Vietsovpetro: Mất cân đối tài chính khoảng 230 triệu USD
11/01/2016 15:20:24
ANTT.VN - Giá dầu thế giới liên tục lao dốc khiến doanh nghiệp dầu khí trong nước gặp khó khăn. Theo báo cáo, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) mất cân đối tài chính khoảng 230 triệu USD và phải giảm bớt 400 nhân sự.

Tin liên quan

Tại hội nghị tổng kết của ngành Công Thương năm 2015 ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã tính toán nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu Tập đoàn giảm 5,4 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1,5 nghìn tỷ đồng.

Để ứng phó với các phương án giảm giá dầu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết, Tập đoàn kiểm soát giá thành từng mỏ, dự kiến giá thành khai thác dầu trung bình tại các mỏ trong nước năm 2016 là 27,4 USD/thùng, trong đó, mỏ có giá cao nhất là mỏ Sông Đốc với giá 58 USD/thùng, mỏ có giá thấp nhất là mỏ Cửu Long, đạt 12,7 USD/thùng.

Giá dầu thế giới giảm mạnh khiến dầu khí trong nước gặp nhiều khó khăn

Bức tranh ngày dầu khí trong năm 2016 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nếu diễn biến thị trường giá dầu thế giới liên tục giảm mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN dự báo lĩnh vực dịch vụ dầu khí sẽ giảm 40 - 50% lợi nhuận do các công ty dầu khí gặp nhiều khó khăn, không có vốn đầu tư, tìm kiếm, thăm dò phát triển mỏ. Ông cũng cho biết PVN sẽ xem lại khả năng triển khai các dự án khai thác trong năm nay nếu diễn bị giá dầu vẫn như hiện tại.

Ngành dầu khí đang phải thắt lưng buộc bụng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp của ngành đã phải cắt giảm nhân sự, giảm chi phí, giảm lương để cân bằng tài chính.

Ông Từ Thành Nghĩa - TGĐ Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro - VSP) - chia sẻ: Năm 2015 là năm khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của VSP trong hơn 30 năm qua do giá dầu giảm quá sâu. Cuối năm 2014, nghị quyết hội đồng liên doanh lần thứ 44 cho phép VSP được để lại 35% lợi nhuận để đầu tư tìm kiếm, thăm dò. Nhưng do giá dầu hạ, VSP đã không đủ trang trải chi phí hoạt động, dẫn đến mất cân đối tài chính khoảng 230 triệu USD. Trong đó, 170 triệu USD là thiếu hụt chi phí sản xuất và 60 triệu USD đầu tư các công trình dang dở như đóng mới giàn khoan Tam Đảo 05 và 2 tàu dịch vụ dầu khí. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, lãnh đạo VSP quyết liệt trong việc tự thực hiện các dịch vụ, giảm chi phí thuê ngoài, giảm đơn giá các hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị, dãn tiến độ các dự án không hiệu quả, dừng khai thác các giếng khoan có chi phí sản xuất cao...

“Hiện chi phí sản xuất 1 thùng dầu của VSP là 23,7 USD/thùng, thấp hơn 7,6USD/thùng so với năm 2014, nếu giá dầu tiếp tục giảm, khả năng VSP phải đưa chi phí xuống dưới 20USD/thùng mới có hiệu quả” - ông Từ Thành Nghĩa nói. Cũng nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, trong năm 2015, VSP hoàn tất việc giải thể 2 đơn vị trực thuộc, sáp nhập các phòng, ban, bộ phận sản xuất, tinh giản biên chế. Đến hết tháng 12.2015, VSP cắt giảm 400 biên chế gồm 46 người Nga và 354 người Việt.

Doanh nghiệp chủ lực trong khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác của PVN là TCty Thăm dò Khai thác dầu khí năm qua cũng thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn cho hoạt động đầu tư thăm dò. Các chỉ tiêu tài chính của PVEP sụt giảm mạnh. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đạt 7.081 tỷ đồng, nhưng sau khi nộp thuế, lợi nhuận còn lại chỉ là... 20 tỷ đồng (năm 2014, lợi nhuận sau thuế của PVEP lên tới 14.711 tỷ đồng). Trong điều kiện giá dầu giảm sâu, PVEP cũng đứng trước nguy cơ không thể vay được vốn ngân hàng (khoảng 250 triệu USD) để đầu tư khâu thăm dò khai thác do quá rủi ro với các mỏ giá thành cao hơn hoặc tiệm cận giá bán bình quân.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến