Vinafood 2 có nguy cơ mất trắng 47,8 tỷ đồng tại Lương thực Vĩnh Long
13/01/2016 14:47:03
ANTT.VN – Với kết quả kinh doanh lỗ 3 năm liên tục, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hơn 40 tỷ đồng và áp lực tài chính lớn, CTCP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long đã tính đến phương án bán tài sản để trả nợ sau đó tiến hành thủ tục phá sản.

Tin liên quan

Gặp khó trăm bề, lỗ lũy kế hơn 159 tỷ đồng

Sau lần đầu tổ chức đại hội cổ đông không thành, CTCP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long (HSX: VLF) đã tổ chức được ĐHCĐ bất thường vào hôm 08/01 vừa qua với sự tham dự của 19 cổ đông sở hữu 82,81% tổng số cổ phần của công ty.

Vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của VLF gặp nhiều khó khăn và đến năm 2015, tình hình không có nhiều chuyển biến đáng kể, các chỉ tiêu về sản lượng doanh thu các mặt hàng đều thấp, không đạt kế hoạch đề ra và giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.

Cụ thể, doanh thu bán hàng giảm từ 1.651 tỷ đồng vào năm 2013 còn 802 tỷ đồng vào năm 2014 và đến năm 2015, tổng doanh thu các mặt hàng (lương thực, thủy sản, bao bì) của Thực phẩm Vĩnh Long chỉ vỏn vẹn 209 tỷ đồng.

Theo đó, công ty báo lỗ 3 năm liên tục, năm 2013 lỗ 19,54 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 63,63 tỷ đồng và ngày càng bết bát hơn với khoản lỗ tới 75,83 tỷ đồng.

Đối với mặt hàng lương thực, năm 2013 lỗ 22,39 tỷ đồng do giá xuất khẩu sụt giảm mạnh và đến năm 2014 thì công ty chỉ hoạt động 6 tháng đầu năm nhưng vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí lãi vay, trích lập dự phòng, lương… Mảng thủy sản và sản xuất bao bì cũng phải đối mặt với các khó khăn tương tự.

Riêng 9 tháng đầu năm 2015, VLF phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 30,21 tỷ đồng và bán nhà máy Domyfeed (giá mua 100 tỷ) lỗ 26,82 tỷ đồng.

VLF bán nhà máy Domyfeed tại Đồng Tháp lỗ 26,82 tỷ đồng

Lỗ lũy kế công ty đến thời điểm này là trên 159 tỷ đồng. So với vốn điều lệ hiện tại dừng ở mức 119 tỷ đồng thì khoản lỗ đã lẹm vào vốn tới hơn 40 tỷ.

Lâm vào bước đường cùng

Cũng trong đại hội lần này, Lương thực Vĩnh Long đã đưa ra 3 giải pháp để khắc phục khó khăn (vay nợ, phát hành cổ phiếu, tái cơ cấu), tuy nhiên hiện tại tất cả tài sản của Công ty đều đang cầm cố ở ngân hàng nên khó có khả năng vay mới, việc huy động vốn cũng đi vào bế tắc với kết quả kinh doanh không hiệu quả của công ty.

Đại hội cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT tìm đối tác tham gia tái cấu trúc, khôi phục lại hoạt động kinh doanh, trước tiên phải xử lý nợ đến hạn để có nguồn tiền trả nợ, giảm áp lực trả lãi hàng kỳ.

Khôi phục hoạt động, VLF không tránh khỏi nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ. Gần đây, công ty đã thông qua quyết định gán văn phòng đại diện tại Tp.HCM để thanh toán một phần khoản nợ đối với HDBank. Việc gán nợ chưa dừng ở đó. Năm 2016, Vĩnh Long Food sẽ tiếp tục phải bán tài sản để trả nợ.

Nếu tài sản đủ/thừa để trả nợ, công ty sẽ tiến hành thủ tục giải thể. Nếu thiếu, công ty sẽ buộc phải tiến hành mở thủ tục phá sản và giao tài sản cho tòa án xử lý.

Rất có thể nếu Thực phẩm Vĩnh Long tiến hành thủ tục phá sản, cổ đông lớn nhất của VLF hiện tại là Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) chiếm tỷ lệ 40% vốn chủ sở hữu sẽ mất trắng số tiền đầu tư tại đây.

Hiện tại, giá trị cổ phiếu VLF chốt phiên hôm 12/01 chỉ còn 1.300 đồng/CP sau khi giảm liên tục thời gian qua. Với kết quả kinh doanh 3 năm liên tiếp báo lỗ, VLF cũng sẽ sớm “được” vào danh sách cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán.

Hoa Liên

 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến