Vinalines có bán nổi “cục nợ” khủng Vinalines Shipyard?
27/03/2017 14:50:25
ANTT.VN – Doanh nghiệp lập ra song gần như không hoạt động, lỗ lũy kế ăn mòn vốn chủ sở hữu. Cơ sở nào để Vinalines rao bán VNLSY với giá 82 tỷ đồng?

Tin liên quan

Vinalines Shipyard gắn liền với ụ nổi tai tiếng 83M

“Giấc mơ” nhà máy sửa chữa tàu biển nghìn tỷ tan vỡ

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo bán đấu giá phần vốn góp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (Vinalines Shipyards - VNLSY).

Theo đó, Vinalines muốn chuyển nhượng số cổ phần có mệnh giá 262,5 tỷ đồng, tương đương 88,65% vốn (thực góp) tại VNLSY với giá khởi điểm gần 82 tỷ đồng.

Được thành lập năm 2008 bởi Vinalines và Công ty CP Phát triển Hàng Hải (Vimadeco), VNLSY có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 300 tỷ đồng (năm 2010 tăng lên 800 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp của Vinalines là 85%).

Tuy nhiên vốn thực góp tính tới cuối năm 2015 của VNLSY chỉ là 296,5 tỷ đồng (Vinalines góp 88,65%), con số này vào cuối năm 2014 là 623 tỷ đồng. Giá trị vốn góp của VNLSY sụt giảm trong năm 2015 có thể giải thích bằng việc tài sản mang góp vốn của Vinalines –  ụ nổi 83M – bị ghi giảm giá trị.

Liên doanh này được lập ra với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển của Vinalines tại xã Mỹ Xuân, huyện Xuân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên diện tích 92,55 ha. Theo kế hoạch, dự án có tổng mức đầu tư lên tới 6.490 tỷ đồng này có thể phụ trách toàn bộ công tác sửa chữa đội tàu của Vinalines (23 - 25 tàu trọng tải đến 40.000 DWT/năm trong giai đoạn 2008 - 2015), trước khi trở thành cơ sở sửa chữa tàu biển hàng đầu khu vực với 110 - 120 tàu biển có tải trọng đến 100.000 DWT vào năm 2020.

Mặc dù vậy, kể từ khi thành lập, VNLSY hầu như không hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư chưa được triển khai, nên hoạt động của VNLSY chủ yếu là quản lý, bảo vệ ụ nổi 83M đầy tai tiếng neo đậu tại cảng Gò Dầu - Đồng Nai.

Lỗ lũy kế của VNLSY tính tới cuối tháng 9/2016 là 151 tỷ đồng. Tổng tài sản là 136 tỷ đồng, so với 649 tỷ đồng cuối năm 2014. Trong đó có khoản phải thu 77 tỷ đồng đối với Vinalines, được thuyết minh là chi phí sửa chữa ụ nổi 83M, và 33 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển.

Tình trạng bi đát của VNLSY được Công ty kiểm toán ACC nhấn mạnh trong BCTC 2015: “Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chặn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Sau khi bán lỗ ụ nổi 83M vào tháng 4/2016, VNLSY đã thanh lý hợp đồng với toàn bộ công nhân trông coi. Hiện tổng số lao động của doanh nghiệp này chỉ còn lại 2 người: gồm tổng giám đốc và kế toán trưởng.

VNLSY có gì hấp dẫn?

Việc định giá khởi điểm chỉ 82 tỷ đồng, bằng 31% mệnh giá vốn góp cho thấy quyết tâm rũ bỏ “đứa con hư” của Vinalines. Song câu hỏi đặt ra là VNLSY có gì hấp dẫn để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra gần trăm tỷ đồng, khi mà doanh nghiệp này từ khi thành lập gần như không có hoạt động sản xuất kinh doanh.

Câu trả lời chắc hẳn không gì khác ngoài gần 1 triệu mét vuông đất “sạch” đã cấp cho dự án của VNLSY.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tháng 12/2010 đã có quyết định cấp 92,55 ha đất tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành cho VNLSY trong thời hạn 50 năm để triển khai dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển.

Khu đất trên đã được VNLSY thực hiện thủ tục xin cấp đất, lập quy hoạch chi tiết 1/500, hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, đánh giá tác động môi trường, nộp thuế trước bạ... với tổng số tiền khoảng hơn 33 tỷ đồng.

Lô đất thuộc quyền sử dụng của VNLSY được đánh giá là có vị trí thuận lợi, nằm liền kề các cảng dịch vụ trong khu công nghiệp Mỹ Xuân, có tổng chiều dài đường bờ biển 2.607m. Đặc biệt, khu đất có thể tách làm 2 phần (khu hạ lưu 42,89 ha, khu thượng lưu 44,95 ha) do quy hoạch đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải có thể phát triển 2 dự án riêng biệt.

Tuy nhiên nhà đầu tư cần cân nhắc khi VNLSY tới nay vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất. Số tiền sử dụng đất và phạt chậm nộp hiện lên tới 236 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ phải trả của VNLSY tính tới cuối tháng 9/2016 là 26 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa rằng ngoài ít nhất 82 tỷ đồng bỏ ra để mua số cổ phần của Vinalines, nhà đầu tư sẽ phải chi thêm khoảng 260 tỷ đồng nữa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cơ quan thuế và thanh toán các khoản công nợ khác.

Nghi Điền

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến