngắn hạn”.

Hậu quả để lại

Trước tiên, đối với Trung Quốc, thị trường chứng khoán đổ vỡ sẽ gây hiệu ứng trực tiếp tới (1) Khu vực tài chính trong GDP (theo ước tính của Golden Book là giảm khoảng 30 – 50 điểm cơ bản); (2)Hiệu ứng tài sản lên tiêu dùng (giảm khoảng 30 – 50 điểm cơ bản và khiến GDP giảm khoảng 10 – 20 điểm cơ bản); (3) Hiệu  ứng lan tỏa tới thị  trường bất động sản (giảm nh cầu nhà đất, bđs); (4)  Ảnh hưởng tới niềm tin NĐT. 

Thứ hai, đối với kinh tế thế giới, bản thân riêng việc sụt giảm của TTCK Trung Quốc sẽ  không  ảnh hưởng quá nhiều tới kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp từ việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đặc biệt nếu suy giảm sâu sẽ  tác động đáng kể  đến những nước có liên hệ về chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu với cường quốc có GDP lớn  thứ 2 thế  giới  này. Hiện tại, Trung Quốc đang là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của Brazil, Nam Phi, Nhật  Bản, Australia, Đức… và  rất nhiều quốc gia khác.

Cuối cùng, đối với Việt Nam, do nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc (tiếp theo là Hàn Quốc, Asean, Nhật Bản) và xuất khẩu sang Trung Quốc đứng  thứ  4 (sau  Mỹ,  EU, Asean) do đó nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng sẽ có những tác động không nhỏ  đến Việt Nam. Cụ  thể  là xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc sẽ giảm sút do nhu cầu  nội  địa  của  nước này  suy  giảm;  trong khi đó nhập khẩu từ Trung Quốc có thể  tăng lên do hàng hóa nước này rẻ đi tương đối từ  đồng Nhân dân tệ  mất giá và các nhà sản xuất giảm giá để đẩy xuất khẩu.

Bài học nào cho Việt Nam?

TTCK Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Mục tiêu chính sách nới lỏng tiền tệ  của chính phủ Trung Quốc về cơ bản là nhắm vào việc hỗ  trợ  tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức của TTCK đã vượt ra ngoài sự  kiểm soát của chính phủ nước này. Điều này cho thấy bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế.

(Nguồn: BSC)

Ngoài ra, bài học cũng cho thấy tầm quan trọng của các NĐT tổ chức, nước ngoài đối  với thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Sự đổ vỡ của TTCK có một phần lớn nguyên nhân từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông lớp nhà đầu tư cá nhân với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.

Xét ở khía cạnh  tích cực, những  vấn  đề  của TTCK Trung Quốc lại là cơ hội đối với TTCK Việt Nam khi vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới. 

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt NĐT tổ chức, nước ngoài. Nền kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở”  hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần  đây. 

Nếu các chính sách tiếp tục theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa cổ phiếu, tăng quy mô niêm yết (gắn IPO với niêm  yết), mở  rộng sự tham gia của NĐT NN thì TTCK Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ”, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV đánh giá.

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến