Vinaconex 3 về tay đại gia Thanh Hóa
16/09/2015 07:39:02
ANTT.VN- Công ty CP Thương mại đầu tư bất động sản An Phát đã được chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex 3 từ 24% lên 51% mà không qua chào mua công khai. Động thái “thâu tóm” này được ráo riết thực hiện chỉ vài tháng sau khi ông lớn Vinaconex rút chân khỏi VC3.

Thâu tóm nhanh gọn

Theo báo cáo mới nhất do công ty CP xây dựng số 3 (Vinaconex 3, mã VC3) công bố, đến hết tháng 6/2015, Vinaconex 3 vẫn là công ty con của Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) với tỷ lệ sở hữu 51% vốn.

Sau đó, đến ngày 24/7/2015, hơn 4 triệu cổ phiếu VC3 đã được Vinaconex chuyển nhượng cho 2 cá nhân và một tổ chức thông qua hình thức chuyển quyền sở hữu qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán – đánh dấu sự kiện thoái vốn hoàn toàn của Vinaconex tại VC3.

Hai cá nhân là ông Nguyễn Hùng Phương (Nguyễn Thanh Phương) và Nguyễn Hoài Anh đã mua vào lần lượt 17,14% và 10,08% vốn điều lệ. Ngoài ra, CTCP Thương mại đầu tư bất động sản An Phát cũng mua tới 1,92 triệu cổ phiếu VC3 – tương ứng 24,2% vốn VC3 và trở thành cổ đông lớn nhất.

Quá trình bước chân vào VC3 của Bất động sản An Phát chưa dừng lại ở đó, ngày 04/09 vừa qua, VC3 tổ chức đại hội cổ đông bất thường cho phép Bất động sản An Phát nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.

Dự án Trung Văn của Vinaconex 3

Với tỷ lệ này, An Phát sẽ trở thành cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối tại VC3 từ việc nhận chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu mà không phải chào mua công khai. Tổng số cổ phần mà An Phát nắm giữ sau khi chuyển nhượng là 4,08 triệu cổ phần.

Đại hội cổ đông cũng nhất trí thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của VC3 lên gấp 2,5 lần từ 80 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.

Như vậy, An Phát từng bước “thâu tóm” công ty CP xây dựng số 3 từ tay Vinaconex mà gần như không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Những dự án của ông chủ mới

Một câu hỏi được đặt ra trong đại hội cổ đông bất thường của VC3 vừa qua: “Công ty kỳ vọng gì ở việc tăng tỷ lệ sở hữu vốn từ 24% lên 51% của An Phát?”.

Ông Nguyễn Hùng Phương – cổ đông lớn thứ 2 sau đợt thoái vốn của Vinaconex – hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT VC3 cho biết: “Công ty An Phát có bề dày về đầu tư các công trình xây lắp, hạ tầng đô thị, sản xuất và đầu tư kinh doanh vào các lĩnh vực mà VC3 đang thực hiện nên việc kết hợp này sẽ có những bước phát triển lớn mạnh và bền vững”.

Được biết, An Phát mới tham gia vào thị trường bất động sản từ năm 2012 và là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn ở Thanh Hóa.

Tháng 3/2015, An Phát thực hiện tăng vốn lên 500 tỷ đồng với mục đích đầu tư các dự án khủng tại Thanh Hóa như Dự án khu Khu thương mại dịch vụ và dân cư B thuộc KĐT mới Đông Hương (512 tỷ đồng), KĐT phía Đông đại lộ Bắc Nam thành phố Thanh Hóa (2.980 tỷ đồng) , TTTM Khách sạn Great Dragon Hotel (gần 340 tỷ đồng).

Đặc biệt, An Phát cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao thực hiện dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn từ năm 2010 nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bức xúc quanh vấn đề giải tỏa mặt bằng.

Ngày 21/9/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 3338/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án trên với tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng trong đó có 48 tỷ đồng tiền giải tỏa, đền bù mặt bằng, thời gian triển khai và hoàn thành dự án không quá 3 năm, tính từ ngày ký.

Thế nhưng đến 4 năm sau, ngày 25/09/2014, tỉnh Thanh Hóa lại ký quyết định phê duyệt kết quả đàm phán thương thảo điều chỉnh hợp đồng thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, với tổng tiền sử dụng đất là 120,76 tỷ đồng trong đó hơn 108 tỷ đồng là kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư - Thanh Hóa đến nay vẫn đang trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng

Nguyên nhân của việc điều chỉnh trên do doanh nghiệp cùng thực hiện dự án với An Phát là Công ty TNHH Điện tử – tin học – viễn thông EITC, cũng là nhà đầu tư liên quan đến các dự án còn lại của An Phát tại Thanh Hóa, chưa chuyển tiền cho Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa và UBND thị xã Sầm Sơn hoàn thành công tác bồi thường GPMB.

Theo đó, Ngân sách Nhà nước ban đầu dự kiến thu về hơn 60 tỷ đồng vào năm 2010, đến năm 2014 khi dự án được điều chỉnh lại, số tiền nộp NSNN chỉ còn hơn 12 tỷ đồng.

“Quân tử” không “nhất ngôn”

Với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng mới được thực hiện điều chỉnh vào tháng 3/2015, An Phát có dự kiến niêm yết 50 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Mình.

Điều này đã được Đại hội cổ đông thường niên công ty tổ chức vào ngày 23/03/2015 thông qua, dự kiến sẽ thực hiện vào quý II – quý III/2015 do tổ chức công ty chứng khoán Đại Dương (OSC) tư vấn niêm yết, nộp hồ sơ lên HOSE vào ngày 09/04/2015.

Nhưng đúng 3 tháng sau - ngày 23/06, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho biết sẽ không tiếp tục quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát (APRest) do công ty chủ động rút hồ sơ.

Sở giao dịch chứng khoán cho biết căn cứ công văn số 17/2015/CV-AP ngày 16/06/2015 và Nghị quyết Hội đồng quản trị 06/2015/NQ-HĐQT ngày 15/06/2015, An Phát đã thông qua việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết.

Kết thúc năm 2014, Bất động sản An Phát đạt 169,5 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 3,74 tỷ đồng và 2,92 tỷ đồng.

Trong năm 2015, Bất động sản An Phát lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 500 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế tương ứng 61,5 tỷ đồng và 48 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty dự kiến trả cổ tức là 9,6% cho năm 2015, trong khi không trả cổ tức năm 2014.

Hoa Liên

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến