Vinaconex 3: Lợi nhuận sụt giảm trong 6 tháng đầu năm
16/09/2015 19:41:00
ANTT.VN – Vinaconex 3 có khoản tiền hơn 86 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi hàng kỳ và kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp 2,5 lần từ nguồn vốn chủ sở hữu… chính những sức hấp dẫn trên là lý do Bất động sản An Phát cấp tập mua vào cổ phiếu VC3 trong thời gian ngắn.
Lợi nhuận sụt giảm

Công ty CP xây dựng số 3 (Vinaconex 3, HNX: VC3) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và thi công xây lắp, doanh thu hàng năm chủ yếu từ bán các dự án bất động sản. Năm 2013, doanh thu mảng bất động sản của Vinaconex 3 đạt 291 tỷ đồng, năm 2014 là 383 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2015 đạt 115,5 tỷ đồng.

Công ty hiện có một số dự án BĐS lớn tại Trung Văn và Minh Khai, Hà Nội, các dự án này đều đã được bán gần hết. Tuy nhiên, do các dự án được triển khai vào giai đoạn thị trường BĐS đạt đỉnh nên chi phí đầu tư lớn, biên lợi nhuận không cao.

Bên cạnh đó, mảng xây lắp cũng không phải “mỏ vàng” đối với VC3 khi lợi nhuận từ mảng hoạt động này sụt giảm liên tục thời gian gần đây. Cá biệt, trong nửa đầu năm 2015, hoạt động xây lắp gây lỗ 1,858 tỷ đồng – cùng kỳ năm ngoái lãi 1,492 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh theo bộ phận của Vinaconex 3 đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái

Nếu xét về doanh thu và lợi nhuận (khoảng 14-15 tỷ đồng mỗi năm) của VC3 trong những năm qua thì tốc độ tăng trưởng không quá ấn tượng để công ty CP Đầu tư thương mại Bất động sản An Phát thực hiện kế hoạch “thâu tóm” ráo riết trong vòng hơn 2 tháng như ANTT.VN  đã đề cập trong bài viết trước.

Vậy điều gì mới là sức hấp dẫn khiến một đại gia đang đầu tư hàng loạt dự án tại Thanh Hóa như An Phát lại quay đầu ra Thủ đô?

Khách hàng tài trợ vốn "miễn phí"

Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp đang đứng trước mối lo về một trong những nội dung vừa được Bộ Tài chính đề xuất đưa vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 và bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2016.

Cụ thể, từ ngày luật có hiệu lực đến hết năm 2018, tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu đối với lĩnh vực sản xuất là 5 lần (5:1) và các lĩnh vực còn lại là 4 lần. Từ ngày 1-1-2019, tỉ lệ này được giảm đối với lĩnh vực sản xuất còn 4 lần và các lĩnh vực còn lại là 3 lần.

Hầu hết phản ứng từ đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đều bày tỏ mối nghi ngại gánh nặng thuế sau khi dự thảo chính thức có hiệu lực vì hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động với khoản vay vốn lớn.

Thế nhưng, Vinaconex 3 có lẽ là một trong con số hiếm hoi doanh nghiệp đứng ngoài mối quan tâm này khi trên bảng cân đối kế toán trong 6 tháng đầu năm 2015 không hề xuất hiện một khoản vay tài chính nào, chi phí tài chính cũng ở con số 0.

Ngoài ra, Vinaconex 3 trước khi An Phát chính thức nắm quyền sở hữu còn có một khoản tiền gửi có kỳ hạn lên tới 86 tỷ đồng (cao hơn cả vốn điều lệ tại ngày 30/06/2015 là 80 tỷ đồng).

Doanh thu tài chính do khoản tiền gửi mang lại trong 6 tháng là 3,8 tỷ đồng, góp phần tăng lợi nhuận sau thuế của VC3 lên 8 tỷ đồng – cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nên nhớ, kết quả từ hoạt động kinh doanh (từ bất động sản, xây lắp) giảm 50% so với 6 tháng đầu năm 2014.

Sở dĩ, Vinaconex 3 còn "thừa" nhiều tiền đến như vậy do trong cơ cấu nguồn vốn, cụ thể là phần nợ phải trả có đóng góp chủ yếu từ khoản tiền đặt cọc trước của khách hàng từ các dự án đang triển khai như dự án Trung Văn, dự án Phan Đình Phùng - Thái Nguyên...

Khoản tiền khách hàng đặt cọc dự án tại Vinaconex 3 (nguồn: BCTC VC3 năm 2014)

Tính đến ngày 30/06/2015, các khách hàng đã "hào phóng" đặt cọc tại Vinaconex 3 lên đến 861 tỷ đồng, sau khi phân loại lại theo thông tư 200 còn 708 tỷ đồng. Khoản tiền này được coi là khoản tài trợ vốn miễn phí cho Vinaconex trong suốt thời gian tiến hành dự án bất động sản trên.

Hoa Liên

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến