Thư mời quan tâm dịch vụ môi giới bảo hiểm P&I cho đội tàu của Vinalines đưa ra tiêu chí hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù doanh nghiệp trong nước đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị nhưng không được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) quan tâm giải quyết thấu đáo, một mực bảo lưu ý kiến riêng, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt trong việc tham gia cung cấp dịch vụ này cho Vinalines.
Đưa ra tiêu chí “chặn cửa” doanh nghiệp Việt
Gần đây nhất, ngày 9/11/2018, Vinalines phát hành thư mời quan tâm tới một số công ty môi giới bảo hiểm có uy tín trên thị trường, trong đó nêu ra 5 điều kiện cần và đủ đối với doanh nghiệp quan tâm cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm P&I cho đội tàu của Tổng công ty. Ở điều kiện cần thứ nhất, Vinalines yêu cầu doanh nghiệp phải có mạng lưới văn phòng tại các thị trường bảo hiểm lớn nước ngoài (London, Singapore, Hongkong) có khả năng tham gia và hỗ trợ nghiệp vụ.
Theo ý kiến của một doanh nghiệp Việt Nam, không có bất kỳ doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nào trong nước đáp ứng được yêu cầu trên của Vinalines. Việc Vinalines đưa ra yêu cầu này (điều kiện tiên quyết) là hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, trong khi số lượng doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong nước chiếm 9/14 đơn vị trên thị trường. Doanh nghiệp này khẳng định, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong nước có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện môi giới bảo hiểm P&I cho đội tàu biển.
Để đảm bảo cạnh tranh, công bằng và minh bạch, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong nước đề nghị Vinalines xóa bỏ điều kiện cần nói trên để cho các doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ, tạo môi trường cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước theo chủ trương của Nhà nước.
Sau khi Vinalines phát hành thư mời quan tâm nêu trên, doanh nghiệp trong nước này đã 2 lần gửi văn bản đề nghị Vinalines rút lại điều kiện trên hoặc gia hạn thời gian nộp hồ sơ quan tâm để nhà thầu có thể liên danh đưa ra phương án thực hiện tối ưu. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 3 tháng trôi qua, Vinalines vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.
Vinalines nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hoàng Lê Vượng – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Thuyền viên và Tàu biển của Vinalines cho biết, năm 2017, sau khi phát hành thư mời quan tâm cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm P&I cho đội tàu của Vinalines, có 4 doanh nghiệp (gồm 3 doanh nghiệp nước ngoài và 1 doanh nghiệp trong nước) gửi hồ sơ quan tâm tới Vinalines. Năm 2018 thì có 2 doanh nghiệp (gồm 1 doanh nghiệp trong nước và 1 doanh nghiệp nước ngoài) gửi hồ sơ quan tâm tới Vinalines. Ông Vượng cũng thừa nhận, từ tháng 11/2018 đến nay, Vinalines vẫn chưa có văn bản phúc đáp nội dung thắc mắc nêu trên của doanh nghiệp môi giới trong nước. Mặc dù có kiến nghị nhưng công ty trong nước này vẫn nộp hồ sơ quan tâm cho Vinalines.
Ông Vượng cho rằng, do tính chất đặc thù của dịch vụ môi giới bảo hiểm của Vinalines nên bản thân phần công việc này không phải là 1 gói thầu, Vinalines không đấu thầu nên không phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu (kể cả thời gian trả lời văn bản kiến nghị của doanh nghiệp). Khi đưa ra các điều kiện nêu trong thư mời quan tâm, Vinalines đã căn cứ vào yêu cầu công việc và mong muốn tìm được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt nhất cho Vinalines, mà không xem xét đến việc tiêu chí đó có hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp trong nước hay không. Sở dĩ yêu cầu doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải có mạng lưới văn phòng tại các thị trường bảo hiểm lớn nước ngoài là để thuận tiện trong giao dịch với các tập đoàn bảo hiểm lớn và hỗ trợ nghiệp vụ bảo hiểm cho Vinalines.
Theo ý kiến chuyên gia về đấu thầu, Vinalines là doanh nghiệp nhà nước, việc thực hiện các phần công việc liên quan (dịch vụ môi giới bảo hiểm thân tàu biển và P&I đội tàu) phải tuân thủ Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu. Việc lựa chọn nhà thầu/doanh nghiệp cung cấp các loại hình dịch vụ này nếu không tuân theo Luật Đấu thầu thì Vinalines phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, chứ không thể tùy tiện đưa ra các tiêu chí riêng để hạn chế nhà thầu tham gia.
Theo báo Đấu thầu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy